Ước vọng Myanmar

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thành phố Mandalay là địa điểm nhiều khách du lịch, đặc biệt là du khách đến từ châu Âu tìm đến ngay khi đặt chân đến Myanmar, chỉ sau thành phố cổ Bagan. Thời tiết nắng, nóng, bụi mịt mù khắp nơi, giao thông ngổn ngang là ấn tượng nhỏ trong ngày đầu tiên. Bù lại, không gian văn hóa đậm chất Phật giáo, từ kiến trúc đến phong cách sống giản dị nhưng khát khao vươn lên của người dân trở thành dấu ấn ghi sâu trong lòng du khách.

Nhà sư mê tiếng Anh


Chúng tôi đi bộ từ đường lớn vào thăm chùa Shwenandaw (công trình kiến trúc gỗ độc đáo, xây dựng từ thế kỷ 19). Quãng đường dù ngắn nhưng dọc đường bố trí nhiều lu chứa nước uống phục vụ người đi đường. Hàng ngày, nhà sư trong tu viện xách nước, đổ vào từng lu. Nhờ vậy, lu nước chẳng bao giờ vơi. Hôm ấy, như mọi ngày, một nhà sư khệ nệ xách xô, tỉ mẩn múc từng gáo nước đổ vào các lu. Trên tay ông còn cầm sách tiếng Anh, giấy trắng và bút bi. Thấy chúng tôi đi ngang, ông hồ hởi làm quen. Nhà sư đề nghị chúng tôi nếu biết tiếng Anh thì nán lại trò chuyện với ông. Ông rất thích học tiếng Anh nên mỗi khi mang nước ra đây, ông đều tranh thủ làm quen với khách du lịch, rèn kỹ năng nghe, nói tiếng Anh. Nhà sư ham học ấy tên là Crown. Cuộc nói chuyện bắt đầu bằng những câu, từ đơn giản nhất. Chúng tôi trao đổi thông tin về bản thân, gia đình, nghề nghiệp. Ông Crown tận dụng tối đa thời gian để nghe, hỏi, kể chuyện bằng tiếng Anh. Biết chúng tôi đến từ Việt Nam, nhà sư càng phấn khích hơn: “Tôi rất thích Việt Nam. Quốc kỳ của các bạn có hình ngôi sao giống quốc kỳ của chúng tôi. Việt Nam có rất nhiều ô tô…”. Ông lật tờ giấy trắng, lấy bút vẽ hai lá cờ. Do vốn từ hạn chế nên hai bên thường trao đổi thông qua hình vẽ. Tiếp đó, nhà sư kể về mối tình của cha mẹ mình. Vì khác biệt tôn giáo nên hai người trải qua rất nhiều thử thách. Cuối cùng, tình yêu ấy đơm hoa kết trái khi ông và chị gái ra đời. Kế đến, ông hỏi về cách di chuyển từ nơi ông sống đến TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội. Ông mong mình có cơ hội đến thăm Việt Nam… Nhà sư nói rất nhiều, chuyển đề tài rất nhanh. Nhiều khi chỉ một câu tiếng Anh, ông lặp lại rất nhiều lần. Những câu chuyện, lời nói của ông thường không có mở đầu hoặc kết thúc. Chưa kể, khả năng phát âm tiếng Anh của ông còn hạn chế khiến chúng tôi nhiều lần… “đuối” vì dịch không kịp. Tuy nhiên, sự cố gắng của nhà sư sắp bước qua tuổi 50 khiến chúng tôi không thể dứt khỏi câu chuyện.


 

Nhà sư Crown nhiệt tình làm quen, trò chuyện với du khách
Nhà sư Crown nhiệt tình làm quen, trò chuyện với du khách


Ông Crown kể, không chỉ ông mà nhiều nhà sư trong tu viện, từ trẻ đến già, đều nỗ lực tự học ngoại ngữ. Mặc dù hạn chế về cách phát âm, vốn từ nhưng họ không ngần ngại giao tiếp, không sợ bị chê. Năng nói chuyện và hỗ trợ khách du lịch là phương pháp hữu hiệu nhất giúp họ cải thiện trình độ ngoại ngữ, tiếp thu thêm nhiều thông tin bổ ích, hòa nhập với tình hình mới của đất nước.

Chia tay nhau, nhà sư viết tặng mỗi người trong đoàn một câu nhận xét bằng tiếng Anh và lời hẹn gặp lại ở TP. Hồ Chí Minh.

Đứa trẻ trong quán ăn

Ngày làm việc của người dân Mandalay thường kết thúc khá sớm. 21 giờ, đường phố đã vắng tanh, chỉ lác đác quán ăn đêm sáng đèn. Chúng tôi vào một quán ăn tập trung đông du khách châu Âu.

Cảnh tượng thu hút chúng tôi không phải là sự đông đúc, màu sắc món ăn mà là giọng nói lanh lảnh của một bé gái tầm 5 tuổi, con chủ quán. Cô bé mang theo sách, bút chì chạy hết từ chỗ này sang chỗ kia, vui vẻ ngồi vào bàn ăn cùng thực khách. Đến bàn nào cô bé cũng chỉ tay vào hình vẽ trong sách, nhờ mọi người dạy đọc tiếng Anh. Thấy cô bé nhỏ tuổi nhưng hồn nhiên, ham học nên ai cũng nhiệt tình trợ giúp. Một du khách châu Âu chỉ vào hình vẽ con hổ, cố tình đọc là “lion” (con sư tử). Lập tức, cô bé phản bác: “No, tiger” (không, con hổ) rồi cầm bút chì viết lên hình vẽ để khẳng định kết luận của mình. Lâu lâu, thực khách lại cười phá lên vì những cử chỉ, hành động đáng yêu của cô bé. Nhiều người sẵn sàng dừng bữa, chỉ cho cô bé cách phát âm chuẩn nhất. Nhỏ tuổi, tiếp xúc nhiều với người nước ngoài nên cách ứng xử của cô bé khá cởi mở, linh hoạt. Một lúc sau, anh trai của cô bé xuất hiện, đòi lại sách. Thì ra, sách, vở, dụng cụ học tập mà cô bé cầm là của anh trai. Hai anh em thường ra quán học bài và phụ giúp cha mẹ. “Lợi dụng” anh bận làm bài tập, cô bé khuân hết sách vở của anh ra ngoài để học.

Nói chuyện, chơi đùa với khách đến quán ăn là cách vừa chơi vừa học của hai anh em.

Cậu sinh viên biết 5 ngoại ngữ

Nằm ở phía Bắc TP. Mandalay, bờ bên kia dòng sông Ayeyawadi, làng Mingun nổi tiếng khi là nơi lưu giữ bảo tháp Mingun (xây từ năm 1790), quả chuông Mingun (chuông đồng lớn thứ hai thế giới), đôi tượng Chinthe (linh vật nửa sư tử nửa rồng, được người dân xem như báu vật). Mất khoảng 1 giờ đi thuyền, chúng tôi đặt chân đến ngôi làng cổ. Từ khi phát triển du lịch, dịch vụ chở khách, hướng dẫn du lịch, bán hàng lưu niệm, thủ công mở rộng. Vì thế, cuộc sống người dân nơi đây cởi mở, đổi mới hơn.

Đón chúng tôi ở bến tàu là nam hướng dẫn viên tên Min Min (19 tuổi). Hiện Min Min là sinh viên năm nhất, chuyên ngành lịch sử tại một trường đại học ở TP. Mandalay. Hàng tuần, Min Min vào TP học, đến cuối tuần thì về nhà. Mấy năm qua, làng của em trở thành địa danh thu hút khách nước ngoài. Do đó, Min Min kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành hướng dẫn viên du lịch. Sinh ra và lớn lên ở đây nên em nằm lòng lịch sử, đặc thù từng ngóc ngách. Gia đình có 9 anh chị em, Min Min là con thứ tư. Như đa phần các hộ gia đình trong làng, nơi cư trú của gia đình hơn 10 thành viên chỉ là căn nhà sàn nhỏ, được ghép tạm bợ bằng những tấm liếp mỏng. Trong nhà tuềnh toàng, không chia phòng. Min Min giải thích hầu hết các gia đình đều sinh hoạt như thế, mọi người ngủ chung dưới sàn nhà. Dù học phổ thông miễn phí nhưng đa số các em nhỏ đều thất học. Các em nhỏ phải bán hoa hoặc hàng lưu niệm phụ giúp gia đình. Gia đình Min Min là dẫn chứng tiêu biểu cho những gia đình làng Mingun, đông con, nghèo khó. Điểm sáng khác biệt duy nhất là cậu con trai học đại học, thông thạo 5 ngoại ngữ. Min Min chia sẻ mình học tiếng Anh trong trường. Ngoài ra, em tự học thêm tiếng Thái Lan, Pháp, Ý, Trung Quốc. Mỗi lần dẫn du khách tham quan làng, Min Min kiếm được khoảng 25 USD. Đây vừa là cách phụ giúp gia đình, vừa là cách em trau dồi vốn ngoại ngữ.

Nhà sư Crown, cậu sinh viên trẻ hay hai em nhỏ ở quán ăn là điển hình mới, minh chứng cho nỗ lực học hỏi, vươn lên hội nhập tại “Đất nước hình ngọn lửa”.

Theo sggp

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.