Tú An nâng cao hiệu quả công tác truyền thông

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Những năm qua, xã Tú An (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) chú trọng đổi mới hình thức tuyên truyền, phát huy hiệu quả các kênh thông tin nhằm giúp người dân tiếp cận các chủ trương, chính sách và kiến thức để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Thay đổi nhận thức

Chúng tôi có dịp tham gia hoạt động trao bình chữa cháy cho người dân do Công an xã Tú An tổ chức. Hiểu được sự nguy hiểm của cháy nổ nên bà con đều có ý thức, chủ động phòng ngừa. Sau khi nhận bình chữa cháy, người dân được lực lượng Công an xã hướng dẫn cách sử dụng; đặt bình chữa cháy ở những nơi dễ quan sát phục vụ phòng cháy chữa cháy trong gia đình. Mọi người đều nghiêm túc lắng nghe sự hướng dẫn của các chiến sĩ Công an.

Để đảm bảo an toàn cho gia đình, ông Thân Thi Thư (thôn Tú Thủy 2) tự trang bị bình chữa cháy tại nhà. Ông chia sẻ: “Nhiều vụ hỏa hoạn xảy ra gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Sau khi nghe các anh Công an tuyên truyền, tôi thấy được lợi ích của việc trang bị bình chữa cháy tại nhà. Tôi đã đăng ký mua 2 bình chữa cháy để phòng ngừa trong trường hợp có hỏa hoạn xảy ra”.

Cán bộ Công an xã Tú An hướng dẫn người dân sử dụng bình chữa cháy. Ảnh: N.H

Cán bộ Công an xã Tú An hướng dẫn người dân sử dụng bình chữa cháy. Ảnh: N.H

Theo thống kê của Công an xã Tú An, toàn xã có hơn 1.222 hộ dân tự trang bị bình chữa cháy tại nhà. Đối với các hộ nghèo, Công an xã phối hợp với các đơn vị trao tặng bình chữa cháy để chủ động xử lý nếu chẳng may xảy ra sự cố. Để đạt được kết quả này, Công an xã đã tham mưu UBND xã ban hành văn bản triển khai tuyên truyền, vận động các hộ gia đình về công tác phòng cháy chữa cháy và tự trang bị bình chữa cháy; phấn đấu mỗi hộ trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy và dụng cụ cứu hộ cần thiết. Bên cạnh đó, Công an xã tổ chức cung cấp kiến thức, rèn luyện kỹ năng phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn cho người dân.

Thiếu tá Nguyễn Bá Sơn-Phó Trưởng Công an xã-cho biết: “Nhờ tích cực tuyên truyền với nhiều hình thức trực quan sinh động, các hộ gia đình đã nhận thức được tầm quan trọng của công tác phòng cháy, chữa cháy; chủ động trang bị bình chữa cháy để bảo vệ tính mạng và tài sản”.

Cũng nhờ được Hội Nông dân xã mở các lớp tập huấn kiến thức, tổ chức tham quan, học hỏi mô hình phát triển kinh tế hiệu quả mà nhiều hộ dân ở Tú An đã kết nối để thành lập tổ hợp tác chăn nuôi bò. Tháng 2-2020, Tổ hợp tác chăn nuôi bò xã Tú An được thành lập với 20 thành viên, chăn nuôi 90 con bò. Các thành viên trong tổ hợp tác đã giúp đỡ nhau làm chuồng trại, hỗ trợ vay vốn, chia sẻ cách mua bò giống chất lượng và kỹ thuật chăn nuôi bò.

Ông Phạm Văn Khánh-Tổ trưởng-chia sẻ: “Lâu nay, mọi người thường chăn nuôi nhỏ lẻ nên hiệu quả kinh tế không cao. Sau khi tham gia tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò và tham quan một số mô hình chăn nuôi, chúng tôi quyết định thành lập tổ hợp tác. Việc liên kết thành tổ hợp tác giúp các hộ hạn chế được rủi ro, từng bước nâng cao năng suất và tìm đầu ra để chăn nuôi bò theo hướng bền vững”.

Đến nay, Tổ hợp tác chăn nuôi bò xã Tú An đã có 35 thành viên, chăn nuôi hơn 250 con bò. Nhờ chăn nuôi đúng kỹ thuật nên đàn bò phát triển tốt, đảm bảo chất lượng, được thương lái ưa chuộng. Ngoài chăn nuôi, một số thành viên của tổ hợp tác còn kinh doanh vật tư, thức ăn gia súc.

Ông Nguyễn Phúc Thiên-Chủ tịch Hội Nông dân xã-cho hay: “Để bà con thay đổi nhận thức trong chăn nuôi, Hội Nông dân xã đã tạo điều kiện cho hội viên tham quan, học tập kinh nghiệm của các tổ hợp tác có hiệu quả trên địa bàn thị xã. Đồng thời, thông tin nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, tuyên truyền, khuyến khích hội viên mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Thời gian tới, Hội tiếp tục đẩy mạnh việc thành lập nông hội, hợp tác xã để nông dân liên kết phát triển kinh tế”.

Theo ông Phạm Văn Khánh (bên trái), khi tham gia tổ hợp tác, các thành viên được hỗ trợ vay vốn và chia sẻ kỹ thuật chăn nuôi bò. Ảnh: N.H

Theo ông Phạm Văn Khánh (bên trái), khi tham gia tổ hợp tác, các thành viên được hỗ trợ vay vốn và chia sẻ kỹ thuật chăn nuôi bò. Ảnh: N.H

Hội Liên hiệp phụ nữ xã cũng có nhiều đổi mới trong hình thức tuyên truyền để hội viên tiếp cận thông tin và nâng cao nhận thức. Ngoài kênh tuyên truyền chủ yếu qua các buổi họp, sinh hoạt, Hội đã đẩy mạnh tuyên truyền thông qua mạng xã hội Zalo, Facebook, kịp thời đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thông tin về vốn vay… đến với hội viên.

Bà Nguyễn Thị Mai Xuân-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã-thông tin: “Toàn xã có 1.066 hội viên phụ nữ, trong đó có 284 hội viên người dân tộc thiểu số. Nhờ tích cực tuyên truyền, chị em đã chủ động thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong chi tiêu, sản xuất. Xã hiện có 3 câu lạc bộ “Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm 5-10 triệu đồng”; 2 câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật”; câu lạc bộ “Phụ nữ không sinh con thứ 3”; 3 tổ truyền thông cộng đồng tại 3 làng: Pơ Nang, Nhoi, Hòa Bình”.

Đa dạng hình thức tuyên truyền

Ngoài phát huy vai trò tuyên truyền, định hướng thông tin của các ngành, đoàn thể, xã Tú An cũng chú trọng phát huy hiệu quả của các cụm loa truyền thanh. Hệ thống truyền thanh xã hiện có 14 cụm loa lắp đặt ở 6 thôn, làng. Hệ thống này tiếp sóng Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh vào các khung giờ: sáng từ 5 giờ đến 7 giờ, chiều từ 17 giờ đến 19 giờ. Ngoài tiếp sóng, công chức Văn hóa-Xã hội xã chủ động xây dựng chương trình, đọc bản tin phát thanh với các nội dung về chủ trương, chính sách của Đảng, quy định, pháp luật của Nhà nước; thông báo việc tổ chức các hoạt động phong trào, hội họp… Thông qua hệ thống loa truyền thanh, thông tin được truyền tải đến người dân chính xác, kịp thời.

Chị Thân Lệ Quỳnh-công chức Văn hóa-Xã hội xã-chia sẻ: “Để hoàn thành tốt việc vận hành hệ thống truyền thanh xã, tôi luôn tìm tòi, nghiên cứu và chủ động tham gia các lớp tập huấn để nâng cao kỹ năng tổng hợp thông tin và đọc bản tin. Mỗi bản tin khi đến với người dân phải chính xác, kịp thời giúp bà con nắm bắt, thực hiện và phản hồi lại những vấn đề liên quan”.

Chị Đinh Thị Ngọc (làng Pơ Nang) bày tỏ: “Bận làm nương rẫy nên tôi ít khi cầm điện thoại hay xem ti vi. Tôi thường có thói quen nghe thông tin từ loa truyền thanh. Những thông tin hết sức bổ ích, được kiểm duyệt nên tôi rất yên tâm”.

Chị Thân Lệ Quỳnh-công chức Văn hóa-Xã hội xã Tú An đọc bản tin. Ảnh: N.H

Chị Thân Lệ Quỳnh-công chức Văn hóa-Xã hội xã Tú An đọc bản tin. Ảnh: N.H

Không chỉ có loa truyền thanh, xã Tú An còn chú trọng đến việc lắp đặt pa nô tuyên truyền ở các thôn, làng. Nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, kiến thức pháp luật, kỹ thuật nông nghiệp, thông tin thị trường… được xuất bản trên báo chí, tờ rơi cũng được thông tin đến người dân kịp thời. Cùng với đó, UBND xã thường xuyên đối thoại với người dân, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để tìm cách hỗ trợ phù hợp với tình hình thực tế, giúp các hộ vươn lên thoát nghèo.

Ủy ban MTTQ và các đoàn thể của xã tăng cường công tác tuyên truyền, giúp cán bộ, hội viên và người dân hiểu về chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”... Nội dung và phương thức tuyên truyền, vận động phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và từng đối tượng. Qua các hoạt động tuyên truyền, người dân dần khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Ông Trần Thanh Cảnh-Chủ tịch UBND xã-cho biết: “Để người dân kịp thời nắm chủ trương, chính sách về giảm nghèo, xã đẩy mạnh công tác truyền thông. Hoạt động này được tổ chức thường xuyên, liên tục, nội dung tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm. Các ngành, đoàn thể cũng chủ động, linh hoạt triển khai các hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, đoàn viên, hội viên, người dân. Nhờ đa dạng thông tin tuyên truyền, địa phương đã triển khai các chính sách kịp thời, đầy đủ; người dân dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, lao động sản xuất”.

Có thể bạn quan tâm

Những triệu phú trồng mắc ca ở Sơn Lang

Những triệu phú trồng mắc ca ở Sơn Lang

(GLO)- Mắc ca là loại cây “kén” khí hậu nhưng khi trồng ở xã Sơn Lang (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) lại cho năng suất và chất lượng hạt vượt trội so với vùng đất khác và mang lại giá trị kinh tế cao, giúp nhiều nông dân địa phương trở thành triệu phú.

Anh Y Bim đã xây được nhà ở khang trang và mua sắm máy móc phục vụ sản xuất. Ảnh: H.T

Khởi sắc Đak Pơ Nan

(GLO)- Với sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, ngành, diện mạo làng Đak Pơ Nan (xã Kon Thụp, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) có nhiều khởi sắc, đời sống người dân ngày một cải thiện. Qua rà soát, làng còn 29 hộ nghèo, chiếm 32,9%, giảm 51,14% so với cuối năm 2021.

Gắn kết nghĩa tình, chung tay xây dựng nông thôn mới

Kết nghĩa với các buôn làng: Thắt chặt nghĩa tình, chung tay xây dựng nông thôn mới

(GLO)- Với phương châm “phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, linh hoạt tùy theo điều kiện cụ thể của từng cơ quan, đoàn thể, đơn vị”, chương trình kết nghĩa với các làng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) trên địa bàn TP. Pleiku đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Xã vùng 3 Ayun nỗ lực thoát nghèo

Xã vùng 3 Ayun nỗ lực thoát nghèo

(GLO)- Với những giải pháp cụ thể cùng nhiều nguồn lực hỗ trợ, năm 2024, xã vùng 3 Ayun (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã giảm được 65 hộ nghèo, 30 hộ cận nghèo. Tuy nhiên đến nay, hộ nghèo, cận nghèo ở xã vẫn chiếm tỷ lệ rất cao nên công tác giảm nghèo bền vững gặp nhiều khó khăn.

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

(GLO)- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành Quyết định số 61/2004/QĐ-UBND quy định mức tỷ lệ phần trăm (%) để tính đơn giá thuê đất, mức đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, mức đơn giá thuê đất đối với đất có mặt nước trên địa bàn tỉnh.