Từ ngày 1-7-2017, ngành hải quan sẽ kết nối với các cơ quan quản lý nhà nước (Công an cửa khẩu, Y tế, Kiểm dịch), thực hiện toàn diện một cửa quốc gia hàng không. Dự kiến, 232 thủ tục hành chính mới được triển khai giai đoạn 2016-2018 sẽ được thực hiện trên Cơ chế một cửa quốc gia.
Kết nối với cả đối tác ngoài ASEAN
Theo Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) trong số này, Bộ Giao thông vận tải có số thủ tục triển khai chiếm tỉ lệ nhiều nhất (89 thủ tục), tiếp đến là các Bộ: Y tế (55 thủ tục), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (26 thủ tục), Bộ Quốc phòng (19 thủ tục), Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông , Bộ Công an , Ngân hàng Nhà nước Việt Nam…
Cơ chế 1 cửa quốc gia sẽ tiết kiệm thời gian, tiền bạc cho doanh nghiệp khi làm thủ tục hải quan. |
Bên cạnh đó, có 38 thủ tục hành chính đã triển khai trên Cơ chế một cửa quốc gia sẽ triển khai mở rộng trong giai đoạn 2016-2018. Trong giai đoạn 2019-2020, danh mục các thủ tục hành chính mới thực hiện trên Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN gồm 14 thủ tục.
Theo Kế hoạch tổng thể triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN giai đoạn 2016-2020, tất cả các thủ tục hành chính liên quan đến quản lý Nhà nước đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh được thực hiện thông qua Cơ chế một cửa quốc gia dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4. Tham gia và triển khai đầy đủ Cơ chế một cửa ASEAN theo đúng cam kết và lộ trình thực hiện của các nước ASEAN; sẵn sàng về mặt kỹ thuật để kết nối và trao đổi thông tin với các đối tác thương mại khác ngoài ASEAN theo các hiệp định và thỏa thuận mà Việt Nam là thành viên.
Một cửa quốc gia hàng không
Cục Hải quan Hà Nội đang gấp rút thực hiện các công việc triển khai Cơ chế một cửa hàng không tại sân bay quốc tế Nội Bài. Theo đại diện Phòng Công nghệ thông tin (Cục Hải quan Hà Nội), đơn vị đã hoàn thiện được lộ trình triển khai Cơ chế một cửa quốc gia đường hàng không đối với các hãng hàng không cũng như các cơ quan quản lý khác. Các cơ quan triển khai gồm: Hải quan, Công an cửa khẩu, Cảng vụ, cơ quan kiểm dịch, y tế, các hãng hàng không, các doanh nghiệp kinh doanh cảng, doanh nghiệp kinh doanh kho hàng không, các doanh nghiệp forwarder, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mặt đất tại cảng hàng không quốc tế.
Theo đó, từ ngày 25-12-2016, Cục Hải quan Hà Nội sẽ hoàn thành xây dựng Cổng giao tiếp một cửa hàng không, bắt đầu thử nghiệm hệ thống. Các đơn vị đầu tiên tham gia thử nghiệm gồm: Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, 3 kho hàng không tại Nội Bài, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam airlines).
Từ ngày 1-1-2017, hệ thống thực hiện tiếp nhận thông tin về lịch khai thác bay của doanh nghiệp kinh doanh cảng hàng không, tiếp nhận thông tin lược khai hàng hóa (cargo emanifest) và kết nối thực hiện Điều 41 Luật Hải quan; cơ quan Hải quan sẽ áp dụng quản lý rủi ro để xác định chuyến bay trọng điểm và định hướng soi chiếu trước đối với hàng hóa XNK theo đường hàng không.
Đến ngày 1-3-2017, hệ thống thực hiện tiếp nhận thông tin trước chuyến bay đối với thông tin đặt chỗ (booking), thông tin hành khách, hành lý, thông tin tổ bay, danh sách hàng hóa nguy hiểm… đối với các chuyến bay xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; áp dụng quản lý rủi ro để xác định hành khách trọng điểm và lô hành lý nghi ngờ để thực hiện các biện pháp tăng cường kiểm tra, kiểm soát.
Từ ngày 1-7-2017, ngành hải quan sẽ kết nối với các cơ quan quản lý nhà nước (Công an cửa khẩu, Y tế, Kiểm dịch), thực hiện toàn diện một cửa quốc gia hàng không.
Theo tienphong