(GLO)- Với sự bùng nổ của công nghệ thông tin trong khoảng chục năm trở lại đây, việc ứng dụng công nghệ viễn thông di động vào phục vụ phát triển nông nghiệp ngày càng trở nên quan trọng và cấp thiết.
Với nông dân, dù sống ở bất cứ đâu đều rất cần các thông tin khoa học-kỹ thuật, thời tiết, thông tin thị trường, giá cả... Truyền thông, thông tin nhanh, kịp thời, chính xác đang được nhiều nước áp dụng làm tăng giá trị nông sản lên nhiều lần. Nhận thấy nhu cầu thiết yếu này của nông dân và các tổ chức, cá nhân, mạng di động Vinaphone đã tiến hành nghiên cứu ứng dụng công nghệ M2M vào lĩnh vực nông nghiệp cũng như phối hợp với Công ty cổ phần Truyền thông Nông nghiệp đa phương tiện (AgriMedia) nâng cấp những tính năng mới cho dịch vụ nông thôn xanh, Mobifone là dịch vụ nhà nông xanh. Với sản phẩm này, người nông dân và những đối tượng hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có thể nắm bắt diễn biến của thời tiết, thông số môi trường để phòng tránh dịch bệnh, tạo môi trường nuôi trồng tốt nhất, nắm được giá cả thị trường các mặt hàng nông sản tại nhiều vùng miền trên thế giới được cập nhật theo ngày và thậm chí là theo giờ. Qua đó, có thể chủ động các kế hoạch, dự định sản xuất và kinh doanh.
Mô hình trồng cây đậu phụng xen với cây mì mang lại hiệu quả và cải tạo đất. Ảnh: Đức Thụy |
Hiện nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng các bản tin về thời tiết, dịch bệnh, dự báo thiên tai cũng như giá cả thị trường khá phong phú và đa dạng. Nhưng với dịch vụ của VNPT Vinaphone và Mobifone, chỉ qua một tin nhắn đơn giản trên điện thoại, bà con nông dân sẽ nhận được bản tin ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, thiết thực, chất lượng cao do các nhà khoa học, khuyến nông, cộng tác viên biên tập vào từng thời điểm thích hợp cho từng đối tượng, vùng miền sinh thái khuyến cáo nông dân canh tác khoa học, thông minh với thời tiết, ứng dụng kỹ thuật tiến bộ, các vật tư, giống, giá cả, kết nối thị trường-đầu ra cho sản phẩm, chủ động phòng- chống thiên tai, sâu bệnh. PGS.TS Mai Quang Vinh-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Truyền thông Nông nghiệp đa phương tiện cho biết: Truyền thông nông nghiệp đa phương tiện là phương tiện truyền tải thông tin rất tiện ích của thời đại. Các bản tin thời tiết nông vụ được các biên tập viên của nhà mạng biên tập ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, thiết thực, chất lượng cao do các nhà khoa học vào từng thời điểm cung cấp cho từng đối tượng, từng vùng miền sinh thái.
Tại Gia Lai, Viện Khoa học Việt Nam vừa khai trương Trạm thời tiết-Môi trường tự đông iMetos. Nhờ làm việc hoàn toàn tự động, hoạt động bằng năng lượng mặt trời, kết nối internet qua mạng thông tin di động 3G, dễ lắp đặt, bảo dưỡng, vận hành ít trục trặc. Hệ thống thời tiết này có những thông báo và cảnh báo cập thời 8 thông số thời tiết với tần suất phát theo nhu cầu từ 10 đến 120 phút/lần: nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa, bức xạ mặt trời, tốc độ gió, hướng gió, khí áp, độ ẩm ướt lá cây. Dự báo thời tiết, sâu bệnh, thiên tai (lũ lụt, cháy rừng) theo thời gian thực hiện tại, bằng bản tin SMS tới người sử dụng qua điện thoại di động, website, bảng điện tử, máy tính.
Dự báo, cảnh báo thời tiết 24 đến 144 giờ với độ chính xác 70-80%; dự báo 24 giờ có thể đạt 90-100%, có thể dự báo được lượng mưa và thời gian mưa (bắt đầu-kết thúc, báo động lượng mưa quá ngưỡng), nhiệt độ cực đoan (nóng, lạnh, rét đậm, rét hại, sương muối), sâu bệnh cây trồng, thiên tai (lũ lụt, cháy rừng) theo thời gian thực hiện tại. Phạm vi phục vụ các hoạt động nông nghiệp, du lịch, đời sống với bán kính 5 đến 25 km (theo từng địa hình) cách nơi đặt trạm. Các trạm quan trắc, cảnh báo môi trường iMetos ECO-D2 có thể kết nối với 300 cảm biến đo, quan trắc thông số, hình ảnh môi trường, làm việc hoàn toàn tự động, kết nối internet 3G. Lưu trữ số liệu thời tiết từng giờ bằng bảng Exel trong toàn bộ thời gian hoạt động của Trạm phục vụ công tác chỉ đạo, nghiên cứu, điều hành sản xuất.
Anh Khoa