Tham gia lớp học có 58 học sinh đang học tại trường; trong đó có 28 nam và 30 nữ. Tham gia lớp học, các em được truyền dạy những bài chiêng cơ bản, nghệ thuật đánh cồng chiêng và các điệu múa xoang truyền thống. Nghệ nhân trực tiếp giảng dạy là người có nhiều kinh nghiệm trong việc chỉnh chiêng, trình diễn cồng chiêng và có kiến thức thực tế.
Các em học sinh được nghệ nhân trực tiếp truyền dạy cách sử dụng cồng chiêng. Ảnh: Lê Văn Châu |
Việc mở lớp truyền dạy cồng chiêng và múa xoang cho học sinh thuộc Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Đức Cơ nhằm truyền lại những kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng về cồng chiêng cho thế hệ trẻ. Qua đó, góp phần bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên-di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Đồng thời, tạo điều kiện để thanh, thiếu niên các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện được tiếp cận cồng chiêng, từ đó có khả năng tham gia biểu diễn cồng chiêng trong các dịp lễ hội. Đây cũng là cơ sở tạo nguồn nhân lực để địa phương tham gia Ngày hội các dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai và Liên hoan Văn hóa cồng chiêng huyện Đức Cơ lần thứ VII, năm 2023.