Một trưởng phòng và một phó phòng thuộc Chi cục Thủy sản Quảng Nam bị khởi tố bị can về hành vi nhận hối lộ.
Ngày 5-5, Công an tỉnh Quảng Nam cho biết Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với ông Trần Quốc Việt (57 tuổi) - Trưởng Phòng Tàu cá và dịch vụ tàu cá; ông Nguyễn Huỳnh Nam (40 tuổi) - Phó trưởng Phòng Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (cùng thuộc Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam) về hành vi "Nhận hối lộ".
Công an tống đạt quyết định khởi tố đối với 2 bị can Trần Quốc Việt, Nguyễn Huỳnh Nam - Ảnh: Minh Tuấn |
Trong đó, ông Việt bị bắt tạm giam 4 tháng, ông Nam bị cấm đi khỏi nơi cư trú. Ông Việt và ông Nam được xác định có liên quan đến vụ việc lợi dụng chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển, 20 ngư dân ở huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) trục lợi hơn 3 tỉ đồng và bị công an khởi tố bị can trước đó.
Cụ thể, các ông Việt, Nam được phân công thực hiện nhiệm vụ kiểm tra niêm phong, quá trình kiểm tra niêm phong phát hiện lập biên bản thể hiện máy niêm phong VX1700 bị hỏng, dây điện liên kết bị đứt nhưng đã nhận 70 triệu đồng để hứa hẹn bỏ qua lỗi vi phạm niêm phong, tạo cơ hội cho các chủ tàu được thanh toán hồ sơ đề nghị hỗ trợ nhiên liệu của các tàu cá vi phạm niêm phong.
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, tháng 11-2019, Công an tỉnh Quảng Nam khởi tố vụ án, khởi tố 20 bị can là 20 ngư dân ngụ huyện Duy Xuyên để điều tra về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
20 ngư dân ở huyện Duy Xuyên trục lợi chính sách đã bị khởi tố trước đó |
Theo hồ sơ, từ đầu năm 2019 đến khi bị phát hiện, các đối tượng là chủ tàu (có hộ khẩu tại huyện Duy Xuyên) không thực hiện việc đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, họ gửi khống danh sách các thuyền trưởng và thuyền viên cho các đơn vị chức năng xác nhận. Đồng thời, các chủ tàu mở niêm phong máy định vị tầm xa gửi cho các tàu đi đánh bắt xa bờ để các tàu cá này đến khu vực vùng khơi có tọa độ được Nhà nước quy định hỗ trợ tiền nhiên liệu. Sau đó, các chủ tàu nhắn tin gửi đến cơ quan chức năng để xác nhận vị trí chuyến đi nhằm làm thủ tục thanh toán tiền hỗ trợ nhiên liệu.
Mỗi chuyến, chủ tàu được thanh toán từ 75 triệu đồng đến 100 triệu đồng. Ban đầu, cơ quan điều tra xác định thiệt hại tiền của nhà nước hơn 3 tỉ đồng, đến tháng 11-2019 đã thu hồi trên 2,4 tỉ đồng. Hiện vụ án đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra mở rộng.
Theo Tr.Thường (NLĐO)