Trung Quốc ngừng mua, sầu riêng đang từ 100 ngàn/ký rớt còn 1 nửa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tại nhiều vườn sầu riêng thuộc huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Bảo Lâm (Lâm Đồng), dù đang vào vụ thu hoạch nhiều quả chín rụng, người dân thu hoạch về nhưng thương lái “chê” không thu mua khiến người dân lo lắng thua lỗ vì để lâu sẽ bị hư hỏng.
Giá rớt thảm…
Giữa năm là thời gian mà các nhà vườn trồng sầu riêng ở Lâm Đồng vui mừng, phấn khởi khi giá sầu riêng lên cao. Nhưng đó là vào thời điểm những năm trước đây, còn hiện tại các chủ vườn tại đây đang rất khó khăn khi tiêu thụ sầu riêng quả.
Tình trạng này khác hẳn so với mọi năm, thương lái chủ động tìm đến tận các vườn đặt tiền cọc mua cả vườn khi sầu riêng còn bông chưa đậu trái. Sau đó họ cho người chăm sóc đến mùa thu hoạch, phân loại và chở đi Trung Quốc tiêu thụ.
 
Giá sầu riêng tại các huyện phía Nam của Lâm Đồng giảm xuống rất sâu do Trung Quốc ngừng thu mua.
Ghi nhận của PV vào những ngày đầu tháng 7/2019, tại các huyện trên, đặc biệt là ở huyện Đạ Huoai (thủ phủ sầu riêng của tỉnh Lâm Đồng) giá sầu riêng đang xuống khá thấp.
Cụ thể, giống sầu riêng ghép Ri6 loại 1 thương lái mua vào chưa tới 30.000 đồng/kg, so với giá đầu mùa 60.000 - 70.000 đồng/kg. Sầu riêng giống ghép Thái Lan, Đôna... ở mức 40.000 - 50.000 đồng/kg, so với mọi năm chính vụ giá cao khoảng 80.000 - 100.000 đồng/kg.
Có mặt tại vựa trái cây Tuấn Vi (xã Hà Lâm, huyện Đạ Huoai), chị Hà Thị Vi - chủ vựa trái cây này cho biết: “Hiện nay, giá sầu riêng rẻ quá nên mua vào rất khó bán ra do thị trường Trung Quốc ngưng mua. Riêng giống ghép Thái Lan thỉnh thoảng còn xuất đi được chứ giống Ri6 hiện nay chỉ tiêu thụ ở thị trường trong nước. Trước đây, cơ sở của tôi xuất ra thị trường hơn 40 - 50 tấn sầu riêng/ngày, bây giờ thì cố lắm cũng chỉ tới 10 tấn/ngày, nhưng rất khó khăn chủ yếu xuất đi Campuchia và thị trường trong nước như Hà Nội, TP HCM”.
Chỉ lấy lại được vốn
Có mặt tại huyện Đạ Huoai, vào tận vườn của các hộ dân trồng sầu riêng, PV nhận được những cái thở dài khi hỏi về giá bán tại vườn. Dù đang vào vụ thu hoạch nhiều quả chín rụng, người dân thu hoạch về nhưng thương lái “chê” không thu mua khiến người dân lo lắng thua lỗ vì để lâu sẽ bị hư hỏng.
Cầm trên tay quả sầu riêng mới rụng dưới gốc cây, anh Nguyễn Phạm Khánh Thông, (30 tuổi, xã Hà Lâm, huyện Đạ Huoai) cho biết: “Hiện tại tất cả các nhà vườn trên địa bàn huyện đều gặp nhiều khó khăn khi giá sầu riêng xuống thấp. Chỉ từ 25 - 30 ngàn/kg thì chủ vườn huề vốn bỏ ra và không có lời vì kinh phí, công chăm sóc rất cao. Nếu không bán được cho thương lái nữa thì thua lỗ ảnh hưởng đến kinh tế gia đình người trồng sầu riêng rất lớn”.
 
Theo các hộ dân, với giá bán sầu riêng hiện tại thì nhà vườn sẽ không có lời, chỉ mong sao lấy lại được vốn.
Hiện tại gia đình anh Thông đang canh tác hơn 5 ha sầu riêng giống ghép Ri6 và Thái Lan. Để tránh thua lỗ, vớt vát vốn và công chăm sóc, nhiều nhà vườn đã mang sầu riêng ra đường dọc Quốc lộ 20 để bán cho khách đi đường hoặc gửi xe khách bán lẻ, giá rẻ cho các tiểu thương ở chợ Đà Lạt, TP.Hồ Chí Minh.
Ông Phan Bá Tý (54 tuổi, xã Hà Lâm) cũng buồn rầu nhớ lại, mọi năm vào thời điểm này, các thương lái về địa phương thu mua sầu riêng rất tấp nập.
“Họ về từng vườn để đặt mua trước, có người còn tranh giành nhau. Sau đó, những xe container đậu hàng dài dọc Quốc lộ 20, đoạn qua địa bàn xã chờ nhập sầu riêng đóng thùng và xuất đi. Nhưng năm nay, đợt đầu mùa khoảng hơn 1 tháng trước có một số xe đậu ở đây để thu mua, bây giờ thì không thấy xuất hiện nữa”, ông Tý nói.
Được biết, gia đình ông Tý trồng 2ha sầu riêng gồm giống Thái Lan và Ri6. Cách đây 1 tháng, gia đình ông bán được 1 tấn gồm cả hai loại trên chỉ với giá 35 ngàn/kg. Không những thế, thương lái còn cảnh báo đợt sau sẽ không thu mua giống Ri6 nữa.
 
Hiện tại sầu riêng ở Lâm Đồng chủ yếu bán thị trường trong nước và xuất đi Campuchia.
Lý giải tình trạng này, ông Đặng Hùng Việt - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đạ Huoai cho biết, UBND huyện Đạ Huoai đã hỗ trợ người dân nhân rộng mô hình chăm sóc sầu riêng “3 trong 1”, đồng thời, hỗ trợ kỹ thuật, vận động người dân gia cố cây sầu riêng để phòng, chống gãy đổ trong mùa mưa bão. Tuy nhiên, người dân chưa mặn mà với mô hình này vì cho rằng bán cho thương lái Trung Quốc giá cao nên ồ ạt thi nhau cắt bán sầu riêng lúc giá cao, mặc dù quả chưa đủ tuổi già nên giờ chịu cảnh bấp bênh là không tránh khỏi.
“Sầu riêng Đạ Huoai đã được cấp nhãn hiệu “Sầu riêng Đạ Huoai” nên địa phương đã ban hành tem truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, hiện nay người dân mới đăng ký khoảng 800.000 tem. Trong khi đó, toàn huyện mới chỉ có 88 hộ và hơn 300ha đăng ký sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP", ông Hùng thông tin.
Hiện nay, huyện Đạ Huoai có diện tích trồng sầu riêng lớn nhất tỉnh Lâm Đồng, khoảng 2.500 ha sầu riêng các loại, trong đó có 1.720 ha đã cho thu hoạch.
Văn Long (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Ram 1500 Laramie: Khẳng định đẳng cấp xe bán tải

Ram 1500 Laramie: Khẳng định đẳng cấp xe bán tải

(GLO)- Ram 1500 Laramie là phiên bản cao cấp trong dòng bán tải Ram 1500, mang đến sự kết hợp giữa sức mạnh vượt trội và nội thất sang trọng. Không chỉ đáp ứng được nhu cầu công việc, Ram 1500 Laramie còn là lựa chọn lý tưởng cho những ai yêu thích sự tiện nghi và phong cách. 

Xe máy điện Honda ICON e đã có mặt tại thị trường Việt Nam với giá dưới 30 triệu đồng

Xe máy điện Honda ICON e đã có mặt tại thị trường Việt Nam với giá dưới 30 triệu đồng

(GLO)- Honda ICON e là mẫu xe máy điện hướng đến đối tượng học sinh với thiết kế cao cấp nhưng nhỏ gọn. Xe có mức giá dưới 30 triệu đồng, được phân phối tại thị trường Việt Nam với 3 phiên bản thể thao, đặc biệt và cao cấp cùng 6 lựa chọn màu sắc gồm xám, xanh, bạc, đen, đỏ xám và trắng xám.