Trồng sen cho thu nhập cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lâu nay, sen được người dân mang về trồng trong ao hồ khá nhiều nhưng chủ yếu nhằm tạo cảnh quan hoặc lấy hạt sen để dùng. Thế nhưng, với vợ chồng anh Hồ Văn Út (tổ dân phố 7, phường Ngô Mây, thị xã An Khê), việc trồng sen lấy thân và hạt đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình.

Gia đình anh Út thuê bàu Ấm dưới chân núi Hòn Lớn đã nhiều năm nay. Trước đây, anh Út hầu như chỉ dùng diện tích mặt nước này để nuôi thả cá. Ngoài tích nước cung cấp cho 1 ha lúa của các hộ dân phía dưới, vào mùa mưa, khi nước lên, gia đình anh lại thả cá để tăng thu nhập. Nhưng mùa khô, mực nước xuống thấp, việc nuôi thả cá trở nên khó khăn.

 

Anh Út hái sen trên bàu Ấm. Ảnh: N.M
Anh Út hái sen trên bàu Ấm. Ảnh: N.M

Năm 2016, trong một chuyến về Bắc thăm gia đình, chị Trần Thị Thuận (vợ anh Út) đã mang vào trên 3 kg hạt sen giống Đài Loan. Vợ chồng anh bắt đầu mày mò học cách ươm trồng sen trong bàu Ấm. “Thấy trong phường có nhiều gia đình trồng sen để chơi rất đẹp, tôi nghĩ, tại sao mình không thử đầu tư bài bản trồng sen kết hợp nuôi cá”-anh Út kể. Với số hạt sen vợ mang vào, anh đem ươm giống. Đến khi cây sen mọc 1-2 lá mầm, anh đem cấy ra bàu với khoảng cách 2-2,5 m/cây. Trước khi cấy sen, vợ chồng anh dùng vôi bột (khoảng 30 kg vôi bột/sào mặt nước) để xử lý sạch bề mặt bàu. Kể từ khi trồng cấy sen, mực nước ở bàu được duy trì ở mức 50-80 cm. “Trồng sen không hề khó, một năm chỉ cần bón 3 đợt phân NPK với số lượng khoảng 50 kg/sào. Sen cho thu hoạch mỗi năm một lần, khoảng 6 tháng sau khi trồng. Thời gian còn lại, chúng tôi phát dọn cỏ, bón phân nuôi dưỡng củ sen cho năm sau”-anh Út cho biết.

Điểm đặc biệt là ngoài vốn đầu tư thấp,  quy trình trồng và chăm sóc sen khá đơn giản, thời gian thu hoạch kéo dài lại có thể kết hợp nuôi cá hiệu quả. “Trồng sen kết hợp với nuôi cá, đầu tiên phải để cho sen phát triển ổn định. Vì thả cá trước khi cấy sen, cá sẽ ăn mất củ, mầm. Ngoài ra, chỉ nên thả một số giống cá tự nhiên ít phải chăm sóc như: cá lóc, rô phi…”-anh Út chia sẻ. Trước đây, khi chưa trồng sen, anh Út thả cá trắm, trôi, mè, chép trong bàu, mỗi vụ thu được khoảng 1 tấn cá, tương đương 40 triệu đồng. Trừ chi phí mua giống, thức ăn, thuê bàu… tầm 20 triệu đồng, anh lãi khoảng 20 triệu đồng. Vậy nhưng, năm 2016, khi chuyển sang trồng sen kết hợp nuôi cá lóc, rô phi, anh Út đã thu về hơn 80 triệu đồng từ bán sen, bán cá.

Giống sen Đài Loan có hoa màu hồng nhạt, đài sen to, năng suất đạt khoảng 3,5 tạ hạt sen/sào. Hạt sen giống Đài Loan ăn bùi, bở và thơm nhẹ. “Lúc đầu, vợ chồng tôi chỉ cấy sen ở phần lòng hồ có nhiều bùn. Nhưng đến nay, sen đã lan khắp bàu, cả những nơi có cát và đất cứng”-chị Thuận chia sẻ.

Hiện tại, hạt sen tươi chưa lột vỏ được bán với giá 50-60 ngàn đồng/kg, sen đã lột vỏ có giá 80-100 ngàn đồng/kg. “Sen tươi giữ được độ ngọt mát, không chất bảo quản, tẩy trắng nên dùng rất yên tâm”-chị Nguyễn Thị Bốn (xã Song An, thị xã An Khê)-một trong những khách hàng ruột của vợ chồng anh Út, cho biết. Ngoài thu hoạch hạt, lá, đài sen… sau khi phơi khô cũng cho thêm thu nhập. Những lá sen già được tỉa theo từng đợt, gom lại và đài được tách hạt lấy nhân đem phơi khô, khi đủ 1 tạ sẽ có khách tới cân với giá 15 ngàn đồng/kg”-chị Thuận chia sẻ thêm.

Ngọc Minh

Có thể bạn quan tâm

Mật ong Phương Di đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia

Mật ong Phương Di đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia

(GLO)- Ngày 17-1, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam ký Quyết định số 377/QĐ-BNN-VPĐP phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm cấp Quốc gia đợt III-2024.

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

(GLO)- Nhằm hạn chế thiệt hại do bệnh khảm lá mì gây ra, nhiều địa phương trong tỉnh Gia Lai tích cực nhân rộng các giống mì sạch bệnh để thay thế các loại giống cũ có năng suất thấp, dễ nhiễm bệnh và hướng dẫn người dân về quy trình kỹ thuật phòng-chống bệnh khảm lá trên cây mì.