Những cái tên khoa học bachmaensis, bachmana chính là tên của loài mới phát hiện đầu tiên tại Vườn quốc gia (VQG) Bạch Mã, vùng rừng đặc dụng trải từ Thừa Thiên Huế vào Quảng Nam.
|
Phạm Thị Thành Đạt - người vừa phát hiện loài mới thu hải đường Bạch Mã - Ảnh: NVCC |
Tháng 5-2020, báo chí trong nước và thế giới liên tục đưa tin phát hiện loài mới ở Việt Nam, trong đó có một loài ve sầu được đặt tên là Sogana bachmana Constant & Pham, 2019 và một loài hoa thu hải đường Begonia bachmaensis Y.M. Shui & T.T.D. Pham sp. nov.
Những cái tên khoa học bachmaensis, bachmana chính là tên của loài mới phát hiện đầu tiên tại Vườn quốc gia (VQG) Bạch Mã, vùng rừng đặc dụng trải từ Thừa Thiên Huế vào Quảng Nam.
Đến nay, đã có ít nhất 25 loài sinh vật mới được phát hiện lần đầu tiên tại vùng rừng núi này, vinh hạnh mang tên bachmaensis, bachmana.
25 loài sinh vật mang tên bachma
Con số 25 này sẽ làm nhiều người ngạc nhiên, vì trong các tài liệu của VQG Bạch Mã chỉ ghi nhận 5 loài thực vật cùng 2 loài côn trùng (ong) được phát hiện đầu tiên tại Bạch Mã.
Đó là: côm Bạch Mã (Elaeocarpus bachmaensis Gagnep.), chìa vôi Bạch Mã (Cissus bachmaensis Gagnep.), bọt ếch Bạch Mã (Glochidion bachmaensis Thin), lá nón Bạch Mã (Licuala bachmaensis Henderson, N.K.Ban & N.Q.Dung), mây Bạch Mã (Calamus bachmaensis Henderson, N.K.Ban & N.Q.Dung).
Trong đó, ba loài côm (cây gỗ), chìa vôi (dây leo), bọt ếch (cây cỏ) Bạch Mã được công bố vào năm 2003, hai loài lá nón (cây cho lá để làm nón) và mây (dây leo làm vật liệu đan lát) Bạch Mã công bố năm 2007.
Cũng trong các tài liệu đó, có ghi hai loài ong: Spinaria bachmana Long & van Achterberg, 2007 và Vietorogas bachmana Long. spec.nov. công bố năm 2007.
TS Huỳnh Văn Kéo, cựu giám đốc VQG Bạch Mã, người đã có hơn 20 năm gắn bó với khu rừng cấm này, cho biết để thành lập VQG, nhà nước và các viện khoa học quốc gia đã tiến hành các cuộc điều tra quy mô về khu hệ động thực vật Bạch Mã.
Hằng năm có hàng chục đoàn nghiên cứu của giới sinh học, lâm học Việt Nam và thế giới sục sạo khắp vùng rừng núi này trong suốt mấy chục năm qua, và năm nào cũng phát hiện thêm nhiều loài mới.
"Bạch Mã là một hiện trường vô tận cho giới nghiên cứu thiên nhiên. Người đam mê nghiên cứu mà bước chân vào Bạch Mã là không dứt ra được" - ông Kéo nói.
Theo lời hướng dẫn của TS Kéo, tôi sục sạo tìm kiếm ở các tạp chí chuyên về sinh học trên thế giới, nơi thường xuyên công bố những loài mới phát hiện, và nhận lại một kết quả quá thú vị. Không phải là con số 7 mà có 25 loài mới mang tên bachma đã được công bố trong khoảng 20 năm trở lại đây. Trong đó, có 12 loài côn trùng, 11 loài thực vật, 1 loài cá, 1 loài bò sát.
|
Một cặp Orestes bachmaensis ở Bạch Mã - Ảnh: Wikipedia |
Thu hải đường Bạch Mã
Đó là loài thực vật vừa mới phát hiện tại Bạch Mã, được đặt tên: Begonia bachmaensis Y.M. Shui & T.T.D. Pham sp. nov., thuộc họ thu hải đường (Begonia).
Người phát hiện ra loài hoa thu hải đường Bạch Mã này là một nữ sinh viên khoa sinh học Trường đại học Sư phạm Huế: Phạm Thị Thành Đạt, hiện đang làm việc tại phòng thí nghiệm vi sinh học của Công ty liên doanh Bio-pharmachemie và cộng tác với Viện phát triển ứng dụng - Đại học Thủ Dầu Một.
Thành Đạt tìm thấy loài thực vật mới này khi cô đang là sinh viên năm cuối ở Huế.
Một ngày hè tháng 6-2016, cô sinh viên Thành Đạt lên núi Bạch Mã cùng với một nhóm du khách. Xuống đến chân thác Đỗ Quyên, trong khi mọi người ngồi ngắm cảnh thì thói quen khám phá thiên nhiên đã khiến Đạt cầm máy ảnh đi xuống chân thác.
"Tôi nhìn thấy những lùm cây có hình dáng như thu hải đường, nhưng rất lạ, vì nó cao đến cỡ 1,6m, khác với các loài thu hải đường vốn thấp bé", Đạt kể. Vì phải rời đi ngay nên Đạt chỉ kịp chụp ảnh và đánh dấu vị trí phát hiện.
|
Bông hoa thu hải đường Bạch Mã - Ảnh: PHẠM THỊ THÀNH ĐẠT |
Một năm sau, từ TP.HCM, cô nữ sinh viên đã tốt nghiệp quyết quay lại Bạch Mã, thu thập đầy đủ mẫu vật, rồi về phòng thí nghiệm để hoàn tất việc nghiên cứu.
Bài báo của T.T.D. Pham và các đồng nghiệp về hai loài thu hải đường mới, trong đó có loài Begonia bachmaensis Y.M. Shui & T. T.D. Pham sp. nov. phát hiện đầu tiên tại núi Bạch Mã, đã được công bố trên tạp chí Phytotaxa tháng 7-2019.
Đến tháng 5-2020 thì Bảo tàng Thiên nhiên VN công bố thông tin trong mục Phát hiện mới, và sau đó các báo liên tục đưa tin.
Thành Đạt cho biết thu hải đường Bạch Mã nở hoa từ tháng 4 đến tháng 7. Lá xanh mướt, cuống hoa màu tím, bông hoa hình trái tim màu hồng phớt, nở lung linh giữa rừng xanh và gửi cho tôi một chùm ảnh để nhìn thấy rõ hơn vẻ đẹp của thu hải đường Bạch Mã.
Cô cho biết vẫn đang theo dõi một số loài mới trên vùng rừng núi trùng điệp này. Và một ngày không xa sẽ tiếp tục có thêm những loài mới với cái tên bachma được công bố với toàn thế giới.
|
Mô tả loài mới phát hiện: thu hải đường Bạch Mã - Ảnh: PHẠM THỊ THÀNH ĐẠT |
Vẫn còn rất nhiều loài bachma
ThS Nguyễn Việt Thắng ở khoa sinh học Trường đại học Khoa học Huế cũng là nhà nghiên cứu lâu năm về thực vật ở VQG Bạch Mã.
Ông cho biết những cái tên khoa học có tiếp vĩ ngữ bachmaensis, bachmana là những loài mới cho khoa học và đương nhiên là loài mới cho khu hệ động thực vật ở VQG Bạch Mã đã được các hội nghị đặt tên về động thực vật trên thế giới công nhận.
Để được công nhận là loài mới của Bạch Mã, đòi hỏi tác giả nghiên cứu phải thực hiện một quá trình công việc rất công phu. Khi bài báo công bố loài mới được các tạp chí có uy tín trên thế giới đăng, tức là đã được các chuyên gia xác định đúng.
Những loài này chưa là đặc hữu của Bạch Mã, nhưng đã xác định đây là nơi đầu tiên phát hiện ra nó. Sau đó, nếu loài này được phát hiện ở một vùng rừng núi nào khác trên thế giới thì tên loài của nó vẫn là bachmaensis, bachmana.
Riêng hai loài cây chìa vôi Bạch Mã, bọt ếch Bạch Mã là hai trong 19 loài thực vật đặc hữu, phát hiện đầu tiên tại đây và chỉ có ở Bạch Mã.
|
Cây lá nón Bạch Mã Licuala bachmaensis - Ảnh: M.Tự |
Cứ mỗi lần công bố loài mới phát hiện tại Bạch Mã là giới nghiên cứu sinh học, lâm học trên thế giới lại đổ về vùng rừng núi này để quan sát tận mắt loài mới và lại lao vào cuộc khám phá những bí ẩn của thiên nhiên Bạch Mã.
Trưởng phòng khoa học và hợp tác quốc tế của VQG Bạch Mã - Trần Thiện Ân cho hay những phát hiện loài mới mang tên bachma là minh chứng cụ thể cho giá trị đa dạng sinh học rất cao của Bạch Mã. Vì vậy, Bạch Mã đã trở thành địa điểm nghiên cứu hằng năm của các viện khoa học, trường đại học, bảo tàng thiên nhiên trên thế giới.
Thêm một loài mới được công bố là cho thấy còn rất nhiều loài chưa phát hiện. Và các nhà thám hiểm thiên nhiên lại bị hấp dẫn và cuốn hút vào vùng rừng núi bí ẩn với muôn loài kỳ hoa dị thảo này.
|
Cá Schistura bachmaensis Freyhof & Serov, 2001 - Ảnh: my-fish.org |
Nằm ở vị trí trung độ của đất nước, VQG Bạch Mã là điểm dừng chân và hội tụ của hai luồng động, thực vật bắc - nam. Năm 2003, công bố kết quả nghiên cứu tài nguyên đa dạng sinh học của VQG Bạch Mã, chúng tôi thống kê được 2.067 loài thực vật, 1.493 loài động vật. Đến năm 2016, con số đó đã tăng lên: 2.420 loài thực vật, 1.715 loài động vật. Chỉ sau 13 năm, đã phát hiện thêm 353 loài thực vật, 222 loài động vật. Điều đó cho thấy giá trị đa dạng sinh học cũng như tài nguyên rừng Bạch Mã là vô cùng phong phú và đa dạng. Điều đó cũng cho thấy Bạch Mã vẫn còn rất nhiều loài động, thực vật đang chờ các nhà khoa học tìm kiếm, phát hiện. ThS MAI VĂN PHÔ (nguyên giảng viên khoa sinh học Trường đại học Khoa học Huế) ********** |
Du lịch Bạch Mã phải là du lịch sinh thái, và đúng nghĩa với loại hình du lịch "trở về với thiên nhiên" mà thế giới đang thực hiện...
Kỳ tới: Thận trọng khi chạm vào Bạch Mã
MINH TỰ (TTO)