Trao đổi: Cán bộ kém đức, bất tài sẽ bị loại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) nêu: “Kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu”. Đây là những nội dung không mới trong công tác cán bộ của Đảng, song Trung ương một lần nữa khẳng định cần “kiên quyết” thực hiện cho bằng được và hy vọng sẽ bắt đầu từ cấp trên, từ những người đứng đầu ở các cấp lãnh đạo, quản lý trong bộ máy của hệ thống chính trị.

Công tác cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu ở các cấp, các ngành là hết sức quan trọng, cho nên việc lựa chọn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, giao việc, đề bạt và theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá, uốn nắn, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình trong quá trình thực thi nhiệm vụ là việc phải làm thường xuyên. Trong thực tiễn hiện nay, việc đào tạo, giáo dục, rèn luyện, nhất là về đạo đức, phong cách của người cán bộ cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu trong bộ máy các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể là hết sức quan trọng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ phải quy tụ 2 yếu tố là đạo đức và tài năng. Theo Bác Hồ thì đức là cái gốc, đức phải có trước tài. Bác khẳng định: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hiện nay, tình hình thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp khó lường. Mặt trái của kinh tế thị trường, cùng với những khó khăn thách thức của các nước kiên định theo con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, trong đó có nước ta đã tác động trực tiếp đến tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của không ít cán bộ, đảng viên. Điều này, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã lại một lần nữa chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước”. Trong khi đó, những năm gần đây việc tổ chức quán triệt, nghiên cứu, học tập về đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, nhất là trong sinh hoạt ở chi bộ, tổ Đảng còn qua loa, đại khái, đơn điệu, nặng tính hình thức hoặc “lấn sân” sang công việc của cơ quan chính quyền. Lẽ ra, trong học tập, sinh hoạt của tổ chức Đảng các cấp cần coi trọng việc giáo dục về mặt tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, kiểm tra, giám sát về việc thực hiện những nhiệm vụ của đảng viên, thì lại đi sâu vào lĩnh vực kinh tế-xã hội, những nhiệm vụ có tính chuyên môn, nghiệp vụ cụ thể, thậm chí bàn và quyết định cả những công việc hành chính, sự vụ.

Trong việc tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở không ít tổ chức Đảng, nhất là cấp cơ sở, ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có tình hình phức tạp, trong các loại hình doanh nghiệp... đạt chất lượng chưa cao; thậm chí có nơi, có loại hình tổ chức Đảng như ở thôn, làng, tổ dân phố, chi bộ gồm đa số là đảng viên già yếu, về hưu thì chất lượng sinh hoạt, tính giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống... càng kém hiệu quả. Nguyên nhân của những vấn đề vừa nêu bắt nguồn từ công tác cán bộ, nhất là các đảng viên giữ trọng trách, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể ở các cấp. Nhận diện vấn đề này, mới đây, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) nêu: “...tình trạng suy thoái ở một bộ phận cán bộ, đảng viên trước hết là do bản thân những cán bộ, đảng viên đó thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài; sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng, trước dân”. Nói cho cùng, có tình trạng ấy là một bộ phận cán bộ, đảng viên kém đức, bất tài cho nên sa vào chủ nghĩa cá nhân, coi cái “tôi” là trên hết.

Cơ sở của việc học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ giác ngộ chính trị, vững vàng, kiên định về quan điểm, lập trường tư tưởng, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên là ở nơi tổ chức-một tổ chức vững mạnh, trong sạch, có kỷ cương, kỷ luật nghiêm, đảm bảo chất lượng sinh hoạt theo nguyên tắc tập trung dân chủ, phê bình và tự phê bình nghiêm túc, đấu tranh trên tinh thần xây dựng, đảm bảo nội bộ đoàn kết, thống nhất trên cơ sở đường lối, chủ trương của Đảng. Từ đó, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu trong bộ máy các cấp ủy Đảng và chính quyền tự mình soi lại mình, điều chỉnh chính mình, thấy được những việc làm tốt để phát huy, việc làm chưa tốt để có phương hướng khắc phục. Gần đây, trong công tác cán bộ, Đảng ta đặc biệt nhấn mạnh vấn đề “nêu gương” của người đứng đầu và cũng đồng thời coi trọng trách nhiệm của họ trong mọi việc. Điều này không mới, nhưng ít được quan tâm, bởi cơ chế “tập thể lãnh đạo”, “tư duy nhiệm kỳ” nên khi vấp phải sai lầm, khuyết điểm, hỏng việc thì không ai chịu trách nhiệm. Sắp tới đây, công tác cán bộ chắc chắn có những chuyển biến tích cực khi triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Bởi lẽ, đây là dịp Đảng ta “sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu”.

Theo tinh thần nói trên, những cán bộ không chịu học tập, rèn luyện, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt, sa sút về ý chí, lệch lạc về tư tưởng chính trị, yếu kém về đạo đức, tham nhũng, đục khoét tài sản của nhân dân, của Nhà nước, dốt nát về chuyên môn, nghiệp vụ thì sẽ phải bị loại khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước, Mặt trận và đoàn thể các cấp.

Từ những lẽ nói trên và từ thực tế tình hình, nhiệm vụ cách mạng của Đảng hiện nay, thiết nghĩ, công tác cán bộ cần có một tầm nhìn chiến lược trong quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo cả đức lẫn tài; cùng với đó là việc kiểm tra, giám sát, phát hiện những cán bộ kém đức, bất tài, dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để loại ra khỏi hệ thống chính trị; công khai, minh bạch trong việc đề bạt, điều động, bổ nhiệm những cán bộ đủ tiêu chuẩn, đủ đức-tài thay thế. Làm được vậy chắc chắn kinh tế-xã hội sẽ có chuyển biến tích cực, nội bộ sẽ đoàn kết thống nhất và cũng sẽ góp phần lấy lại và giữ vững niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước.

Đoàn Minh Phụng

Có thể bạn quan tâm

Đức Cơ: Doanh nghiệp vận tải và cơ sở thu mua ký kết đảm bảo an toàn giao thông

Đức Cơ: Doanh nghiệp vận tải và cơ sở thu mua ký kết đảm bảo an toàn giao thông

(GLO)- Công an huyện Đức Cơ vừa phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh tổ chức hội nghị tuyên truyền, ký cam kết chấp hành các quy định về pháp luật trật tự an toàn giao thông đối với các chủ doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vận tải, cơ sở thu mua nông sản trên địa bàn.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu trụ sở Tỉnh ủy. Ảnh: Đăng Vũ

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đại hội Đảng các cấp

(GLO)- Đó là chỉ đạo của đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại hội nghị giao ban trực tuyến các cơ quan khối Đảng tỉnh và các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy diễn ra vào chiều 4-12.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Lương phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: P.D

Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội cần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động

(GLO)- Sáng 3-12, tại trụ sở Tỉnh ủy Gia Lai, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Lương đã chủ trì hội nghị giao ban khối MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh để đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác quý IV-2024, định hướng nhiệm vụ công tác trọng tâm quý I-2025.

Đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng-chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: VĨNH HOÀNG

Không để lọt vào cấp ủy những trường hợp tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

(GLO)- Đó là chỉ đạo của đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng-chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực tỉnh Gia Lai tại hội nghị tổng kết công tác PCTN, tiêu cực năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 diễn ra chiều 2-12.