Trải nghiệm với Hà Đông

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Tôi là người thích lãng du, tìm đến những vùng đất mới, được gặp những người dân hồn hậu, mến thương. Lần này, tôi về thăm lại Hà Đông (huyện Đak Đoa tỉnh Gia Lai) vào một ngày nắng, vùng đất ngỡ quen mà thấy bao điều mới lạ.
Những nếp nhà sàn chênh vênh trên đồi cao vẽ nên bức tranh Hà Đông đẹp thanh bình. Ảnh: V.T.T

Những nếp nhà sàn chênh vênh trên đồi cao vẽ nên bức tranh Hà Đông đẹp thanh bình. Ảnh: V.T.T

Năm 2011, tôi về xã Hà Đông lần đầu tiên nhân một chuyến khảo sát điểm đến du lịch. Đường vào Hà Đông hồi đó hầu hết là đường đất, đèo dốc quanh co khá nguy hiểm nên việc di chuyển gặp nhiều khó khăn. Thi thoảng, mọi người trong đoàn đi Hà Đông ngày ấy vẫn nhắc lại chuyện xe bị kẹt giữa lưng chừng dốc khi từ làng Kon Nak về lại TP. Pleiku bởi tối hôm trước ở đây có một cơn mưa lớn.

Đợt đó, chúng tôi nghỉ đêm tại nhà sàn trong làng. Chập tối, mọi người lục đục chuẩn bị bữa ăn sau khi nhờ được bếp của một hộ dân. Cùng với một ít đồ khô và thức ăn sẵn mang theo, chúng tôi được bà con cho thêm rau, măng và 1 con gà. Dùng bữa tối cùng đoàn còn có các thầy-cô giáo trẻ tại điểm trường Hà Đông và bạn Y Ben (thành viên đội văn nghệ của xã).

Trên đường dễ dàng thấy được những ngôi nhà vách đất lợp mái ngói đượm màu thời gian. Ảnh: V.T.T

Trên đường dễ dàng thấy được những ngôi nhà vách đất lợp mái ngói đượm màu thời gian. Ảnh: V.T.T

Trở lại Hà Đông lần này, tiết trời khá chiều lòng người, nắng vàng dịu nhẹ, không khí mát mẻ, đường đi hầu hết đã được trải nhựa. Anh Chiêu-Cán bộ phụ trách Văn hóa-Xã hội của xã đón tiếp và đồng hành cùng chúng tôi. Anh cho biết: Hà Đông đã đổi thay khá nhiều về giao thông và cơ sở hạ tầng.

Xã có 5 làng: Kon Sơ Nglok, Kon Mahar, Kon Pơdram, Kon Nak và Kon Jôt; người Bahnar chiếm 99% dân số. Địa hình nơi đây chủ yếu là núi cao, được bao phủ bởi những cánh rừng. Người dân Hà Đông sống chủ yếu dựa vào cây lúa rẫy, mì cao sản và một số loại cây trồng mới như: cà phê, keo, bạch đàn… Vì vậy, đời sống của bà con vẫn còn khó khăn.

Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là thác Pơnơu thuộc địa phận làng Kon Pơdram. Cả đoàn háo hức di chuyển theo con đường dốc uốn lượn quanh co. Hai bên đường, những ngôi nhà sàn nằm chênh vênh trên đồi cao vẽ nên bức tranh tuyệt đẹp. Xe chạy chầm chậm, thỉnh thoảng còn thấy những ngôi nhà vách đất trên lợp mái ngói đượm màu thời gian, dưới gầm nhà sàn chất đầy củi, là biểu hiện cho sự ấm no, khéo léo trong gia đình. Phía trước sân nhà, đám trẻ con đang nô đùa.

Di chuyển khoảng 3 km, chúng tôi đến gần con thác, cùng nhau men theo con đường đất đỏ gập ghềnh dẫn lối xuống dòng suối nhỏ mát lành. Nơi đây, người dân địa phương vẫn thường đến thưởng ngoạn phong cảnh, tổ chức hoạt động giải trí, cắm trại, ăn uống bên các chòi được làm bằng tre bố trí dọc bên cạnh thác.

Tuy nhỏ nhưng thác nước trong lành, xanh bóng mây trời. Dòng chảy êm đềm từ đỉnh thác xuống các trảng đá bằng trải dài bên dưới, xung quanh còn được bao phủ bởi cây rừng khiến cho không gian thêm phần dịu mát và thoáng đãng. Dòng thác Pơnơu chảy về suối Đak Pơ Kei sau đó đổ ra sông Đăk Bla (tỉnh Kon Tum).

Thác Pơnơu xanh mát bóng cây rừng ở làng Kon Pơdram. Ảnh: V.T.T

Thác Pơnơu xanh mát bóng cây rừng ở làng Kon Pơdram. Ảnh: V.T.T

Rời thác Pơnơu, chúng tôi về làng Kon Mahar, nơi có ngôi nhà thờ mang vẻ đẹp cổ kính, uy nghi khiến bao người say mê chiêm ngắm. Trên đường, tôi thả hồn quan sát cảnh vật xung quanh, miên man ký ức về Hà Đông năm nào. Hà Đông ngày ấy hay Hà Đông hôm nay đều trập trùng núi đồi, mây vờn núi giữa rừng xanh xa thẳm.

Khi biết tôi muốn tìm hiểu về đời sống thường nhật của dân làng, anh Chiêu dẫn tôi vào thăm nhà ông Kôt khi bếp lửa phía sau nhà còn vương hơi ấm. Ông Kôt là ông ngoại của anh Chiêu. Vì vậy, khi có thời gian, anh thường về đây học cách đan gùi, làm khung cửi hay ủ rượu.

Gia đình ông Kôt là một trong số ít hộ dân ở làng Kon Mahar còn giữ lại nghề truyền thống là dệt vải từ cây bông được trồng phía sau nhà. Công việc này do bà Lôp-vợ ông Kôt làm vào những lúc nông nhàn, chủ yếu là dệt vải để may trang phục cho người thân trong gia đình. Ngoài ra, ông bà còn đan gùi để sử dụng và ủ rượu ghè để dùng dần vào những dịp lễ hội.

Tạm biệt làng Kon Mahar chúng tôi xuôi về làng Kon Jôt. Theo anh Chiêu, Hà Đông có những ngôi nhà thờ với lối kiến trúc vô cùng tinh tế, ấn tượng. Bởi vậy, anh đưa đoàn đến khám phá thêm một ngôi nhà thờ tại làng Kon Jôt.

Lúc chúng tôi đến, người dân đang tập trung khá đông cùng nhau chuẩn bị thức ăn trưa để dùng khi lễ nhà thờ kết thúc. Em Thoan-người phụ việc cho nhà thờ-cho biết: Trong buổi lễ nhà thờ, bà con mặc đồ truyền thống, đánh cồng chiêng và xoang. Vì vậy, không khí tại làng rất phấn khởi và ai ai cũng hào hứng giữa ngày vui.

Thong thả dạo một vòng quanh ngôi làng nhỏ, thu vào tầm mắt là hình ảnh anh Hrin đan dở chiếc gùi trước hiên ngôi nhà sàn khang trang nằm ngay bên đường rẽ vào nhà thờ. Tôi lân la vào nhà, trò chuyện.

Anh Hrin chia sẻ: Khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 8, anh cùng bà con trong làng tập trung làm rẫy. Khi có thời gian rỗi, anh mới đan gùi. Nếu đã chuẩn bị sẵn nguyên liệu thì tầm 2 ngày sẽ đan xong 1 chiếc.

Sản phẩm làm ra chủ yếu để sử dụng, nếu ai mua thì cũng bán với giá 200-300 ngàn đồng/chiếc. Chị Ngam-vợ anh thì dệt vải, may trang phục.

Chia tay Hà Đông ra về, tôi vẫn mong lại được đến miền đất này thêm một lần nữa!

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

(GLO)- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành Quyết định số 61/2004/QĐ-UBND quy định mức tỷ lệ phần trăm (%) để tính đơn giá thuê đất, mức đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, mức đơn giá thuê đất đối với đất có mặt nước trên địa bàn tỉnh.

Những mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân Ia Rtô

Những mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân Ia Rtô

(GLO)- Hưởng ứng cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, xã Ia Rtô (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã triển khai một số mô hình hay nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức, tự lực vươn lên phát triển kinh tế.

Ia Ka đa dạng giải pháp hỗ trợ giảm nghèo

Ia Ka đa dạng giải pháp hỗ trợ giảm nghèo

(GLO)- Những năm qua, xã Ia Ka (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo.

Kông Chro mùa gió

Kông Chro mùa gió

(GLO)- Những dãy núi cứ thế hiện ra huyền ảo trong sương sớm. Mặt trời mùa gió thắm nhẹ vén màn mưa để trải ánh vàng xuống miền đất của người Bahnar phía rừng già. Và tôi đã có những ngày mê đắm nơi vùng đất Kông Chro.

Các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã có thể gửi ý kiến về các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất thông qua hệ thống Google form. Ảnh: Hà Duy

Gia Lai: Tiếp nhận kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp qua Google form

(GLO)- Sở Kế hoạch và Đầu tư vừa có Công văn số 3260/SKHĐT-DN đề nghị các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã và các Hội nghề nghiệp triển khai tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của các nhà đầu tư, doanh nghiệp qua hệ thống Google form.

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

(GLO)- Sáng 6-11, tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học di tích lịch sử “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947, xã Kông Bơ La, huyện Kbang” nhằm hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền đề nghị xếp hạng di tích quốc gia.