Hà Đông ngày ấy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Năm 2002, tôi được luân chuyển từ Bảo tàng tỉnh về Sở Văn hóa-Thông tin. Tại cơ quan mới, tôi may mắn có một đồng nghiệp người Jrai, vốn là diễn viên xiếc, cũng vừa từ Đoàn Đam San lên. Đó là Ksor Phúc.

Có người đồng hành trong những chuyến về làng, tôi vơi đi cái cảm giác bồn chồn, vì anh hỗ trợ được rất nhiều cho tôi. Chuyến đi đầu tiên của tôi và Phúc là xã Hà Đông, huyện Đak Đoa.

Hơn 20 năm trước, đường vào Hà Đông vô cùng khó khăn, nhất là mùa mưa. Đoạn từ trung tâm huyện Đak Đoa đến cầu Đak Sơ Mei còn tạm ổn, nan giải nhất là đoạn từ bên kia cầu vào xã. Chỉ trên dưới 30 km, nhưng cứ vài trăm mét lại có cái “ổ voi” nhão nhoét chắn ngang, nhìn thì có vẻ hiền hòa, mà thật ra là đầy thách thức, xe máy cũng còn khó tìm lối để lách qua. Hai chị em tôi vừa đi vừa đẩy xe, vừa lấy cây xoi đất, khều bùn… rồi cũng qua được cái đoạn đường dẻo quánh.

Độ khó đi của con đường này đã “chết” cả vào địa danh. Ở đây có con dốc gọi là dốc 14, vì có lần, xe của bok Đề (buôn bán ở Hà Đông) bị lầy, phải nằm tại chỗ này 14 ngày.

Vì bốn phía là rừng nguyên sinh, càng đi, không gian càng âm u, thẳm sâu, hun hút… Đến một ngã ba, 2 chị em không biết rẽ phải hay trái nên quyết định chờ để có ai đi qua thì hỏi thăm đường. Nhưng nửa tiếng, rồi 1 tiếng đồng hồ trôi qua, trên đường vẫn không một bóng người.

Không thể chờ lâu hơn, sau khi phán đoán, bàn bạc, chúng tôi quyết định rẽ về phía trái. Từ đây, con đường dẫn vào một vùng toàn sỏi đá, xuống dốc, lên đèo. Đi một đoạn, thấy cái rẫy ven đường, chúng tôi rẽ vào tìm chủ rẫy để hỏi. Thật may là 2 chị em đã đi đúng hướng. Phía còn lại (rẽ phải) là ra Ayun (quốc lộ 19).

Lúc đã mệt rã rời, thấy có ngôi nhà, chúng tôi mừng hú. Đây là cái quán ven đường của anh chị Tân-Bình ở đầu làng Kon Rơng Pơdram. Sau khi uống nước, hỏi đường, chúng tôi đi tiếp vào trụ sở xã và được gặp Bí thư Đảng ủy xã Đinh Khuưr.

Những ngày ở Hà Đông, chúng tôi biết thêm nhiều điều thú vị. Xã Hà Đông có 5 làng là Kon Sơng Lôk, Kon Mơhar, Kon Rơng Pơdram, Kon Rơng Nak và Kon Jôt. Các làng đều nằm trên các thung lũng dọc suối Pơkêi (một nhánh của Đak Bla).

Đây là nơi các linh mục thừa sai người Pháp bám trụ và truyền giáo đầu tiên vào Tây Nguyên nên dân cả 5 làng của xã đều theo đạo Công giáo. Trong kháng chiến chống Pháp, các linh mục Đỗ Hữu Toàn, Nguyễn Đình Nghĩa ở nhà thờ Kon Mơhar là cơ sở tin cậy của đội công tác phía Bắc đường 19 khi đội này phát triển lực lượng từ hướng Kbang ngày nay lên.

Người Bahnar ở xã Hà Đông có quan hệ mật thiết với những người đồng tộc của mình ở các vùng lân cận như: xã Kon Pne (huyện Kbang) ở phía Đông, xã Đak Pne (huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum) ở phía Bắc, đặc biệt là với các cộng đồng người Bahnar ở xã Hà Tây (huyện Chư Păh) ở phía Tây, vì họ vốn là cư dân của cộng đồng Kon Mơhar chia tách ra.

Theo ông Lê Tam-cố Bí thư Tỉnh ủy, cái tên Hà Đông và Hà Tây xuất phát từ gợi ý của ông Nguyễn Tuấn Tài (Trần Kiên), là Bí thư khu Trung (huyện nằm giữa 2 thị xã Pleiku và Kon Tum) từ đầu thập niên 50 của thế kỷ trước. “Hà” là biến âm từ “har” (trong Kon Mơhar); còn Đông và Tây là vị trí của mỗi xã trong tương quan của tổng Kon Mơhar (thời thuộc Pháp).

Trong rất nhiều thứ thú vị mà tôi “nhặt nhạnh” được ở Hà Đông, có hình ảnh ngôi nhà rông (đồng thời là nhà nguyện) của làng Kon Sơng Lôk, với 10 gian. Cho đến lúc này, suốt dọc đường điền dã nhiều chục năm, tôi chưa gặp ngôi nhà rông thứ 2 nào dài như thế. Kon Sơng Lôk là làng lớn nhất của xã, lưng dựa vào núi Bok Sơlăng, mặt hướng về phía Tây. Dòng Pơkêi thơ mộng bắt nguồn từ Kông Ngút, bao bọc cả phía Bắc và phía Tây làng.

Đêm đó, chúng tôi lên nhà rông để cùng dân làng trò chuyện, nghe bok Đăm (lúc đó 65 tuổi) hát kể hơ amon H’rit-yă Dar, xem những người phụ nữ đan gùi (một công việc mà thường chỉ đàn ông làm). Ban ngày, theo chân bà con lên rẫy để tranh thủ hỏi chuyện, ngắm đàn t’rưng nước (mà bà con gọi là dăng), xem cách dẫn nước từ núi về bằng những ống lồ ô nối nhau tưới cho vườn, ruộng.

Ở Hà Đông, chúng tôi còn được chứng kiến một nghề khá đặc biệt, đó là nghề tanh sơkok (đan sơkok) để làm ra những chiếc chiếu, bao, mũ… phục vụ cuộc sống hàng ngày. Đây là một nghề của phụ nữ. Chị em ở cả 5 làng đều làm được, nhưng giỏi nhất là phụ nữ làng Kon Rơng Pơdram.

Bên cạnh những điều thú vị thì ngay từ ngày đó, có lúc tôi đã cảm thấy chạnh lòng khi chứng kiến việc có người từ phố, chở vật liệu vào bằng xe độ vào xây nhà “tặng” người Bahnar. Đổi lại, họ hạ những nếp nhà sàn lớn, được làm bằng gỗ quý từ xa xưa xuống và chở ngược ra phố.

Trên đường về, thỉnh thoảng lại có một vài chiếc xe gắn máy mang những khúc gỗ chạy ra. Một ý nghĩ chợt vụt qua trong tôi: “Thôi, mình chịu khó đi trên con đường khó khăn này để người Hà Đông được an yên nơi đại ngàn hùng vĩ”. Nghĩ một chiều thì là thế, nhưng nhớ đến thông tin cả xã lúc đó mới có 1 em được học hết lớp 12, việc đẻ con ra phải đi làm giấy khai sinh mà cũng ít người tự giác làm… thì ước muốn Hà Đông sớm có điện, có đường… lại chiến thắng.

Có thể bạn quan tâm

Chủ động ứng phó thiên tai

Gia Lai: Chủ động ứng phó thiên tai

(GLO)- Nhằm ứng phó kịp thời, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra trong mùa mưa bão năm nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã chủ động xây dựng phương án phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
O Yố khởi sắc

O Yố khởi sắc

(GLO)- Nhờ huy động nhiều nguồn lực đầu tư, đến nay, làng O Yố (xã Ia Băng, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã đạt chuẩn nông thôn mới. Diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, khởi sắc hơn.
Kbang tổng kết 10 năm phối hợp tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân

Kbang tổng kết 10 năm phối hợp tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân

(GLO)- Sáng 17-7 huyện Kbang, Gia Lai tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định 81/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “phối hợp giữa các Bộ, ngành, UBND các cấp với các cấp Hội Nông dân Việt Nam trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân” .