Tội phạm... trình độ cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thiếu tá Phan Thanh Sơn-Phó trưởng phòng An ninh điều tra Công an tỉnh (PA92) cho biết: 10 đối tượng bị bắt, khởi tố liên quan đến đường dây mua bán, làm giả bằng đại học, chứng chỉ các loại được “bóc gỡ” vừa qua phần lớn đều tốt nghiệp đại học ở những trường có tiếng trong cả nước.

Đặc biệt, trong số này có đối tượng là thạc sĩ, đang theo học thạc sĩ, điểm chung là tất cả các đối tượng đều có học lực khá, giỏi.

 

Các đối tượng liên quan trong vụ án.
Các đối tượng liên quan trong vụ án.

Phạm tội do chưa tìm được việc làm
 
Đơn cử như Nguyễn Quốc Phương (40 tuổi,  trú TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đak Lak) là đối tượng có trình độ cao nhất trong nhóm này, hiện là thạc sỹ công nghệ thông tin. Tiếp đến là Trịnh Văn Chung (27 tuổi, trú huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định), tốt nghiệp Đại học Thủy lợi Hà Nội, hiện đang theo học thạc sỹ ngành liên quan. Đối tượng được xác định cầm đầu đường dây này là Hoàng Đức Huấn (30 tuổi, trú xã Liên Trung, huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội), trước khi bị bắt Huấn là chuyên viên Phòng nội vụ UBND huyện Đan Phượng, tốt nghiệp Học viện Hành chính Hà Nội.

Các đối tượng còn lại như: Bùi Thị Mỹ Phương (26 tuổi, trú xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông) tốt nghiệp trường Đại học Tây Nguyên; chồng của Phương là Đinh Thanh Lam (29 tuổi, trú tại thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Pah) tốt nghiệp Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh; Lê Quang Phát (25 tuổi, trú tại quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) tốt nghiệp Đại học Ngoại thương Hà Nội; Lê Quang Lâm (28 tuổi, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) tốt nghiệp Học viện Tài chính Hà Nội; bạn gái của Lâm là Phạm Thị Hồng An (22 tuổi, TP. Thái Bình, tỉnh Thái Bình) tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Trung ương...

Riêng đối tượng Trịnh Văn Nam (26 tuổi, trú huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) từng theo học Đại học nhưng bỏ học nửa chừng, sử dụng bằng đại học giả của trường Đại học Mỏ-Địa chất Hà Nội để đối phó với gia đình. Tuy nhiên, theo cán bộ điều tra, về lĩnh vực công nghệ thông tin, đối tượng Nam được xếp vào hàng “cao thủ”.

Tại cơ quan điều tra, các đối tượng này khai nhận do chưa có việc làm nên đi theo đường dây làm văn bằng, chứng chỉ giả kiếm lời, kiếm chút vốn để xin việc, thành lập công ty riêng. Nhận thấy dễ kiếm tiền, đối tượng Huấn quyết định “đầu tư lớn” vào mạng Internet đặt mua 10.000 phôi chứng chỉ giả của một đối tượng tên Huyền ở TP. Hà Nội với số tiền 120 triệu đồng. Sau đó, Huấn mua máy in màu và sử dụng phần mềm để chỉnh sửa rồi in và bán hàng trăm chứng chỉ tin học, ngoại ngữ và nghiệp vụ sư phạm giả. Đặc biệt đối tượng này còn bán luôn cả giấy khám sức khỏe giả. Ăn theo Huấn, Trịnh Văn Chung đặt mua lại 1.000 phôi chứng chỉ giả có sẵn chữ ký, con dấu từ đối tượng này về in bán kiếm lời.

Theo điều tra viên phòng PA92 cho biết, bằng mắt thường không thể phân biệt được bằng giả với bằng thật. Từ bảng điểm, văn bằng đại học, chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, giấy khám sức khỏe... tất cả đều có in dấu, đóng tem, hình in chìm nổi. Do đó, khi các văn bằng này "bổ sung" vào hồ sơ các cán bộ công chức thì cơ quan bổ nhiệm rất khó phát hiện.

 

Các văn bằng, chứng chỉ giả nhìn bằng mắt thường rất khó phân biệt.
Các văn bằng, chứng chỉ giả nhìn bằng mắt thường rất khó phân biệt.

Đường dây bằng giả quy mô toàn quốc

Theo Thiếu tá Phan Thanh Sơn-Phó trưởng Phòng PA92 Công an tỉnh Gia Lai, các đối tượng trong đường dây này chủ yếu giao dịch trên mạng như Facebook, Gmail, Zalo. Từ đó, việc chuyển văn bằng, chứng chỉ được thực hiện thông qua bưu điện, dịch vụ chuyển hộ; còn tiền thì qua các tài khoản ngân hàng. Các đối tượng tuy không biết mặt nhau, nhưng lại kết nối với nhau từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước khiến công tác điều tra gặp nhiều khó khăn. "Hiện chúng tôi đang ủy thác cho 42 cơ quan Công an tỉnh, thành phố phối hợp mở rộng điều tra vụ án"- Thiếu tá Sơn cho biết.

Qua theo dõi trên mạng xã hội Facebook, trinh sát Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Gia Lai mật phục bắt quả tang đối tượng Bùi Thị Mỹ Phương đang có hành vi mua bán chứng chỉ tiếng Anh trình độ C giả. Từ lời khai của Phương, tháng 3-2016, Công an tỉnh Gia Lai phối hợp với Cục An ninh điều tra (Bộ Công an) bắt khẩn cấp đối tượng Lê Quang Lâm và bạn gái là Phạm Thị Hồng An đang tạm trú tại quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội. Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, chỉ sau thời gian ngắn các đối tượng còn lại trong đường dây làm giả chứng chỉ lần lượt bị bắt giữ.

Điều đáng nói qua khám xét nơi ở của các đối tượng trên, cơ quan Công an tịch thu hơn 22.300 phôi chứng chỉ giả của một số cơ quan, tổ chức. Đối tượng Bùi Thị Mỹ Phương chỉ là một mắc xích nhỏ tại Gia Lai trong đường dây cung cấp cung cấp các loại chứng chỉ, bằng cấp giả khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Ngoài các đối tượng nêu trên, cơ quan an ninh điều tra cho biết hiện có nhiều đối tượng ở các tỉnh thành khác như: TP. HCM, Bắc Giang, Cà Mau, Đak Lak… “Không chỉ 42 tỉnh, thành mà có thể là nhiều hơn nữa. Do thời gian phá loại án này ngắn nên chúng tôi khép lại phạm vi điều tra ở đây”- Thiếu tá Sơn nói.

Minh Nguyễn

Có thể bạn quan tâm

Bắt 13 đối tượng trong đường dây buôn ma túy số lượng lớn từ Lào, Sơn La về Thái Bình

Bắt 13 đối tượng trong đường dây buôn ma túy số lượng lớn từ Lào, Sơn La về Thái Bình

Bộ Công an vừa có Thư khen gửi Công an tỉnh Thái Bình về thành tích đấu tranh triệt phá đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy xuyên quốc gia. Công an tỉnh Thái Bình bắt giữ, khởi tố 13 đối tượng, thu giữ tổng cộng hơn 43kg ma túy các loại cùng nhiều vật chứng khác.