(GLO)- Hội nghị trực tuyến tổng kết Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2000-2018, do Ban chỉ đạo Trung ương về Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (ĐSVH) diễn ra ngày 21-9.
Tại điểm cầu trung tâm của hội nghị ở Thủ đô Hà Nội, có sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng ĐSVH; bà Trương Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Ngọc Thiện- Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, cùng đại diện các bộ ngành, cơ quan, đơn vị Trung ương... Ở các đầu cầu các tỉnh thành phố trong cả nước có đại diện cấp ủy, chính quyền, Thường trực Ban chỉ đạo Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng ĐSVH các cấp. Đầu cầu Gia Lai có ông Hồ Văn Niên - Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; bà Huỳnh Nữ Thu Hà - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Ayun H’Bút, đại diện một số sở ban ngành, đoàn thể tỉnh, đại biểu dự tại đầu cầu hội nghị trực tuyến ở các địa phương trong tỉnh ...
Toàn cảnh đầu cầu hội nghị tại Gia Lai. Ảnh: Thanh Nhật |
Theo đánh giá tại hội nghị, trong giai đoạn 2000-2018, các cấp, các ngành và địa phương trong cả nước đã làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng ĐSVH. Quá trình thực hiện phong trào đã chú trọng tuyên truyền thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao và thiết chế văn hóa; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trong đời sống cộng đồng; phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường. Gắn xây dựng ĐSVH với các phong trào thi đua yêu nước, thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân hưởng ứng tham gia đạt hiệu quả như xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, tương thân tương ái góp phần giảm nghèo, tác động tích cực đến mọi mặt của đời sống xã hội.
Các địa phương đã tập trung bình xét các danh hiệu văn hóa bảo đảm công khai, dân chủ, nâng cao trách nhiệm của ban công tác mặt trận, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố. Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của phong trào được Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm túc. Qua 18 năm thực hiện đã xuất hiện nhiều mô hình tiêu biểu, cách làm hiệu quả được phổ biến, nghiên cứu, học tập, nhân rộng. Qua các giai đoạn sơ, tổng kết phong trào, cả nước có trên 1,2 triệu gương người tốt việc tốt; hơn 19 triệu hộ được công nhận “Gia đình văn hóa”; 69.024 làng, thôn, ấp, bản, tổ dân phố văn hóa; 84.785 cơ quan, đơn vị , doanh nghiệp văn hóa...
Tỉnh Gia Lai gắn xây dựng ĐSVH với xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Thanh Nhật |
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng ĐSVH đóng vai trò chủ đạo trong các phong trào thi đua 18 năm qua, nhờ đó đã xuất hiện những mô hình sáng tạo, những gương người tốt việc tốt có sức lan toả trong mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội cả nước... Thủ tướng Chính phủ khẳng định, đi đôi với lãnh đạo phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm công tác xây dựng ĐSVH, xem đó là nhiệm vụ toàn dân, toàn diện và lâu dài.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả và tạo sự chuyển biến tích cực trong tổ chức triển khai thực hiện phong trào, gắn với tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng ĐSVH cần xây dựng kế hoạch phối hợp các bộ, ngành Trung ương và địa phương triển khai thực hiện toàn diện các nội dung của phong trào. Đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về phong trào này. Thực hiện vai trò nêu gương của cán bộ đảng viên hưởng ứng thực hiện phong trào. Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch quan tâm chỉ đạo quán triệt và tổ chức thực hiện hiệu quả các quy định mới do Trung ương ban hành về bình xét các danh hiệu văn hoá đúng quy định, đúng thực chất, tránh bệnh hình thức. Chú trọng tuyên truyền nhân rộng những gương người tốt việc tốt, mô hình tốt trong thực hiện phong trào.
Cấp ủy và chính quyền các cấp cần phát huy vai trò trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, dành thời gian và nguồn lực triển khai thực hiện phong trào. Chú trọng phát huy bản sắc văn hoá hóa tốt đẹp của dân tộc trong sinh hoạt đời sống và trong xã hội. Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, chăm lo bồi dưỡng và phát triển con người Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hoá, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.
Thanh Nhật