(GLO)- Tháng 6-2015, Văn phòng Đăng ký Đất đai tỉnh Gia Lai (trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường) được thành lập và đi vào hoạt động theo Quyết định số 248/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Phóng viên Báo Gia Lai có cuộc phỏng vấn ông Phạm Duy Du-Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường về một số nội dung liên quan đến hoạt động của Văn phòng sau 1 năm thành lập.
Ảnh: T.N |
* P.V: Ông có thể giới thiệu về tổ chức của Văn phòng Đăng ký Đất đai và những kết quả tiêu biểu sau 1 năm hoạt động?
- Ông Phạm Duy Du: Văn phòng Đăng ký Đất đai tỉnh hiện có 5 phòng chuyên môn và 17 chi nhánh tại 17 huyện, thị xã, thành phố với 200 cán bộ, công chức, viên chức.
Trong hoạt động chuyên môn, việc thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) về đất đai có sự quản lý, điều hành tập trung, thống nhất trên toàn tỉnh. Hồ sơ được kiểm tra chặt chẽ về tính pháp lý, giải quyết kịp thời nhiều vướng mắc, quản lý tốt biến động về đất đai, nhất là việc tách thửa không để xảy ra tình trạng chia cắt manh mún không đúng quy định. Qua đó, kịp thời phát hiện những sai sót, chồng chéo trong chuyên môn nghiệp vụ. Việc cập nhật các biến động, quản lý dữ liệu địa chính được đi vào nền nếp.
Qua một năm hoạt động, Văn phòng đã cấp 33.368 giấy chứng nhận, trong đó cấp lần đầu cho tổ chức 1.840 giấy và cho cá nhân 12.744 giấy; cấp đổi và cấp lại cho hộ gia đình, cá nhân 18.784 giấy; thực hiện chuyển thông tin địa chính cho trên 32.000 hồ sơ để người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Đăng ký giao dịch bảo đảm cho tổ chức, cá nhân khi có nhu cầu vay vốn bình quân 500 hồ sơ/ngày, riêng đối với TP. Pleiku gần 100 hồ sơ/ngày.
Kết quả trên cho thấy, hoạt động của Văn phòng đã thể hiện tính chuyên nghiệp trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, bộ máy được sắp xếp theo các nhóm công việc chuyên sâu. Đội ngũ cán bộ có sự điều động linh hoạt để hỗ trợ hoàn thành nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực hiện có.
Ảnh: T.N |
* P.V: Những khó khăn vướng mắc cần quan tâm trong hoạt động của Văn phòng là gì, thưa ông?
- Ông Phạm Duy Du: Hiện nay, hầu hết cơ sở vật chất của Văn phòng và các chi nhánh đều sử dụng chung với các cơ quan, đơn vị khác. Cơ sở vật chất của nhiều chi nhánh còn chật hẹp, phòng làm việc vừa là nơi để lưu trữ hồ sơ trong khi lượng hồ sơ không ngừng tăng lên, trang-thiết bị chưa đáp ứng với nhu cầu làm việc. Các quy định về thu phí, lệ phí khi thực hiện TTHC về đất đai chưa phù hợp; mức thu một số khoản phí, lệ phí còn thấp hơn rất nhiều so với chi phí thực tế. Hiện tại, chưa xây dựng được hệ thống quản lý tiên tiến và luân chuyển hồ sơ qua mạng. Ở một số chi nhánh, hệ thống bản đồ, hồ sơ địa chính chưa đầy đủ và đồng bộ nên việc thẩm định trực tiếp hồ sơ còn gặp khó khăn...
Biên chế của Văn phòng chưa đáp ứng được khối lượng công việc. Mỗi huyện hiện chỉ được giao 4 biên chế, các thị xã được giao 5 biên chế. Riêng TP. Pleiku, bình quân mỗi ngày phải xử lý từ 200 đến 300 hồ sơ mà biên chế chỉ giao 8 người, trong khi thời gian xử lý hồ sơ phải đảm bảo quy định và ngày càng rút ngắn.
* P.V: Để nâng cao hiệu quả hoạt động của Văn phòng Đăng ký Đất đai thời gian tới, Sở sẽ tập trung những nhiệm vụ trọng tâm nào, thưa ông?
- Ông Phạm Duy Du: Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục kiện toàn cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đăng ký Đất đai, từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Văn phòng. Đẩy mạnh công tác cải cách TTHC trong lĩnh vực đất đai theo hướng đơn giản hóa, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân và tổ chức, gắn với nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông”. Triển khai thực hiện bộ TTHC về đất đai cho cấp huyện và bộ TTHC về đất đai chỉnh sửa cho cấp tỉnh áp dụng tại Văn phòng theo Quyết định số 470/QĐ-UBND của UBND tỉnh.
Giải quyết thủ tục về đất đai cho người dân. Ảnh: T.N |
Bên cạnh đó, Sở kiến nghị UBND tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, trang-thiết bị cần thiết đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Sau khi các chi nhánh được trang bị đồng bộ về trang-thiết bị, Văn phòng dự kiến sẽ hướng tới việc thực hiện số hóa hồ sơ, luân chuyển hồ sơ qua hệ thống mạng, tránh việc thất lạc hồ sơ gốc khi luân chuyển. Đồng thời, Sở sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh kiến nghị với bộ, ngành liên quan thống nhất giao chỉ tiêu biên chế tối thiểu cho địa phương đối với Văn phòng Đăng ký Đất đai để vận dụng phù hợp.
Ngoài ra, Sở sẽ thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn và hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng công việc được giao. Tiếp tục sàng lọc, lựa chọn những cán bộ có năng lực, đủ phẩm chất đạo đức để nâng cao “tính chuyên nghiệp” và “tính phục vụ” người dân và doanh nghiệp trong thực thi nhiệm vụ. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động vi phạm về đạo đức công vụ, gây khó khăn, nhũng nhiễu trong quá trình xử lý công việc, hồ sơ TTHC cho tổ chức, công dân.
* P.V: Xin cảm ơn ông!
Thanh Nhật (thực hiện)