“Tiếp sức” học sinh nghèo nơi biên giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với sự chung tay sẻ chia của các đơn vị quân đội, tổ chức Đoàn thanh niên địa phương và tấm lòng thơm thảo của các nhà hảo tâm đã nâng bước nhiều em nhỏ ở huyện biên giới Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) được tiếp tục đến trường, viết tiếp hành trình đi tìm con chữ.

1. Năm nay vừa tròn 7 tuổi nhưng em Kpuil H’Lang (làng Mook Trang, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) chịu nhiều thiệt thòi so với bạn bè cùng trang lứa. Khi H’Lang mới 5 tuổi, bố em bị bệnh nặng rồi qua đời. Không lâu sau đó, mẹ em cũng bỏ nhà đi nơi khác.

Một đứa trẻ cần hơi ấm của cha mẹ nhưng giờ đành côi cút sống cùng anh trai. Con đường đến trường của em trở nên gập ghềnh nếu không có sự quan tâm giúp đỡ của Công ty TNHH một thành viên 72 (Binh đoàn 15). Thực hiện chương trình “Cán bộ, chiến sĩ nâng bước em tới trường”, Công ty đã nhận Kpuil H’Lang làm con nuôi, hỗ trợ em tiền ăn với mức 60 ngàn đồng/ngày, ngoài ra còn hỗ trợ 600 ngàn đồng mua sách vở phục vụ việc học tập. Cùng với đó, đơn vị cử cán bộ, chiến sĩ thường xuyên giúp đỡ em trong học tập. H’Lang chia sẻ: “Từ khi được Công ty nhận làm con nuôi, em được hỗ trợ tiền, sách vở và hướng dẫn học tập”.

Đến nay, Công ty TNHH một thành viên 72 đã nhận 8 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn làm con nuôi, 21 em theo mô hình “Nâng bước em tới trường”. Các em được hỗ trợ 600 ngàn đồng tiền ăn/tháng và tiền mua sách vở phục vụ học tập. Được biết, hiện nay, các đơn vị của Binh đoàn 15 đang nhận nuôi và hỗ trợ tiền ăn cho gần 200 em học sinh trên địa bàn biên giới.

Bữa ăn sáng của học sinh Trường Tiểu học Kpă Klơng (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) có sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Bữa ăn sáng của học sinh Trường Tiểu học Kpă Klơng (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) có sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm. Ảnh: Vĩnh Hoàng

2. Đã thành thông lệ, vào sáng thứ hai, các em học sinh Trường Tiểu học Kpă Klơng (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) tại điểm trường làng Nú và làng Sơn lại được đoàn viên, thanh niên trong xã hỗ trợ suất cháo. Đây là hoạt động nằm trong chương trình “Bữa sáng ấm lòng em tới trường”. Thực hiện chương trình này, đoàn viên, thanh niên đã kêu gọi sự ủng hộ của các nhà hảo tâm, Mạnh Thường Quân. Anh Rơ Lan Tứ-Bí thư Đoàn xã Ia Nan-cho biết: “Trên địa bàn xã còn nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, phải đi làm nương rẫy từ sớm nên không chuẩn bị bữa ăn sáng cho con. Vì thế, chúng tôi đã kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ để mỗi buổi sáng thứ hai nấu 170 suất cháo đầy đủ chất dinh dưỡng cho các em. Chúng tôi sẽ duy trì mô hình này đến hết năm học này và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm hỗ trợ của các tập thể, cá nhân để ngày nào các em học sinh trong xã cũng có bát cháo ấm lòng khi tới trường”.

Trò chuyện với chúng tôi, cô Trần Thị Nhung-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kpă Klơng-cho hay: “Trường có 358 em học sinh, 100% là người dân tộc thiểu số, hoàn cảnh gia đình còn khó khăn. Chính vì thế, những chương trình, mô hình được triển khai trên địa bàn biên giới thời gian qua đã góp phần giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục đến trường, đội ngũ nhà giáo chúng tôi cũng vơi đi khó khăn, vất vả”.

Có thể bạn quan tâm

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

(GLO)- Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp trực tuyến toàn quốc lần thứ hai của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước vào chiều 12-1 để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.