Tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc do ăn côn trùng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Gia Lai đề nghị trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng các loại nhộng, ấu trùng, côn trùng lạ, đã bị chết hoặc có hình dạng, màu sắc khác lạ với tự nhiên để chế biến thành thức ăn.

Mặc dù đã được cảnh báo nhưng một số người dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai vẫn sử dụng côn trùng để chế biến thành thức ăn. Tình trạng người dân sử dụng côn trùng để chế biến thành thức ăn cho gia đình, thậm chí bán cho du khách vẫn đang tồn tại ở một số nơi trên địa bàn tỉnh. Bác sĩ Byit-Trạm trưởng Trạm Y tế xã Ayun (huyện Mang Yang) cho biết: Mùa này, người dân thường bắt ve sầu về làm thức ăn. Mặc dù nhân viên y tế thường xuyên khuyến cáo người dân không nên ăn các loại côn trùng vì tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc, gây hại cho sức khỏe, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng nhưng nhiều người vẫn bất chấp.

Trong khi đó, bác sĩ Rơ Lan H'Tình-Trạm trưởng Trạm Y tế xã Ia Nan (huyện Đức Cơ) thông tin: Việc người dân bắt côn trùng, phổ biến là bắt ve sầu để làm thức ăn không phải là chuyện hiếm. Xã Ia Nan có trên 8.000 hộ, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 40%. “Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng-chống ngộ độc thực phẩm và các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe. Đặc biệt, chúng tôi khuyến cáo bà con không nên ăn các loại côn trùng. Tuy nhiên, vì thói quen nên không phải ai cũng thực hiện”-bác sĩ H'Tình cho biết.

Gia Lai từng ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm khiến 1 người tử vong do ăn sâu ban miêu mình đen đầu đỏ. Ảnh: N.N

Gia Lai từng ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm khiến 1 người tử vong do ăn sâu ban miêu mình đen đầu đỏ. Ảnh: N.N

Gần đây, tại các địa phương trong cả nước nói chung, Gia Lai nói riêng đã xảy ra không ít vụ ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên có trong các loại côn trùng gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng con người. Bà Nguyễn Ngọc Thanh Trang-Trưởng phòng Nghiệp vụ tổng hợp (Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh) thông tin: Tình trạng ngộ độc thực phẩm do ăn côn trùng đã từng xảy ra, ghi nhận cả trường hợp tử vong. Điển hình như vụ ngộ độc thực phẩm do ăn bọ xít đen xảy ra năm 2014 tại Bản Mùi 2 (xã Khoen On, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu) làm cho 20 người mắc và nhập viện; vụ ngộ độc thực phẩm do ăn sâu ban miêu xảy ra ngày 21-8-2016 tại xã Nậm Khánh (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) làm 2 người bị ngộ độc, 1 người tử vong; vụ ngộ độc do ăn ve sầu xảy ra ngày 2-7-2022 tại phường Tân An (TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) khiến 3 người phải nhập viện cấp cứu... Ngày 18-4-2022, tại làng Kliêt-H'Ôn (xã Đăk Song, huyện Kông Chro) đã xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm do ăn sâu ban miêu mình đen đầu đỏ làm 3 người mắc, trong đó có 1 người tử vong.

Theo các chuyên gia, sâu và bọ xít có nhiều loài khác nhau, trong đó, nhiều loài có chất độc. Thông tin y học về độc tính của các loài sâu, bọ xít hiện còn ít. Rất ít loài sâu, bọ xít được khoa học chứng minh là an toàn để ăn. Riêng đối với ve sầu, dù đây là loài côn trùng không có độc tố nhưng do sống khá lâu trong lòng đất nên rất dễ bị nhiễm vi khuẩn hay các loài nấm độc ký sinh trên cơ thể. Việc sử dụng ve sầu làm thức ăn tiềm ẩn nhiều yếu tố mất an toàn. Vì vậy, người dân cần loại bỏ thói quen ăn ve sầu để tránh nguy cơ ngộ độc, gây nguy hại đến tính mạng.

Một số người dân thường bắt côn trùng, sâu bọ, nhộng… làm thức ăn tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Ảnh: Như Nguyện

Một số người dân thường bắt côn trùng, sâu bọ, nhộng… làm thức ăn tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Ảnh: Như Nguyện

“Các dấu hiệu thường gặp trong các vụ ngộ độc do ăn côn trùng là: buồn nôn, nôn, run tay chân; một số trường hợp nặng thì nôn nhiều, co giật tay chân, chóng mặt, tăng tiết, cứng hàm, kích thích vật vã, khó thở, ý thức lơ mơ, hôn mê, sẩn ngứa, ban dạng mảng toàn thân... và có thể tử vong. Biểu hiện lâm sàng với các triệu chứng nhiều hay ít, nhẹ hay nặng tùy theo độc tố trong côn trùng, tổng lượng đã ăn vào và cơ địa người ăn. Nguyên nhân các vụ ngộ độc là do sử dụng côn trùng đã chết sinh ra độc tố; côn trùng bị nhiễm nấm độc; côn trùng chứa nhựa cây độc như cây cọc rào, cây cỏ lào, thầu dầu tía… (chứa nhóm Alcaloit, nhóm Glucozit…) hoặc các độc tố không bị phá hủy ở nhiệt độ chế biến; côn trùng có nhiều protein lạ gây ra dị ứng với những người có cơ địa mẫn cảm khi chế biến làm thức ăn”-bà Trang nhấn mạnh.

Ông Đỗ Tấn Thạnh-Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh-khuyến cáo: Bước vào đầu mùa mưa là thời điểm côn trùng bắt đầu sinh sản và phát triển. Đây cũng là thời điểm một số nơi người dân bắt côn trùng làm thực phẩm. Nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng-chống ngộ độc thực phẩm do nhộng, ấu trùng, côn trùng lạ gây ra, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đề nghị trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng các loại nhộng, ấu trùng, côn trùng lạ, đã bị chết hoặc có hình dạng, màu sắc khác lạ với tự nhiên để chế biến thành thức ăn.

Ngoài ra, không nên sử dụng các loại côn trùng lạ để chế biến thành các món ăn tái, sống hoặc ngâm rượu để uống... Trong trường hợp sau khi ăn mà có các biểu hiện, triệu chứng khác thường như mệt mỏi, choáng váng, buồn nôn, mẩn ngứa, đau bụng, rối loạn tiêu hóa… thì cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Có thể bạn quan tâm

34 cán bộ, nhân viên y tế Gia Lai được tập huấn nâng cao năng lực quản lý suy dinh dưỡng cấp tính

34 cán bộ, nhân viên y tế Gia Lai được tập huấn nâng cao năng lực quản lý suy dinh dưỡng cấp tính

(GLO)- Từ ngày 23 đến 25-4, tại TP. Pleiku, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý suy dinh dưỡng cấp tính cho 34 cán bộ, nhân viên y tế phụ trách công tác dinh dưỡng tuyến huyện thuộc Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững năm 2024.