Thủy lợi Plei Keo từng bước phát huy hiệu quả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau khi khắc phục xong sự cố sạt lở, hư hỏng đoạn kênh chính do mưa bão gây ra, công trình thủy lợi Plei Keo tiếp tục đưa nước về các cánh đồng dưới chân đèo Ayun (xã Ayun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai), giúp người dân kịp xuống giống lúa Đông Xuân 2020-2021.


Nếu vụ mùa 2019-2020, khi công trình thủy lợi Plei Keo vừa đưa vào sử dụng, chỉ có 30 hộ dân làng Vơng Chép và làng Keo (xã Ayun) kịp gieo trồng khoảng 10 ha lúa thì vụ Đông Xuân 2020-2021 con số này đã nâng lên 228 hộ với 107 ha lúa nước.

Xanh mát những cánh đồng

Nằm sâu trong thung lũng dưới đèo Ayun, cánh đồng Vơng Chép mỗi năm chỉ sản xuất được 1 vụ lúa nhưng hoàn toàn phụ thuộc vào nước trời. Cách đó không xa, cánh đồng làng Keo cũng có nhiều diện tích phải bỏ hoang vì không đủ nước tưới.

Khi chưa có công trình thủy lợi Plei Keo, vào mùa khô, người dân phải tận dụng nguồn nước khan hiếm từ các lòng suối nhưng lúc nào cũng trong tình trạng “ruộng đồng khô khát”. Mỗi năm, diện tích gieo trồng của xã Ayun chỉ chừng 35 đến 40 ha.

Nhờ nguồn nước từ công trình thủy lợi Plei Keo, ruộng lúa của ông Đinh Vi (làng Keo, xã Ayun) phát triển xanh tốt. Ảnh: Minh Nguyễn
Nhờ nguồn nước từ công trình thủy lợi Plei Keo, ruộng lúa của ông Đinh Vi (làng Keo, xã Ayun) phát triển xanh tốt. Ảnh: Minh Nguyễn
Ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: “Không riêng gì thủy lợi Plei Keo, thời gian tới, Sở sẽ ban hành quy trình nội bộ về quản lý thẩm định trình phê duyệt trong quá trình đầu tư các dự án thủy lợi một cách chặt chẽ hơn. Đồng thời, tiếp nhận 44 công trình thủy lợi từ Tổng Công ty Cà phê Việt Nam để bàn giao các đơn vị, địa phương quản lý, hướng dẫn khai thác hiệu quả”.

Đầu năm 2020, nước từ công trình thủy lợi Plei Keo đã đến tận chân ruộng. Anh Đinh Krơn là người đầu tiên của làng Keo đã mạnh dạn xuống giống trên đám ruộng hơn 1 sào rồi mở rộng dần lên 1 ha. Nhìn ruộng lúa xanh mơn mởn, người dân trong làng bắt đầu mạnh dạn làm theo.

Anh Krơn cho biết: Năm ngoái, anh trúng mùa lúa. Không nhớ chính xác thu hoạch được bao nhiêu nhưng anh đưa tay chỉ một đoạn dài trên đất với ngụ ý các bao lúa chất cao ngang cổ mình và dài một đoạn gần chục bước chân như thế.

“Năm nay, người dân trong làng đã xuống giống từ hơn 1 tháng nay, một số diện tích gieo sạ sớm hơn đã trổ đòng. Khu vực này gần đập thủy lợi nên không lo thiếu nước, chỉ những khoảnh ruộng nằm trên cao nước mới không tới được. Muốn làm thì phải chờ sang năm hạ thấp mặt ruộng hoặc tìm cách dẫn nước vào”-anh Krơn cho hay.

Trong khi đó, ông Đinh Vi cho biết: Những năm trước, 2 đám ruộng của ông hầu như dùng làm bãi chăn thả bò. Năm nay khi thấy nước chảy về tới ruộng, ông chỉ kịp gieo sạ được hơn 1 sào. Nhìn ruộng lúa xanh mướt, nước mấp mé bờ thửa, ông tỏ ra tiếc nuối. Bởi gần đó, ông Vi còn một đám ruộng gần 8 sào nhưng không kịp làm đất.

“Vì không chủ động nên tôi không nhận phân, giống do xã hỗ trợ. Đến khi thấy nước về nhiều mới chia lại một ít của người trong làng để xuống giống ở mảnh ruộng nhỏ này. Nước nhiều như thế này, sang năm chắc chắn tôi sẽ gieo sạ hết diện tích”-ông Vi nói.


Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ayun Nguyễn Đức Cường: Năm nay, toàn xã có 228 hộ đăng ký gieo trồng 107 ha lúa Đông Xuân, chủ yếu là người dân làng Keo. Thời điểm này đang vào mùa khô, lượng nước đến đồng ruộng bắt đầu tụt giảm bởi phụ thuộc vào lượng xả nước của thủy điện Plei Keo. Mỗi ngày, thủy điện này xả nước khoảng 5 giờ (chủ nhật không xả). Trong khi đường ống rất dài, dòng nước từ đập chính chảy đến đập tràn mất 30 phút, từ đây tiếp tục chảy về điểm cuối cánh đồng làng Vơng Chép mất thêm 4 giờ nữa nên việc điều tiết nước rất khó.

“Chúng tôi vận động người dân tận dụng khoảng thời gian này nhanh chóng xả nước vào chân ruộng. Đồng thời, chỉ đạo các thôn, làng thường xuyên kiểm tra việc sử dụng nước hợp lý; nhắc nhở người dân không chặn dòng, thu gom rác thải để khơi thông dòng chảy. Đây cũng là vụ đầu tiên xuống giống với diện tích lớn nên địa phương vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, cố gắng điều tiết đủ nước tưới cho bà con. Ủy ban nhân dân xã cũng đã làm việc với đại diện thủy điện để nắm cụ thể về thời gian xả nước nhằm điều tiết nguồn nước một cách hợp lý hơn”-ông Cường khẳng định.

Phát huy hiệu quả công trình

Ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê-khẳng định: Trước mắt, nguồn nước từ công trình thủy lợi Plei Keo vẫn đảm bảo cung cấp cho diện tích gieo trồng tại xã Ayun. Tuy nhiên, vẫn phải phụ thuộc vào lịch xả nước của thủy điện. Bởi lẽ, hiện nay, công trình chưa bàn giao cho địa phương quản lý nên Phòng vừa làm vừa thăm dò, rút kinh nghiệm. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã hỗ trợ phân bón, giống lúa mới có năng suất cao cho người dân gieo trồng với kinh phí 350 triệu đồng.

“Một khi chủ động được nguồn nước tưới thì lúc đó chúng tôi mới có kế hoạch mở rộng thêm diện tích đồng ruộng. Đặc biệt, sau khi công trình thủy lợi Plei Keo được khắc phục, sửa chữa và cung cấp đủ nguồn nước, chúng tôi có kế hoạch hướng dẫn sản xuất lúa nước 2 vụ, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giúp bà con vươn lên thoát nghèo”-ông Hợp cho biết.

Đơn vị thi công đã tự bỏ kinh phí khắc phục đoạn kênh chính bị hư hỏng do mưa bão gây ra, giúp người dân xã Ayun kịp xuống giống gieo trồng vụ lúa Đông Xuân 2020-2021. Ảnh: Minh Nguyễn
Đơn vị thi công đã tự bỏ kinh phí khắc phục đoạn kênh chính bị hư hỏng do mưa bão gây ra, giúp người dân xã Ayun kịp xuống giống gieo trồng vụ lúa Đông Xuân 2020-2021. Ảnh: Minh Nguyễn

Theo ông Trần Minh Triều-Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Chư Sê: Công trình thủy lợi Plei Keo chưa bàn giao cho chủ đầu tư nên khi xảy ra sự cố hư hỏng, chúng tôi đã yêu cầu đơn vị thi công tự bỏ kinh phí sửa chữa, khắc phục.

“Hiện đã có báo cáo kết quả kiểm định chất lượng công trình thủy lợi Plei Keo của đơn vị tư vấn kiểm định chất lượng (Viện Khoa học và Công nghệ Bách khoa Đà Nẵng) và ý kiến của các sở, ngành liên quan, UBND tỉnh tiếp tục giao Sở Xây dựng kiểm tra toàn bộ quá trình thực hiện xử lý khắc phục, nhận xét đánh giá kết quả các nội dung theo chỉ đạo của UBND tỉnh trước ngày 15-3. Đến thời điểm này, các vị trí bị hư hỏng đã được khắc phục, nước đã dẫn về đến đồng ruộng giúp người dân phát huy hiệu quả công trình thủy lợi này”-ông Triều khẳng định.

MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ ứng dụng công nghệ trong chế biến, sản phẩm yến sào của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất-thương mại-xuất nhập khẩu yến sào Win Nest Alpha được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Yến sào Đông Nam tỉnh Gia Lai khẳng định vị thế

(GLO)- Khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai có số lượng nhà nuôi yến lớn với chất lượng tổ yến rất tốt. Khai thác lợi thế này, cùng với quy hoạch vùng nuôi, nhiều cơ sở sản xuất yến sào đã chủ động đăng ký thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm nhằm khẳng định vị thế trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Thuận (thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) chặt bỏ gần 40 cây cà phê để hiến đất mở rộng mặt đường. Ảnh: N.D

Đòn bẩy phát triển vùng nguyên liệu cà phê bền vững

(GLO)- Sau 2 năm triển khai hợp phần 5 của Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông-lâm-thủy sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025, nhiều tuyến đường nội đồng ra vùng nguyên liệu sản xuất cà phê được đầu tư xây dựng.