Thuốc lá điện tử xâm nhập học đường ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo ghi nhận của P.V, tình trạng học sinh hút thuốc lá điện tử diễn ra khá phổ biến ở một số trường học trong tỉnh Gia Lai, thậm chí có em bị ngộ độc phải nhập viện cấp cứu. Thực trạng này đang gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các cơ quan chức năng, gia đình, nhà trường và toàn xã hội trong việc đưa ra các giải pháp nhằm ngăn chặn thuốc lá điện tử “tấn công” học đường.

Phải cấp cứu vì hút thuốc lá điện tử

Đến bây giờ, nhiều học sinh và giáo viên Trường THPT Hoàng Hoa Thám (phường Yên Thế, TP. Pleiku) vẫn chưa hết bàng hoàng về việc 1 học sinh của trường phải nhập viện cấp cứu vì hút thuốc lá điện tử. Nam sinh này đang học lớp 11. Sau khi trốn vào nhà vệ sinh để hút thuốc lá điện tử, em bị sốc dẫn đến nôn ói, người mệt lả.

Thầy Nguyễn Văn Tàu-Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám-cho biết: “Sau khi phát hiện, nhà trường đã gọi xe cấp cứu chở đến bệnh viện. Hiện học sinh này cũng chưa đến trường học tập mà xin ở nhà để nghỉ ngơi thêm ít hôm. Nhà trường sẽ làm việc với học sinh để xác minh ai là người cung cấp thuốc lá điện tử cho em sử dụng và có hình thức xử lý kỷ luật do vi phạm nội quy. Năm học 2022-2023, nhà trường cũng đã đình chỉ 1 học sinh vì nhiều lần mang thuốc lá điện tử đến trường bán cho các bạn sử dụng. Qua nắm tình hình, học sinh này còn thông tin là có những tháng, em có khoản thu 15-20 triệu đồng từ việc bán thuốc lá điện tử. Ngoài ra, nhà trường cũng mới phát hiện 3 học sinh hút thuốc lá điếu trong nhà vệ sinh. Trong bản tường trình, có em còn cho biết đã hút thuốc lá từ năm lớp 6”.

Học sinh hút thuốc lá điện tử ở một quán cà phê trên đường Bùi Đình Túy (TP. Pleiku). Ảnh: N.T

Học sinh hút thuốc lá điện tử ở một quán cà phê trên đường Bùi Đình Túy (TP. Pleiku). Ảnh: N.T

Để tìm hiểu thêm về tình trạng học sinh hút thuốc lá điện tử, chúng tôi đến một quán cà phê trên đường Bùi Đình Túy (phường Hoa Lư, TP. Pleiku), phía sau Trường THPT Pleiku. Tại đây có 2 nhóm bạn trẻ gồm cả nam lẫn nữ mặc đồng phục thể dục đang ngồi uống nước, chuyện trò ở 2 bàn cạnh nhau.

Qua quan sát thì thấy, ở bàn phía xa chúng tôi, các em hút thuốc lá điếu, còn bàn ở gần hút thuốc lá điện tử. Khá bất ngờ là người rút thuốc lá điện tử ra hút đầu tiên rồi chuyền tay cho bạn là một học sinh nữ. Nội dung câu chuyện chung của nhóm hầu như chỉ tập trung về việc hút thuốc lá điện tử và nữ học sinh này tỏ ra là người sành sỏi khi chỉ dẫn cho các bạn cách hút, từ việc hút bao nhiêu chấm thì vừa cho đến phân biệt các loại tinh dầu, loại nào thì phù hợp...

Đem theo một số hình ảnh ghi lại đối với nhóm học sinh ngồi hút thuốc lá điện tử tại quán cà phê, chúng tôi đến gặp Ban Giám hiệu Trường THPT Pleiku để xác minh xem có phải là học sinh của trường hay không. Thầy Nguyễn Đình Trung-Hiệu trưởng Trường THPT Pleiku-cho hay: “Nhà trường chưa thể khẳng định chính xác là học sinh của trường hay không bởi có thể các em cho học sinh trường khác mượn áo mặc. Xung quanh đây cũng có nhiều trường học có màu áo đồng phục thể dục gần giống nhau. Tuy nhiên, chuyện học sinh của trường hút thuốc lá điện tử là có. Mới đây, nhà trường đã phát hiện 1 học sinh mang thuốc lá điện tử vào trường hút. Sau khi nhà trường áp dụng hình thức xử phạt, em này đã xin nghỉ học”.

Khi nghe chúng tôi đề cập đến việc học sinh sử dụng thuốc lá điện tử trong và ngoài trường học, thầy Đồng Xuân Quang-Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ (huyện Đak Đoa) cho biết: “Hút thuốc lá nói chung, thuốc lá điện tử nói riêng là một trong những nội dung nhà trường cấm học sinh. Từ lễ khai giảng năm học 2023-2024 đến nay, nhà trường chưa phát hiện học sinh nào sử dụng thuốc lá điện tử, nhưng năm học trước thì có 1 em”.

Mối nguy khó lường

Hiện nay, thuốc lá điện tử được bán công khai trên mạng xã hội với giá từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng. Người mua có nhu cầu sẽ được ship đến tận nhà. Theo thông tin từ 1 nam sinh Trường THPT Hoàng Hoa Thám: Giá mua thuốc lá điện tử và các loại tinh dầu từ 55 ngàn đồng đến 300 ngàn đồng. Chỉ cần vào Facebook gõ tìm kiếm cụm từ “thuốc lá điện tử” sẽ lập tức hiện ra rất nhiều trang bán. Đặt hàng xong là chủ shop sẽ gửi về tận nơi.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Thế-Trưởng khoa Truyền thông giáo dục sức khỏe (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) thông tin: Thuốc lá nói chung và thuốc lá điện tử nói riêng gây nhiều tác hại. Ngoài nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm thì còn nguy cơ phát sinh tệ nạn xã hội, ảnh hưởng đến việc học tập. Các bệnh thường gặp do thuốc lá điện tử là viêm tiểu phế quản, suy giảm chức năng phổi, đột quỵ, tim mạch, vô sinh.

“Đặc biệt, học sinh hút thuốc lá điện tử có nguy cơ mắc bệnh vô sinh rất cao. Trong thuốc lá điện tử cũng có chất nicotine nên gây nghiện, ảnh hưởng nhiều đến việc học tập của các em. Lý do học sinh sử dụng thuốc lá điện tử là muốn thể hiện bản thân, đua đòi. Thời gian qua, chúng tôi tập trung tuyên truyền về tác hại thuốc lá trong các trường học. Ví như năm 2022, chúng tôi đã phối hợp với 34 trường học tuyên truyền về nội dung này”-bác sĩ Thế cho hay.

Hiệu trưởng Trường THPT Pleiku cho biết: “Tại buổi làm việc giữa Thành ủy Pleiku với các đơn vị trường học gần đây, tôi đã đề cập về mối nguy hại từ thuốc lá điện tử. Học sinh các trường nói chung, không riêng gì Trường THPT Pleiku đều biết đến thuốc lá điện tử. Mối nguy nhất là trong các tinh dầu có thể chứa các chất cấm, các em sẽ bị nghiện. Tôi cho rằng cần có chế tài phù hợp để xử lý đối với hành vi mua bán, sử dụng thuốc lá điện tử. Riêng nhà trường cũng đã tổ chức tuyên truyền ngoại khóa về tác hại của việc hút thuốc lá và cũng đã xử lý kỷ luật nhằm răn đe. Chúng tôi cũng đề nghị quý phụ huynh quan tâm sâu sát con cái hơn và tích cực phối hợp với nhà trường để giáo dục các em”.

Trao đổi với P.V, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Bá Công cho biết: Từ đầu năm học 2023-2024, Sở đã có văn bản chỉ đạo các trường triển khai các hoạt động phòng-chống tác hại thuốc lá trong học đường và nhiều lần kiểm tra việc thực hiện ở các trường học. Chúng tôi cũng phối hợp với Sở Y tế tổ chức tuyên truyền về tác hại của thuốc lá.

Vừa qua, Sở cũng đã có báo cáo về công tác 10 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng-chống tác hại của thuốc lá giai đoạn 2013-2023. Cụ thể, 10 năm qua, toàn ngành tổ chức hơn 40.678 lượt tuyên truyền phòng-chống thuốc lá dưới cờ, đăng thông tin tuyên truyền trên các website của Sở, phòng, mạng xã hội và có 700 cơ sở giáo dục treo băng rôn, pa nô với các khẩu hiệu phòng-chống tác hại thuốc lá.

Có thể bạn quan tâm

Trường học hạnh phúc

Trường học hạnh phúc

Một “trường học hạnh phúc”, không chỉ ở trường lớp khang trang, cảnh quan đẹp, trang thiết bị hiện đại, mà quan trọng nhất, phải là nơi học sinh, giáo viên, cán bộ nhân viên thấy an toàn, được yêu thương, tôn trọng, hăng say giảng dạy và học tập.

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Thầy giáo 'Idol'

Thầy giáo 'Idol'

Ở Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, học sinh gọi thầy giáo Phùng Văn Tráng, SN 1990, Bí thư Đoàn trường, là Idol (thần tượng). Không chỉ dạy giỏi, thầy luôn “sống cho đi”, giản dị.

Nhà vệ sinh bẩn trong trường học: Nhiều hệ lụy

Nhà vệ sinh bẩn trong trường học, nhiều hệ lụy

(GLO)- Những bức tường bám đầy rong rêu, thiết bị vệ sinh bám bẩn ố vàng, bốc mùi khó chịu, quá tải… là hiện trạng chung đang diễn ra tại không ít trường học đứng chân trên địa bàn các xã ở tỉnh Gia Lai. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy về sức khỏe, tâm lý của học sinh lẫn mỹ quan học đường.

'Bà giáo' khó đứng lớp mầm non

'Bà giáo' khó đứng lớp mầm non

Giáo viên mầm non là nghề đặc thù, đòi hỏi có sức khỏe, sự dẻo dai, linh hoạt để đảm bảo an toàn cho trẻ trong quá trình chăm sóc, dạy dỗ. Do đó, nhiều nhà giáo ủng hộ đề xuất cho nhà giáo ở bậc học này nghỉ hưu ở tuổi 55.