Thực hiện lệnh tạm đóng cửa nhà hàng, quán ăn: Người dân Gia Lai đổ xô đi mua thực phẩm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau khi có chỉ thị của UBND tỉnh về việc tạm ngừng hoạt động một số dịch vụ kinh doanh không cần thiết trong đó có hàng ăn, thì tại các chợ, siêu thị, người dân đã đổ xô đi mua thực phẩm với số lượng rất lớn. Mới hơn 8 giờ ngày 28-3 nhưng các quầy bán thịt, cá ở tất cả các chợ đã đồng loạt hết hàng. Khi chợ không còn hàng, người dân lại đổ xô vào siêu thị, khiến các nơi này rơi vào cảnh quá tải.

 

Ảnh: Vũ Thảo
Các siêu thị quá tải khi người dân đổ xô mua hàng rất đông. Ảnh: Vũ Thảo

"Cháy" thịt, cá

Mới 6 giờ sáng ngày 28-3 nhưng bãi giữ xe của chợ Hoa Lư đã chật kín. Tại các quầy sạp bán thực phẩm tươi sống như thịt, cá, gà, người dân chen lấn mua hàng rất đông và một nhoáng đã hết sạch. Bà Ngô Thị Ánh Thu-tiểu thương bán thịt bò ở chợ Hoa Lư cho biết, từ hôm qua các lò mổ đã thông báo giảm lượng hàng, nên sáng nay bà chỉ nhập được vài chục ký thịt bò các loại. Khi dọn hàng ra được chừng 2 tiếng đồng hồ thì toàn bộ lượng thịt đã được bán hết. "Người dân mua đông là do việc cấm hàng quán từ ngày hôm nay, nên buộc phải mua nhiều hơn ngày thường để đảm bảo thực phẩm trong các bữa ăn hàng ngày, người mua ít thì 1 ký, người nhiều đến vài ký. Với lại, thời điểm dịch, người dân ngại đến những nơi đông người như chợ, cho nên việc mua nhiều để trữ là đương nhiên"-bà Thu nói.

Ảnh: Vũ Thảo
Mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt, cá được người dân mua với số lượng lớn. Ảnh: Vũ Thảo


         
Tương tự, sạp cá của anh Huỳnh Tấn Đạo được coi là lớn nhất chợ Hoa Lư cũng chỉ còn vài con. Anh Đạo cho hay, ngày bình thường anh bán chừng 60-70 ký, nhưng biết trước tình hình nên hôm qua anh dặn mối bỏ thêm hàng. Sáng nay lượng bán ra tăng gấp đôi so bình thường, ước chừng bán ra khoảng 150 ký cá, tôm các loại. "Chợ sáng nay còn đông hơn 30 Tết. Mới 9 giờ quầy của tôi đã hết hàng. Khách đi chợ muộn coi như không mua được hàng"-anh Đạo vừa nói vừa tranh thủ dọn quầy sớm.

Ông Nguyễn Lương Hải-Ban Quản lý chợ Hoa Lư-Phù Đổng cho biết: "Thực ra, sáng nay do nhu cầu cùng một lúc tăng cao nên các mặt hàng thịt, cá đã tiêu thụ nhanh chóng. Một số người dân lo sợ chợ thiếu hàng, nhưng đó chỉ là tin đồn, bởi chợ vẫn hoạt động bình thường với đầy đủ các mặt hàng phục vụ người dân. Do vậy, người dân cứ mua sắm bình thường, không nên mua quá nhiều để dự trữ, rồi tự tạo tâm lý hoang mang".

Tại Trung tâm thương mại Pleiku, lượng khách lẻ mua hàng thực phẩm tươi sống tăng đột biến, các quầy sạp liên tục tăng cường nguồn hàng từ các lò mổ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, song với sức mua dồn dập cùng một thời điểm nên một số quầy cũng nhanh chóng hết hàng. Nhiều người bắt đầu đổ xô vào siêu thị. Bà Châu Hoàng Thy-Phó Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Pleiku cho biết: "Ngay trong chiều và tối hôm qua (27-3), tình hình mua sắm tại đây đã rất nhộn nhịp, đến sáng nay (28-3), khi các cửa hàng kinh doanh hàng ăn ngừng hoạt động thì lượng khách đến siêu thị tăng đột biến. Để giải tỏa khách, siêu thị tăng cường nhân viên phục vụ tại quầy kệ cũng như nhân viên tại case tính tiền. Hiện tại, các mặt hàng như thịt, cá, đồ hộp, thực phẩm đông lạnh, mì tôm, bún, phở khô… lượng bán ra đã tăng gấp nhiều lần so với ngày thường".

Ảnh: Vũ Thảo
Mới 9 giờ sáng mà toàn bộ các sạp bán thịt, cá tại chợ Hoa Lư đã hết hàng. Ảnh: Vũ Thảo



Cam kết giữ ổn định giá

Theo ông Bùi Kim Truyền-Trưởng Ban quản lý Trung tâm thương mại Pleiku cho biết, đơn vị đã tuyên truyền và phát cam kết đến các hộ kinh doanh thực hiện việc không găm hàng, không tăng giá bán nhằm đảm bảo ổn định lượng hàng hóa phục vụ người dân mua sắm. Dự báo sức tiêu thụ mặt hàng lương thực, thực phẩm vẫn tiếp tục tăng trong một vài ngày tới, do đó Ban quản lý cũng yêu cầu các hộ kinh doanh tăng cường thêm nguồn hàng để cung ứng ra thị trường. Đặc biệt, trong thời điểm các hàng ăn, quán sá thực hiện lệnh đóng cửa để phòng dịch, thì nhu cầu mua hàng thực phẩm tươi sống tăng hơn ngày thường nên Ban quản lý cũng sẽ tăng cường kiểm soát lượng hàng nhập vào để ổn định vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ảnh: Vũ Thảo
Ảnh: Vũ Thảo



Còn bà Châu Hoàng Thy cho biết thêm, hiện Siêu thị đã nhập hàng hóa về với số lượng tăng hơn rất nhiều so với ngày thường. Bà Thy khuyến cáo: "Hàng hóa dồi dào, người dân cứ mua sắm với số lượng vừa phải, đủ dùng, không nên mua hàng tích trữ với số lượng lớn nhằm tránh việc sử dụng không kịp sẽ bị hết hạn, và nếu bảo quản không tốt dễ dẫn đến hư hỏng, khi sử dụng sẽ nguy hại đến sức khỏe".- Đặc biệt, Siêu thị Co.op Mart Pleiku cũng cam kết đảm bảo ổn định về giá cả. Bên cạnh đó, Siêu thị còn triển khai dịch vụ nhận đặt hàng qua điện thoại để giúp khách hàng mua sắm tiện lợi, giải quyết được nỗi lo tránh tập trung nơi đông người.

 Bà Thy khuyến cáo:
Bà Châu Hoàng Thy-Phó Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Pleiku khuyến cáo: "Hàng hóa dồi dào, người dân cứ mua sắm với số lượng vừa phải, đủ dùng, không nên mua hàng tích trữ với số lượng lớn nhằm tránh việc sử dụng không kịp sẽ bị hết hạn, và nếu bảo quản không tốt dễ dẫn đến hư hỏng, khi sử dụng sẽ nguy hại đến sức khỏe". Ảnh: Vũ Thảo

Tại cuộc họp khẩn cấp Ban chỉ đạo phòng-chống dịch bệnh Covid-19, sáng 27-3, ông Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo nhấn mạnh: Tạm thời đóng cửa các cơ sở kinh doanh dịch vụ chưa cần thiết nhưng đối với các chợ, siêu thị vẫn hoạt động bình thường với yếu cầu đảm bảo công tác phòng-chống dịch. Sở Công thương làm việc với các siêu thị, đơn vị cung ứng để đảm bảo nhu cầu cung cấp lương thực, thực phẩm cần thiết cho người dân, không để người dân phải lo lắng, hoang mang.  

NHƯ NGUYỆN

VŨ THẢO

         

 

Có thể bạn quan tâm

Nghịch lý về điện

Nghịch lý về điện

Giữa mùa nắng nóng, đang phập phồng lo cúp điện vì quá tải, thiếu nguồn thì nghe đề xuất của Bộ Công Thương về việc mua điện mặt trời áp mái với giá 0 đồng.