Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hội chợ thương mại, giới thiệu sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi tại huyện Krông Pa năm 2024 đã góp phần hỗ trợ tiêu thụ nông sản địa phương, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong vùng đồng bào DTTS.

Sản phẩm đa dạng, phong phú

Hội chợ diễn ra từ ngày 15 đến 18-3, tại Sân vận động huyện Krông Pa (thị trấn Phú Túc) đã thu hút gần 100 gian hàng tham gia với các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP, các mặt hàng nông sản, ẩm thực của địa phương và các mặt hàng thực phẩm tiêu dùng.

Nhiều loại nông sản đặc trưng của huyện được người dân giới thiệu, bày bán tại Hội chợ. Ảnh: V.T
Nhiều loại nông sản đặc trưng của huyện được người dân giới thiệu, bày bán tại Hội chợ. Ảnh: V.T

Tham gia Hội chợ, bà Nguyễn Thị Phương (buôn Phùm, xã Ia Rsươm) mang đến các loại nông sản, thực phẩm được thu mua trong vùng đồng bào DTTS và sản phẩm do gia đình bà trồng được như: các loại đậu, mè, hạt dưa, măng le sấy khô, trứng gà… “Đây đều là những sản phẩm được bà con trong vùng sản xuất sạch và hoàn toàn tự nhiên. Khi đưa các sản phẩm đến với hội chợ, tôi mong muốn được giới thiệu, quảng bá rộng rãi các nông sản sạch của địa phương mình và tìm sự kết nối tiêu thụ sản phẩm rộng ra thị trường”-bà Phương vui vẻ nói.

Còn ông Ngô Văn Bền-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Rsươm-cho biết: “Với đặc điểm là vùng sâu, vùng xa nên việc tiêu thụ sản phẩm của người dân chỉ bó hẹp trong phạm vi của xã nên khó có đầu ra ổn định. Vì vậy, khi Sở Công Thương Gia Lai tổ chức hội chợ với quy mô lớn như thế này bà con nông dân rất vui mừng. Tại hội chợ, người sản xuất, kinh doanh sẽ được trưng bày tất cả các mặt hàng, từ đó lan rộng các mô hình kinh tế hay cũng như mở ra hướng tiêu thụ ổn định trong thời gian tới”.

Thông qua hội chợ giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tiếp cận với người tiêu dùng. Ảnh: V.T
Thông qua hội chợ giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tiếp cận với người tiêu dùng. Ảnh: V.T

Với chị em phụ nữ ở buôn Sai, xã Chư Ngọc, hội chợ là cơ hội để sản phẩm thổ cẩm của bà con trong buôn được nhiều người biết đến hơn, đây cũng là dịp để du khách đến tìm hiểu về nghề truyền thống của dân tộc mình. Bà Ksor H’Nhai (buôn Sai, xã Chư Ngọc) chia sẻ: “Để có 1 tấm vải đẹp, người làm phải trải qua nhiều công đoạn, mất nhiều thời gian mới lên được khung dệt làm ra một sản phẩm hoàn chỉnh. Hôm khai mạc có đoàn khách ở huyện Sơn Hoà (Phú Yên) lên tham quan, mua sắm ở đây, họ đã đến gian hàng của tôi mua bộ váy và rất thích các đường nét hoa văn tinh tế, đặc trưng trên sản phẩm. Được tham gia hội chợ, được giới thiệu về nghề truyền thống, sản phẩm đặc trưng của dân tộc mình, bà con chúng tôi rất phấn khởi”.

Tại Hội chợ, nhiều sản phẩm đặc trưng, đặc sản của huyện như bò một nắng, bò khô, heo một nắng, muối kiến vàng, lá teng leng, đậu đỗ các loại, gạo rẫy, hạt điều rang muối, bưởi, dừa, rau củ quả, các sản phẩm đan lát, thổ cẩm… được bày bán, tạo điều kiện cho người dân được mua sắm các sản phẩm sạch, chất lượng. Chị Nguyễn Thị Hoa (tổ dân phố 5, thị trấn Phú Túc) bày tỏ: “Những sản phẩm đặc sản thì người dân đã biết nhiều, nhưng có những loại trước giờ bà con chỉ bán ở trong làng như lá teng leng, củ năng… nên tôi chưa biết đến. Thông qua hội chợ, tôi biết và mua sắm được nhiều sản phẩm đặc trưng của huyện mình mà không phải lúc nào cũng có dịp gặp mua. Bên cạnh đó, còn có nhiều sản phẩm uy tín, chất lượng đến từ các địa phương trong tỉnh nên các mặt hàng tại hội chợ rất phong phú, đem đến cho khách tham quan những trải nghiệm thú vị”.

Rau của quả trong vườn nhà được bà con đem đến giới thiệu và bày bán tại hội chợ. Ảnh: V.T
Rau của quả trong vườn nhà được bà con đem đến giới thiệu và bày bán tại hội chợ. Ảnh: V.T

Hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Ông Nguyễn Tiến Đãng-Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pa cho hay: “Trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, huyện Krông Pa đang từng bước vượt khó vươn lên xây dựng kinh tế-xã hội ngày càng phát triển, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. Huyện Krông Pa đã có nhiều sản phẩm mang thương hiệu như Thuốc lá Krông Pa, Bò Krông Pa, cùng 27 sản phẩm OCOP đạt 3 sao và 2 sản phẩm OCOP đạt 4 sao được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh tin tưởng, sử dụng thường xuyên. Tham gia Hội chợ, về phía huyện Krông Pa có 34 gian hàng của 14 xã, thị trấn, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Huyện đoàn, Bưu điện huyện và các cơ sở sản xuất, kinh doanh địa bàn. Các sản phẩm tham gia đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, đầy đủ nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ. Hội chợ là dịp để các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh có cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp địa phương”.

Hội chợ là hoạt động nhằm tăng cường công tác xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản địa phương, hàng hóa kinh doanh, kích cầu tiêu dùng. Ảnh: V.T
Hội chợ là hoạt động nhằm tăng cường công tác xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản địa phương, hàng hóa kinh doanh, kích cầu tiêu dùng. Ảnh: V.T

Theo bà Đào Thị Thu Nguyệt-Phó Giám đốc Sở Công Thương Gia Lai, Hội chợ thương mại, giới thiệu sản phẩm vùng đồng bào DTTS và miền núi tại huyện Krông Pa năm 2024 là hoạt động thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi theo Kế hoạch số 3215/KH-UBND ngày 18-11-2023 của UBND tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung Kế hoạch số 1334/KH-UBND ngày 5-6-2023 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

“Đây là hoạt động nhằm tăng cường công tác xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản địa phương, hàng hóa kinh doanh, kích cầu tiêu dùng, là dịp để bà con địa phương có dịp tham quan, mua sắm hàng hóa có chất lượng. Thông qua hội chợ giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tiếp cận với người tiêu dùng. Từ đó, thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng hàng hóa, dịch vụ, sản xuất, kinh doanh trong vùng đồng bào DTTS dựa trên tiềm năng thế mạnh và nguồn tài nguyên sẵn có tại địa phương”-bà Nguyệt cho biết thêm.

Có thể bạn quan tâm

Để kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm, Siêu thị Co.op Mart Pleiku đang triển khai nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn hỗ trợ người tiêu dùng mua sắm. Ảnh: V.T

Chủ động nguồn hàng phục vụ Tết

(GLO)- Nhằm bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa trên thị trường, không để xảy ra tình trạng khan hàng, tăng giá đột biến trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các doanh nghiệp tại Gia Lai đã chủ động nguồn hàng để phục vụ người tiêu dùng với mức giá bình ổn.

Các chủ thể OCOP đã lên thiết kế mẫu hộp quà tặng Tết. Ảnh: V.T

Sản phẩm OCOP vào mùa phục vụ Tết

(GLO)- Dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, trong đó có các sản phẩm OCOP thường tăng rất cao. Thời điểm này, các chủ thể OCOP trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang tập trung đẩy mạnh sản xuất, thiết kế mẫu mã bao bì phục vụ nhu cầu tiêu dùng và mua làm quà tặng dịp Tết.