Thủ tướng Phạm Minh Chính: Quyết liệt thúc đẩy giải ngân đầu tư công, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì lợi ích nhân dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng 26-9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện ba Chương trình mục tiêu quốc gia. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ, kết hợp trực tuyến tại điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Dự hội nghị tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ còn có các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Lê Văn Thành; các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Dự tại đầu cầu UBND các tỉnh, thành phố có Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố; lãnh đạo các sở, ban, ngành của địa phương.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2022 được Quốc hội quyết nghị là hơn 526.105 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương là 222.000 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 304.105 tỷ đồng. Nếu tính cả 16.000 tỷ đồng vốn Chương trình mục tiêu quốc gia chuyển nguồn từ năm 2021 sang năm 2022, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2022 là 542.105,895 tỷ đồng.
Đến ngày 23-9-2022, tổng số vốn ngân sách Nhà nước các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho các dự án đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giải ngân là 508.362,783 tỷ đồng, đạt 93,8% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Về tình hình giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước, theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến ngày 30-9-2022 là 253.148,12 tỷ đồng, đạt 46,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm nhẹ so cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, số tuyệt đối giải ngân năm 2022 cao hơn cùng kỳ năm 2021 là 34.597,2 tỷ đồng, tăng khoảng 16%.
Trong đó, 2 cơ quan Trung ương và 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 70% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; 39/51 bộ, cơ quan Trung ương và 22/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước. Trong đó, 14 bộ, cơ quan Trung ương và một địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Mặc dù tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2022 chưa đạt như kỳ vọng nhưng cũng đã phản ánh đúng xu hướng, đặc thù của vốn đầu tư, đó là đầu năm thi công tích lũy khối lượng, cuối năm triển khai thanh toán.
Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phát biểu ý kiến nêu những khó khăn, hạn chế; định hướng, giải pháp và nhiệm vụ đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; chia sẻ những mô hình, các làm hay, sáng tạo trong quá trình tổ chức thực hiện trong giải ngân vốn đầu tư công và ba Chương trình mục tiêu quốc gia.
Theo lãnh đạo các địa phương, việc chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công một phần do khâu tổ chức thực hiện còn hạn chế. Song một phần do nhiều bộ, ngành chưa có văn bản hướng dẫn triển khai các dự án thành phần nên địa phương lúng túng, không giám triển khai; một số chính sách có điều chỉnh; có một số vướng mắc trong quy định đối với nguồn vốn nước ngoài; khan hiếm vật liệu, giá vật tư xây dựng tăng nên các nhà thầu chần chừ...
Đại diện các bộ, ngành thừa nhận việc giải ngân vốn đầu tư công chậm, một phần do vướng mắc liên quan đến thể chế, chính sách, song nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giải ngân chưa đạt kỳ vọng là do có khó khăn mang tính đặc thù của kế hoạch năm 2022, đặc biệt là yếu kém trong tổ chức triển khai thực hiện. Trong đó, năng lực quản lý, triển khai dự án của một số cán bộ còn hạn chế, khâu chuẩn bị đầu tư của các địa phương chưa tốt.
Lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan giải đáp các vướng mắc mà các địa phương, bộ, ngành nêu, đề xuất như kể trên; đồng thời đề xuất một số giải pháp để tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và ba Chương trình mục tiêu quốc gia.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị tại đầu càu Chính phủ. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị tại điểm cầu Chính phủ. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, từ đầu năm đến nay, tình hình thế giới có nhiều diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, ảnh hưởng mọi mặt đời sống trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực, rất đáng khích lệ. Trong khi thế giới tăng trưởng chậm, lạm phát cao, Việt Nam có mức tăng trưởng kinh tế khá và kiềm chế được lạm phát; ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả.
Bên cạnh đó, một số vấn đề nảy sinh liên quan giáo dục, y tế như: sách giáo khoa, thuốc, vật tư, sinh phẩm khám chữa bệnh; công tác xây dựng quy hoạch còn chậm; việc tiêm vaccine phòng, chống dịch Covid-19 vẫn chưa đạt yêu cầu.
Về đầu tư công, Thủ tướng cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 10 Nghị quyết, 4 công điện, 7 văn bản chỉ đạo về giải ngân vốn đầu tư công; tổ chức hai Hội nghị trực tuyến với các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương; thành lập 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công; đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp, yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương phải tập trung, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện giải ngân nguồn vốn đầu tư công.
Do đó, công tác giải ngân vốn đầu tư công đã được triển khai đồng bộ và đạt được một số kết quả tích cực. Ước giải ngân đến cuối tháng 9-2022 đạt trên 253 nghìn tỷ đồng, đạt 46,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Những tháng sau có xu hướng thực hiện tốt hơn tháng trước.
Về ba Chương trình mục tiêu quốc gia, 118 văn bản ở cấp Trung ương đã được ban hành. Các bộ, ngành, địa phương đang tích cực, khẩn trương phân bổ và giao kế hoạch vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; kiện toàn bộ máy các cơ quan, đơn vị, Ban Chỉ đạo; tuyên truyền, thông tin rộng rãi về các chương trình mục tiêu quốc gia…
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Chính phủ. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Chính phủ. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương những kết quả mà các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực đạt được, đóng góp quan trọng vào phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thẳng thắn chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2022 vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Đáng chú ý, 36 bộ, cơ quan Trung ương và 14 địa phương trong 3 tháng liên tiếp của quý III/2022 có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước.
“Thủ tướng Chính phủ phê bình các bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp và chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công; yêu cầu các cơ quan, địa phương này cần nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10-2022”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng đồng tình với các bộ, ngành, địa phương khi nhận diện, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc nguyên nhân chính ảnh hưởng đến công tác giải ngân vốn đầu tư công, với 25 loại tồn tại, khó khăn, vướng mắc.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, nguyên nhân chính là do nhiều bộ, ngành, địa phương vẫn còn thiếu quan tâm, sâu sát, kỷ luật, kỷ cương không nghiêm; người đứng đầu nhiều nơi chưa làm tròn trách nhiệm đối với công tác giải ngân đầu tư công; kỷ luật, kỷ cương trong công tác triển khai kế hoạch đầu tư công còn chưa nghiêm; công tác phối hợp còn chưa chặt chẽ, chưa thực chất, không hiệu quả; năng lực chuẩn bị dự án và tổ chức thực hiện dự án chưa đáp ứng yêu cầu; nhiều bộ, ngành, địa phương năng lực chuyên môn về quản lý, triển khai dự án còn yếu; năng lực nhà thầu chưa đáp ứng nhu cầu; đặc biệt xảy ra tiêu cực, lợi ích nhóm ở một số nơi.
“Các cấp, các bộ, ngành, địa phương phải chỉ đạo quyết liệt khắc phục bằng được yếu kém này, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, tất cả vì quốc gia, dân tộc, tất cả vì nhân dân phục vụ”, Thủ tướng đề nghị.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, thời gian tới, tình hình kinh tế thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế nước ta. Những tháng cuối năm 2022, dự báo kinh tế trong nước tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Trong bối cảnh đó, việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, triển khai hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kin tế - xã hội, ba Chương trình mục tiêu quốc gia là nhiệm vụ rất quan trọng, cấp thiết nhằm phục hồi nhanh và phát triển bền vững, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2022.
“Các đồng chí Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra”, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, tháo gỡ kịp thời các rào cản, khó khăn vướng mắc, khơi thông điểm nghẽn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công quy định tại Nghị quyết số 11/NQ-CP, số 63/NQ-CP, số 124/NQ-CP, các Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; rà soát ưu tiên bố trí đủ vốn cho các dự án chuyển tiếp, sắp xếp thứ tự ưu tiên khởi công mới các dự án trong năm 2023 bảo đảm tính khả thi, hoàn thành một số dự án trọng điểm, tạo động lực mới phát triển ngành, lĩnh vực và địa phương.
Các bộ, ngành và địa phương tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, bảo đảm sự linh hoạt, chủ động trong điều hành kế hoạch gắn chỉ đạo với kiểm tra, đôn đốc và đánh giá. Kiểm soát chặt chẽ số dự án và thời gian bố trí vốn, bảo đảm hiệu quả, mục tiêu, tính liên tục trong đầu tư công, tránh dàn trải.
Chủ động ban hành kế hoạch và giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, thẩm định, đấu thầu, chứng từ thanh quyết toán..., đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, dự án; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý thủ tục hành chính về đầu tư công; tăng cường công tác hậu kiểm trong giải ngân vốn đầu tư công.
Đặc biệt phải tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát, hậu kiểm, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đầu tư công; kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công bảo đảm công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng, lợi ích nhóm.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Tổ công tác của các bộ, ngành, địa phương cần thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc một cách kịp thời, hiệu quả; yêu cầu Ban quản lý dự án, nhà thầu có tiến độ tổng thể, chi tiết, ký cam kết về tiến độ hoàn thành dự án nhằm đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư.
Đối với ba Chương trình mục tiêu quốc gia, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng các Bộ: Lao động-Thương binh và Xã hội, Công Thương, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo xây dựng lộ trình triển khai.
PHẠM TIẾP
 

Có thể bạn quan tâm

SEA Games 32 loại thêm môn thế mạnh của Việt Nam

SEA Games 32 loại thêm môn thế mạnh của Việt Nam

Trong phiên họp trực tuyến mới đây với sự tham dự của đại diện 10 Ủy ban Olympic quốc gia - trừ Timor Leste, Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á (SEAGF) đã yêu cầu quốc gia đăng cai SEA Games 31 cập nhật tình hình các trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với chất cấm khi thi đấu hồi tháng 5-2022 tại Việt Nam, trong đó có 5 trường hợp của đoàn thể thao chủ nhà.
Thầy Park khó nghĩ khi Quang Hải sa sút

Thầy Park khó nghĩ khi Quang Hải sa sút

Việc Quang Hải sa sút phong độ là nguyên nhân chính khiến tuyến giữa tuyển Việt Nam chơi không tốt trong trận hòa Thái Lan 2-2. Điều này, buộc HLV Park Hang-seo phải tính đến phương án thay Quang Hải.
Chờ lời chia tay ngọt ngào của thầy Park

Chờ lời chia tay ngọt ngào của thầy Park

(GLO)- 19 giờ 30 phút ngày 13-1, đội tuyển Việt Nam bước vào trận chung kết lượt đi AFF Cup 2022 với Thái Lan. Trận đấu trong mơ này sẽ là cơ hội cho huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo đòi lại món nợ trước người Thái để có lời chia tay ngọt ngào với bóng đá Việt.
Tuyển Việt Nam sẵn sàng gặp Thái Lan

Tuyển Việt Nam sẵn sàng gặp Thái Lan

AFF Cup 2022 hứa hẹn kết thúc cực kỳ hấp dẫn với trận chung kết trong mơ giữa tuyển Việt Nam và Thái Lan. HLV Park Hang-seo cũng có cơ hội đánh bại 'Voi chiến' ở một giải đấu chính thức để khép lại triều đại thành công của mình.
Giải bóng đá mini thanh niên khối THPT TP. Pleiku: Gay cấn, hấp dẫn đến phút cuối

Giải bóng đá mini thanh niên khối THPT TP. Pleiku: Gay cấn, hấp dẫn đến phút cuối

(GLO)- Sau 3 ngày diễn ra sôi nổi, kịch tính, giải bóng đá mini 5 người thanh niên khối THPT năm 2023 do Thành Đoàn và Hội LHTN Việt Nam TP. Pleiku tổ chức đã khép lại. Giải góp phần tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, tạo mối quan hệ đoàn kết trong hội viên thanh niên khối trường THPT trên địa bàn thành phố.