Thủ tướng: Giáo dục tiếp tục là quốc sách hàng đầu trong kỷ nguyên vươn mình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định hướng tới kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, xây dựng đất nước giàu mạnh và thịnh vượng, giáo dục tiếp tục là quốc sách hàng đầu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chúc mừng các nhà giáo tiêu biểu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chúc mừng các nhà giáo tiêu biểu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Chiều 15/11, gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu năm 2024 nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định hướng tới kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, xây dựng đất nước giàu mạnh và thịnh vượng, giáo dục tiếp tục là quốc sách hàng đầu và nhà giáo có vai trò quyết định đối với sự nghiệp giáo dục.

Theo Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, 60 nhà giáo vinh dự được tiếp kiến Thủ tướng dịp này là những người thuộc 251 cô giáo, thầy giáo tiêu biểu được vinh danh năm 2024. Các cô giáo, thầy giáo đại diện cho hơn 1,6 triệu nhà giáo thuộc các cấp học khác nhau, đến từ nhiều vùng, miền của đất nước.

Trong số đó, có thầy, cô dạy học ở vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. Rất nhiều cô giáo, thầy giáo là giáo viên cốt cán của tỉnh, thành phố, giáo viên giỏi với nhiều thành tích quan trọng trong công tác giảng dạy đại trà, bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế; là những nhà khoa học với nhiều công bố quốc tế và giải thưởng uy tín trong và ngoài nước.

Tại buổi gặp mặt, các nhà giáo bày tỏ sự biết ơn Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, chăm lo sự nghiệp giáo dục và đào tạo, quan tâm chăm lo phát triển đội ngũ giáo viên; tự hào về nghề giáo - nghề cao quý.

Chia sẻ những nỗ lực, kinh nghiệm thu được trong quá trình giảng dạy, các nhà giáo mong muốn tiếp tục có cơ chế, chính sách nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục và đào tạo; cải thiện đời sống đội ngũ giáo viên, giảng viên.

Nhiệt liệt chào mừng các thầy cô giáo có mặt tại buổi gặp mặt này và thân ái gửi đến các thế hệ nhà giáo trên khắp mọi miền Tổ quốc lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất nhân kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam (20/11), Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, quý trọng hiền tài là những giá trị nhân văn sâu sắc của dân tộc ta; là một nhân tố quan trọng tạo nên trí tuệ, đạo đức, văn hóa và con người Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp đại diện các nhà giáo tiêu biểu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp đại diện các nhà giáo tiêu biểu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Những câu ca dao, tục ngữ “Không thầy đố mày làm nên”; “Ơn thầy soi lối mở đường. Cho con vững bước dặm trường tương lai"; "Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy. Nghĩ sao cho bõ những ngày ước ao” được truyền dạy từ đời này sang đời khác. Nhắc lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu - người thầy vĩ đại của dân tộc; “Vì lợi ích mười năm trồng cây. Vì lợi ích trăm năm trồng người”; “Không có thầy giáo thì không có giáo dục. Không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế văn hóa”; “Dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh...," Thủ tướng khẳng định suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, giáo dục luôn đồng hành, vun đắp cho nền văn hiến lâu đời của dân tộc, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong từng thời kỳ.

Đặc biệt, triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và Nghị quyết số 29-NQ/TW, sự nghiệp giáo dục và đào tạo đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần tích cực nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế…

Bày tỏ xúc động trước những chia sẻ của các thầy, cô giáo về chuyện đời, chuyện nghề, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định các thầy, các cô là những nhà giáo tiêu biểu trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo; là những hạt nhân nòng cốt lan tỏa những giá trị tốt đẹp tới học sinh; thực sự là những tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo, tận tâm, tận hiến cho sự nghiệp trồng người. Các thầy cô luôn tạo động lực, truyền cảm hứng, niềm vui cho các học sinh.

Đại diện các nhà giáo tiêu biểu tham dự buổi gặp. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Đại diện các nhà giáo tiêu biểu tham dự buổi gặp. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Điểm lại một số tấm gương nhà giáo tiêu biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thấu hiểu, đồng cảm, chia sẻ với những khó khăn, vất vả đó của các thầy, các cô trong suốt những năm qua, nhất là trong đại dịch COVID-19. Nhân cuộc gặp này, một lần nữa, Thủ tướng ghi nhận và biểu dương những nỗ lực, phấn đấu không biết mệt mỏi và sự cống hiến của đội ngũ nhà giáo nói riêng và toàn hệ thống giáo dục và đào tạo nói chung của đất nước chúng ta.

Thủ tướng khẳng định hướng tới kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, xây dựng đất nước giàu mạnh và thịnh vượng, giáo dục tiếp tục là quốc sách hàng đầu; sự nghiệp giáo dục và đào tạo nước nhà phải quyết liệt đổi mới căn bản và toàn diện hơn nữa, phải được xây dựng thực sự chất lượng và sáng tạo, thích ứng với Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, để giáo dục và đào tạo Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á vào năm 2030 và đạt trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045.

Để thực hiện tốt những nhiệm vụ hết sức nặng nề nhưng vô cùng vẻ vang nêu trên, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo với phương châm “Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm, chủ thể - Thầy cô giáo là động lực-Nhà trường làm bệ đỡ-Gia đình là điểm tựa-Xã hội là nền tảng," trong đó tiếp tục quan tâm, chăm lo, hỗ trợ để ngành Giáo dục thực hiện có chất lượng ngày càng tốt tất cả các nhiệm vụ chiến lược đã được tổng kết, đúc rút từ thực tiễn và được đưa ra trong Kết luận số 91-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan của Quốc hội; cầu thị, lắng nghe ý kiến của các tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là ý kiến của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện Luật Nhà giáo, tạo sự đột phá về thể chế, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để phát triển ngành giáo dục nói chung, đội ngũ nhà giáo nói riêng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm: Luật giáo dục ra đời phải khiến cho giáo viên thật sự phấn khởi, được tôn vinh và tạo điều kiện để cống hiến. Đồng thời, chủ động dự thảo sớm các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Nhà giáo, để ban hành và triển khai ngay sau khi Quốc hội thông qua.

Đại diện các nhà giáo tiêu biểu tham dự buổi gặp. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Đại diện các nhà giáo tiêu biểu tham dự buổi gặp. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Cùng với đó, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, nhất là bếp ăn, bảo đảm vệ sinh y tế học đường, vệ sinh trường học; đẩy mạnh phòng, chống bạo lực học đường; tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa học đường.

Thủ tướng yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ làm công tác giáo dục và đào tạo; tập trung rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ để giáo viên được thụ hưởng mức lương tương xứng với công sức của mình, nhất là giáo viên mầm non, những người đang công tác ở vùng sâu, vùng xa, khó khăn, các nhà giáo giảng dạy ngành nghề nặng nhọc, độc hại...

Đặc biệt, cần sớm khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, thực hiện đúng tinh thần: “Ở đâu có học sinh, ở đó có giáo viên." Phải hoàn thiện thể chế ngành Giáo dục phù hợp tình hình đất nước, khả thi, góp phần thúc đẩy ngành Giáo dục ngang tầm sự phát triển đất nước; phải có cơ chế huy động nguồn lực của Nhà nước, xã hội, các nguồn lực hợp pháp khác để nâng cao chất lượng các cơ sở giáo dục tương xứng, để đội ngũ giáo viên ngày càng có chất lượng, toàn diện, yêu nghề hơn, bảo đảm phù hợp, thích ứng tình hình hội nhập quốc tế.

Thủ tướng nhấn mạnh đất nước ta đang đứng trước thời điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Ngành giáo dục nói chung, các thầy giáo, cô giáo nói riêng phải tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của ngành, không ngừng dấn thân, sáng tạo, đổi mới, bồi dưỡng phẩm chất, lý tưởng, niềm tin cách mạng; phải phấn đấu hơn nữa, nỗ lực hơn nữa để cùng chung sức, đồng lòng xây dựng đất nước Việt Nam giàu đẹp, hùng cường, thịnh vượng; nhân dân ngày càng được ấm no, hạnh phúc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà chúc mừng các nhà giáo tiêu biểu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà chúc mừng các nhà giáo tiêu biểu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Theo Thủ tướng, muốn có học sinh giỏi, phải có người thầy tốt. Học sinh được tiếp thu kiến thức hiệu quả nhất nếu có sự dìu dắt và chỉ bảo của giáo viên có năng lực, tâm huyết, trách nhiệm và phương pháp truyền dạy đúng. Đồng thời, phải tôn trọng sự khác biệt, sự đa dạng, khuyến khích sự sáng tạo; có tư duy phản biện, đam mê tìm tòi, khát vọng cống hiến…, phát huy cao nhất tiềm năng, trí tuệ, phẩm chất của mỗi học sinh.

Mỗi nhà giáo cần là khởi nguồn bất tận thổi bùng trong thế hệ trẻ ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết, ươm mầm khát vọng, chắp cánh ước mơ, khơi dậy tinh thần đổi mới sáng tạo; bồi đắp, hun đúc, trao truyền cho thế hệ trẻ lý tưởng, đạo đức, các giá trị chân-thiện-mỹ, tinh hoa văn hóa dân tộc và nhân loại, góp phần hình thành những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam.

Do đó, mỗi thầy giáo, mỗi cô giáo hãy là tấm gương sáng về rèn đức-luyện tài, yêu nghề-yêu người; không ngừng học tập, tu dưỡng, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn; năng động, ứng dụng khoa học công nghệ, có cách tiếp cận mới trong dạy và học; để mỗi tiết học thực sự bổ ích và lý thú, để mỗi ngày học thực sự là ngày vui.

Nhân dịp này, Thủ tướng kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, mọi người, mọi nhà, mọi bậc phụ huynh... cùng chung tay sát cánh với ngành giáo dục và đào tạo, chung sức với các thầy cô giáo trong sự nghiệp “trồng người” cao cả, chung tay xây dựng thế hệ tương lai của đất nước phát triển toàn diện; xứng tầm truyền thống văn hóa-lịch sử ngàn năm văn hiến, anh hùng, bất khuất của đất nước, góp phần xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc.

Theo Phạm Tiếp (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Học sinh Gia Lai làm dự án quảng bá lịch sử-văn hóa địa phương

Học sinh Gia Lai làm dự án quảng bá lịch sử-văn hóa địa phương

(GLO)- “Học sinh, sinh viên tỉnh Gia Lai giữ gìn, phát huy truyền thống lịch sử-văn hóa dân tộc” là chủ đề Hội thi Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Gia Lai vừa được Tỉnh Đoàn tổ chức. 10 dự án tiêu biểu đến từ các trường THPT cho thấy sự am hiểu của học sinh về lịch sử-văn hóa dân tộc.

Hơn 3.000 học sinh Gia Lai tham gia chương trình “Tư vấn tuyển sinh-hướng nghiệp 2025”

Hơn 3.000 học sinh Gia Lai tham gia chương trình “Tư vấn tuyển sinh-hướng nghiệp 2025”

(GLO)- Ngày 12-1, tại Trường THPT Chuyên Hùng Vương (TP. Pleiku), Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT), Báo Tuổi Trẻ phối hợp Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai, Tỉnh Đoàn Gia Lai tổ chức chương trình “Tư vấn tuyển sinh-hướng nghiệp 2025”. Chương trình thu hút hơn 3.000 học sinh tới từ các trường THPT trên toàn tỉnh.

“Chìa khóa” nâng cao chất lượng giáo dục

“Chìa khóa” nâng cao chất lượng giáo dục

(GLO)- Đề án tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ mầm non người dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2021-2025 được ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Gia Lai triển khai đang là “chìa khóa” để nâng cao chất lượng giáo dục.

Các trường đại học ủng hộ bỏ xét tuyển sớm

Các trường đại học ủng hộ bỏ xét tuyển sớm

Bỏ xét tuyển sớm, bổ sung ngưỡng đảm bảo đầu vào đối với nhóm ngành sư phạm, nhóm ngành Sức khỏe - Y dược (có cấp chứng chỉ hành nghề) là hai điểm mới trong dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học (ĐH) năm 2025 mà Ban soạn thảo vừa điều chỉnh.

Mô hình điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong trường học: Hiệu quả thiết thực

Mô hình điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong trường học: Hiệu quả thiết thực

(GLO)- Mô hình điểm về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trong trường học được triển khai tại Trường THPT Ya Ly (huyện Chư Păh) bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường và xây dựng môi trường giao thông an toàn, thân thiện.

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 không còn đặt ra tỷ lệ học nghề sau THCS khoảng 30% như giai đoạn trước. Thực tế cho thấy việc áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không phù hợp và nảy sinh nhiều hệ lụy.