Vinh danh 99 Nhà giáo trẻ tiêu biểu 2024: Yêu nghề, khát khao cống hiến

Thầy giáo 'Idol'

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Ở Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, học sinh gọi thầy giáo Phùng Văn Tráng, SN 1990, Bí thư Đoàn trường, là Idol (thần tượng). Không chỉ dạy giỏi, thầy luôn “sống cho đi”, giản dị.

Tiếp sức học sinh tới trường

Tốt nghiệp Trường ĐH Cần Thơ, thầy giáo trẻ Phùng Văn Tráng xung phong về công tác tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu dạy môn Tin học. Đây là 1 trong 4 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh, học sinh còn nhiều khó khăn, thiệt thòi. Đặc biệt, nhiều em sống trong cảnh thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần do cha mẹ thường đi làm ăn xa hoặc ly hôn. Nhiều em đứng trước nguy cơ bỏ học vì gia đình kinh tế khó khăn. Thương học trò, thầy giáo trẻ tìm hiểu cặn kẽ từng hoàn cảnh, phối hợp với nhà trường, gia đình động viên, hỗ trợ các em học tập.

Thầy Tráng kể, các buổi trưa, thường thấy em Lê Hải Đăng, lớp 3A3, học xong không về nhà nghỉ trưa mà ở lại trường, tranh thủ đi nhặt ve chai. “Tôi tìm về nhà cậu trò nhỏ đó tìm hiểu mới biết hoàn cảnh của em đáng thương đến xót xa. Cha mẹ ly hôn, mẹ đi lấy chồng khác. Em ở với bà ngoại trong căn nhà xác xơ, không có điện để dùng”, thầy Tráng kể. Thầy đã kêu gọi giúp đỡ cậu học trò nghèo từ việc kèm cặp học tập đến hỗ trợ nhu yếu phẩm cho 2 bà cháu.

thay-giao-dd.jpg
Thầy giáo Phùng Văn Tráng (Trường Tiểu học Võ Thị Sáu), bên 2 học sinh giành giải Nhất, Nhì quốc gia Hội thi “An toàn giao thông cho nụ cười trẻ thơ”

Một lần, em Hồ Mỹ Chi - lớp 2A2, đột nhiên bị ngất xỉu ở trường. Nhà trường liên hệ với gia đình thông báo, khuyên đưa bé đi bệnh viện để khám sức khỏe, nhưng phụ huynh nói rằng kinh tế khó khăn, không có đủ tiền. “Từ tình huống trên, tôi nhận thấy còn rất nhiều gia đình học sinh khó khăn, mặc dù nhà trường, địa phương đã có hỗ trợ nhưng vẫn chưa thể giúp các em tốt nhất”, thầy Tráng nói.

“Thầy Phùng Văn Tráng là giáo viên Tin học giỏi, giàu nhiệt huyết, đồng thời là một cán bộ Đoàn năng nổ, sáng tạo, đầy tinh thần sẻ chia. Thầy là một tấm gương nhà giáo mẫu mực, giàu tình thương, nói đi đôi với làm, truyền cảm hứng tích cực cho học sinh vươn lên trong cuộc sống”.

Ông Trương Đông Lợi-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu

Sau nhiều đêm trăn trở, với sự hỗ trợ từ Ban Giám hiệu nhà trường, thầy Tráng quyết định triển khai mô hình “Chắp cánh ước mơ”, nhằm vận động các tổ chức, nhà hảo tâm chung tay chăm lo học sinh mồ côi, khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn. Thời gian đầu, do nguồn kinh phí hạn hẹp, thầy Tráng trích một phần tiền lương của mình chia sẻ với các em.

“Mục đích ban đầu của mô hình chủ yếu hỗ trợ nhu yếu phẩm, đồ dùng học tập hằng tháng cho 2 em Hồ Mỹ Chi và Lê Hải Đăng, nhưng thấy còn nhiều học sinh khổ quá, tôi lại mở rộng nhận thêm những em khác”, thầy Tráng cho biết.

Câu chuyện học sinh nghèo được “chắp cánh ước mơ” đến trường lan toả, nhiều nhà hảo tâm, tổ chức tìm đến chung tay hỗ trợ. Đến nay, mô hình đã nhận một số học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đều đặn hỗ trợ các em từ học bổng, nhu yếu phẩm, tiền mặt, quà tặng, tập viết, sách giáo khoa đến đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn…

Cùng với mô hình “Chắp cánh ước mơ”, thầy Tráng tiếp tục triển khai mô hình “Tiếp sức đến trường” hỗ trợ học sinh đồ dùng học tập, gạo, trao học bổng (đối tượng không cố định, thay đổi hằng tháng tuỳ tình hình thực tế). Với mô hình này, thầy Tráng tổ chức nhiều gian hàng 0 đồng, học sinh được phát phiếu tặng quà, được chọn nhu yếu phẩm, vật phẩm phù hợp với nhu cầu.

Tấm gương cho học sinh noi theo

Dạy môn Tin học, thầy giáo Phùng Văn Tráng luôn nỗ lực sáng tạo, đưa ra nhiều giải pháp thiết thực để học sinh nơi đây được tiếp cận công nghệ, nâng cao trình độ. Năm học 2022 - 2023, thầy xây dựng trang điện tử học tập “Tin học sáng tạo”. Trang này tích hợp các bài tập giúp học sinh thực hành gõ chữ tiếng Việt có dấu bằng 10 ngón. Đồng thời, cập nhật các nội dung giúp học sinh tìm hiểu, khám phá, phát triển tư duy lập trình (như lScratch, ScratchJr, Microbit, trí tuệ nhân tạo, Robotics). Thầy sưu tầm, cập nhật trên trang tuyên truyền, giáo dục an toàn giao thông cho học sinh. Chỉ sau thời gian ngắn, trang “Tin học sáng tạo” đã thu hút hàng chục nghìn lượt truy cập.

Sự đổi mới đó đã mang đến nhiều kết quả ấn tượng cho Trường Tiểu học Võ Thị Sáu - ngôi trường còn nhiều hạn chế về cơ sở vật chất dạy môn Tin học. Năm học 2022 - 2023, học sinh của trường giành 1 giải Nhất, 1 giải Nhì quốc gia Hội thi “An toàn giao thông cho nụ cười trẻ thơ” và 1 giải Khuyến khích Hội thi Tin học trẻ thành phố.

“Đây là những thành tích chưa từng có của trường. Mô hình học tập “Tin học sáng tạo” được Sở GD&ĐT tỉnh Hậu Giang công nhận là giải pháp đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập năm học 2022 - 2023”, thầy Tráng chia sẻ.

Không dừng lại ở đó, thầy Tráng còn thường xuyên tham gia tập huấn, chia sẻ trực tuyến và trực tiếp cho đồng nghiệp sử dụng các công cụ dạy học. Anh được Microsoft công nhận là chuyên gia Giáo dục sáng tạo 2 năm liên tục (năm học 2019-2020 và 2021-2022).

Thầy Tráng kể, trong lần thầy dạy đội tuyển Tin học cấp tỉnh, em Lê Thiên Phú bị tai nạn gãy tay nhưng em năn nỉ xin tiếp tục tham gia ôn luyện thi đấu. Và em đã giành giải Ba cấp tỉnh phần thi lập trình khối Tiểu học. Khi được hỏi về mơ ước của mình, Phú trả lời: “Em sẽ theo học Tin học như thầy Tráng. Em ước được như thầy”. Và ở Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, nhiều học sinh bày tỏ ước mơ tương tự. Mỗi lần thấy thầy Tráng đi dự các chương trình, nhận giải thưởng, như: Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ VII; giáo viên tiêu biểu tham gia chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”; giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh…, học sinh lại trầm trồ gọi thầy là Idol.

“Mỗi lần tôi nghỉ phép, đi làm trở lại, học sinh reo lên chào đón thầy. Những niềm vui nho nhỏ, giản dị đó khiến tôi rất hạnh phúc. Tôi nhận ra rằng, mỗi nỗ lực, mỗi tình cảm dành cho học sinh đều để lại những dấu ấn đẹp, đã truyền cảm hứng, ngọn lửa đam mê cho học sinh. Và điều đó khích lệ tôi gắn bó với nghề giáo hơn”, thầy Tráng tâm sự.

Theo Lưu Trinh (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Nhà vệ sinh bẩn trong trường học: Nhiều hệ lụy

Nhà vệ sinh bẩn trong trường học, nhiều hệ lụy

(GLO)- Những bức tường bám đầy rong rêu, thiết bị vệ sinh bám bẩn ố vàng, bốc mùi khó chịu, quá tải… là hiện trạng chung đang diễn ra tại không ít trường học đứng chân trên địa bàn các xã ở tỉnh Gia Lai. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy về sức khỏe, tâm lý của học sinh lẫn mỹ quan học đường.