Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ứng phó khẩn cấp bão số 6

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện 1512/CĐ-TTg về việc ứng phó khẩn cấp bão số 6 năm 2019.
 Dự báo vị trí, đường đi của bão số 6 - Ảnh NCHMF
Dự báo vị trí, đường đi của bão số 6 - Ảnh NCHMF
Toàn văn công điện như sau:
Bão số 6 (Tên quốc tế là Nakri) đang tiếp tục di chuyển về phía ven biển vào đất liền nước ta. Đây là cơn bão mạnh, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 15 và còn tiếp tục mạnh thêm.
Dự báo chiều tối ngày 10 tháng 11 năm 2019, bão số 6 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ven biển, sau đó đổ bộ vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa trùng với thời điểm nước thủy triều cao, gây nước dâng, sóng lớn; tại các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên khả năng sẽ có mưa to đến rất to, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng thấp trũng và các đô thị.
Do tác động của không khí lạnh, diễn biến của bão, mưa lũ còn rất phức tạp, để chủ động ứng phó với diễn biến bất thường của bão và mưa lũ, hạn chế thiệt hại, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các Bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến, chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó với bão, lũ kịp thời, hiệu quả, tập trung vào một số nhiệm vụ sau:
1. Đối với trên biển:
- Các tỉnh ven biển (kể cả các địa phương ven biển không nằm trong vùng dự kiến tâm bão đổ bộ) tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc ra khơi và hoạt động của tàu thuyền; tập trung rà soát, kiểm đếm các phương tiện, tàu thuyền, thông tin kịp thời và hướng dẫn các phương tiện còn hoạt động trên biển di chuyển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm, về nơi tránh trú an toàn. Hướng dẫn, kiểm tra việc neo đậu tàu thuyền, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tại nơi tránh trú (kể cả tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch, đặc biệt lưu ý hướng dẫn bảo đảm an toàn đối với các phương tiện vãng lai của địa phương khác).
- Căn cứ diễn biến của bão, tình hình cụ thể tại địa phương quyết định thời điểm và tổ chức thực hiện việc cấm biển theo quy định (đối với các tàu vận tải lớn thực hiện theo quy định của ngành giao thông vận tải) và thông báo cho phép hoạt động trở lại đối với tàu thuyền và phương tiện hoạt động trên biển.
- Tổ chức, hướng dẫn di chuyển, gia cố bảo đảm an toàn, giảm thiệt hại đối với hoạt động nuôi trồng thủy, hải sản.
- Triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân, khách du lịch và công trình cơ sở hạ tầng trên biển và các đảo.
2. Đối với khu vực ven biển, đồng bằng, đô thị:
- Rà soát phương án, chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng sơ tán khẩn cấp dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm khi có tình huống xấu, nhất là tại khu vực ven biển, cửa sông có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở do nước dâng cao, sóng lớn, trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thuỷ sản trên biển và ven biển (kiên quyết không để người dân ở lại khu vực nguy hiểm khi bão đổ bộ vào).
- Triển khai phương án đảm bảo an toàn cho người và tài sản đối với các hoạt động du lịch ven biển; kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là trên các tuyến đường ven biển, các cầu vượt biển để bảo đảm an toàn trong thời gian bão đổ bộ.
- Chỉ đạo, hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa; triển khai phương án bảo vệ sản xuất, chủ động tiêu nước đề phòng ngập úng, bảo vệ công trình kết cấu hạ tầng, khu kinh tế, khu công nghiệp, nhà máy, kho tàng, công trình đang thi công, công trình cột tháp cao; bảo vệ đê điều, nhất là các đoạn đê, kè biển đã bị sự cố do bão số 5 vừa qua. Đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện, thông tin liên lạc, sẵn sàng lực lượng, vật tư để ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố.
3. Đối với khu vực miền núi, trung du:
- Rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán, di dời người dân ra khỏi các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu khi mưa lớn khi có tình huống xấu, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
- Tổ chức kiểm tra, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập, nhất là các hồ đập xung yếu, đang thi công, sửa chữa và hồ thủy điện nhỏ.
- Triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết khi mưa lũ lớn.
- Chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
4. Một số nhiệm vụ cụ thể
- Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai phối hợp với Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; kịp thời chỉ đạo, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với diễn biến cụ thể của bão, lũ; báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo những vấn đề vượt thẩm quyền.
- Bộ Ngoại giao theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, chủ động liên hệ với các nước và vùng lãnh thổ để hỗ trợ phương tiện, tàu thuyền và ngư dân của ta phòng, tránh bão bảo đảm an toàn.
- Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phối hợp với Bộ Giao thông vận tải chủ động điều động phương tiện cứu hộ cứu nạn ứng trực tại những khu vực thường có nguy cơ xảy ra sự cố tàu thuyền trên biển (trong đó có cảng Quy Nhơn) để chủ động triển khai cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống.
- Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo lực lượng đóng quân trên địa bàn sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ địa phương ứng phó với bão, lũ khi có yêu cầu.
- Bộ Giao thông vận tải tập trung chỉ đạo hướng dẫn di chuyển, neo đậu tránh trú bảo đảm an toàn cho tàu thuyền và phương tiện vận tải; chủ động bố trí phương tiện sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn tại các khu vực thường xảy ra sự cố đối với tàu thuyền trên biển, bố trí lực lượng, vật tư, thiết bị tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ sạt lở để sẵn sàng khắc phục ngay khi xảy ra sự cố.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất nông nghiệp, thủy sản; bảo đảm an toàn hồ đập thuỷ lợi, đê điều…
- Bộ Công Thương chỉ đạo kiểm tra, vận hành, bảo đảm an toàn hồ đập thủy điện, hệ thống điện, hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản.
- Bộ Xây dựng chỉ đạo việc hướng dẫn chằng chống nhà cửa, bảo đảm an toàn cho các công trình xây dựng, công trình cao tầng, công trình cột tháp cao…
- Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ kịp thời dự báo, cung cấp thông tin đến người dân và các cơ quan liên quan để phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó.
- Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí tiếp tục làm tốt công tác thông tin, đưa tin kịp thời diễn biến của bão, mưa lũ để người dân biết, chủ động phòng, tránh.
- Các Bộ, ngành khác theo chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp với các địa phương triển khai ứng phó và sẵn sàng hỗ trợ địa phương xử lý, khắc phục hậu quả khi có yêu cầu.
Theo chinhphu.vn

Có thể bạn quan tâm

SEA Games 32 loại thêm môn thế mạnh của Việt Nam

SEA Games 32 loại thêm môn thế mạnh của Việt Nam

Trong phiên họp trực tuyến mới đây với sự tham dự của đại diện 10 Ủy ban Olympic quốc gia - trừ Timor Leste, Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á (SEAGF) đã yêu cầu quốc gia đăng cai SEA Games 31 cập nhật tình hình các trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với chất cấm khi thi đấu hồi tháng 5-2022 tại Việt Nam, trong đó có 5 trường hợp của đoàn thể thao chủ nhà.
Thầy Park khó nghĩ khi Quang Hải sa sút

Thầy Park khó nghĩ khi Quang Hải sa sút

Việc Quang Hải sa sút phong độ là nguyên nhân chính khiến tuyến giữa tuyển Việt Nam chơi không tốt trong trận hòa Thái Lan 2-2. Điều này, buộc HLV Park Hang-seo phải tính đến phương án thay Quang Hải.
Chờ lời chia tay ngọt ngào của thầy Park

Chờ lời chia tay ngọt ngào của thầy Park

(GLO)- 19 giờ 30 phút ngày 13-1, đội tuyển Việt Nam bước vào trận chung kết lượt đi AFF Cup 2022 với Thái Lan. Trận đấu trong mơ này sẽ là cơ hội cho huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo đòi lại món nợ trước người Thái để có lời chia tay ngọt ngào với bóng đá Việt.
Tuyển Việt Nam sẵn sàng gặp Thái Lan

Tuyển Việt Nam sẵn sàng gặp Thái Lan

AFF Cup 2022 hứa hẹn kết thúc cực kỳ hấp dẫn với trận chung kết trong mơ giữa tuyển Việt Nam và Thái Lan. HLV Park Hang-seo cũng có cơ hội đánh bại 'Voi chiến' ở một giải đấu chính thức để khép lại triều đại thành công của mình.
Giải bóng đá mini thanh niên khối THPT TP. Pleiku: Gay cấn, hấp dẫn đến phút cuối

Giải bóng đá mini thanh niên khối THPT TP. Pleiku: Gay cấn, hấp dẫn đến phút cuối

(GLO)- Sau 3 ngày diễn ra sôi nổi, kịch tính, giải bóng đá mini 5 người thanh niên khối THPT năm 2023 do Thành Đoàn và Hội LHTN Việt Nam TP. Pleiku tổ chức đã khép lại. Giải góp phần tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, tạo mối quan hệ đoàn kết trong hội viên thanh niên khối trường THPT trên địa bàn thành phố.