Thu nhập cao nhờ trồng cây ăn quả

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Nhờ mạnh dạn đầu tư vốn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng các cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, anh Nguyễn Thành Trung (làng Kop, xã Kon Gang, huyện Đak Đoa) đã có thu nhập gần 200 triệu đồng/năm.

Trước đây, anh Nguyễn Thành Trung (quê ở tỉnh Phú Thọ) làm nghề lái xe. Cuộc sống nay đây mai đó nên kinh tế gia đình không ổn định. Trong một lần vào Gia Lai thăm người quen, anh Trung gặp ông Nguyễn Duy Đô, người đang thành công với mô hình trồng cây ăn quả tại xã Kon Gang, huyện Đak Đoa. Khi đến tham quan vườn cây và được ông Đô chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời nhận thấy đất đai ở đây còn nhiều, dễ làm ăn hơn ở quê, anh Trung về nhà bàn với vợ chuyển vào xã Kon Gang lập nghiệp.

 

Ảnh internet
Ảnh internet

Những năm đầu, do chưa có vốn, chưa nắm được kinh nghiệm về trồng và chăm sóc cây ăn quả nên vợ chồng anh chỉ trồng các loại rau màu như su hào, bắp cải và các loại rau xanh để có tiền trang trải cuộc sống hàng ngày. Cuối năm 2014, anh mạnh dạn đầu tư trồng 290 cây cam Vinh, trên 400 cây ổi Đài Loan, trên 100 cây chanh dây. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, từ khâu xử lý đất, chọn giống đến trồng, chăm sóc nên các loại cây ăn quả của gia đình anh đều sinh trưởng, phát triển tốt, ít bị sâu bệnh.

Đến nay, vườn ổi của gia đình anh đã cho thu hoạch lứa thứ 3, vườn cam đã cho thu vụ đầu tiên. Tuy là năm đầu được thu nhưng vườn cam của gia đình anh cho quả to, chất lượng ngon không kém gì những vườn đã kinh doanh nhiều năm. Vì vậy, các thương lái và người dân trong xã, trong huyện đều tìm đến tận vườn thu mua. Ước tính, năm nay, vườn cây của gia đình anh sẽ cho thu khoảng 4 tấn cam Vinh và trên 1,5 tấn ổi. Với giá bán bình quân tại vườn hiện nay là 35.000-40.000 đồng/kg cam Vinh và 8.000-10.000 đồng/kg ổi, dự tính, cùng với tiền bán chanh dây và đàn gà thả vườn 200 con, năm nay, gia đình anh sẽ thu về gần 200 triệu đồng. Để đưa kinh tế gia đình ngày càng phát triển, anh đang cùng với một số hộ dân trong làng mua trên 6 ha đất tại huyện Chư Prông với dự định trong năm tới sẽ mở rộng quy mô trồng cam Vinh và quýt đường.

Mạnh dạn đầu tư và thành công với mô hình trồng cây ăn quả trên vùng đất mới, gia đình anh Trung vươn lên có của ăn, của để. Khi thấy trong làng có nhiều hộ khó khăn như mình trước đây, anh đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn họ chuyển đổi diện tích đất pha cát sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả để tăng thu nhập. Bên cạnh đó, là thành viên của tổ hợp tác trồng cây có múi của xã Kon Gang, anh đã cùng các thành viên thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm về chăm sóc vườn cây, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tuân thủ tốt quy trình kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu cam Kon Gang để tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Nhận xét về anh Nguyễn Thành Trung, ông Nguyễn Duy Đô nhận xét: “Trung là người có chí cầu tiến, trong cuộc sống thì hòa nhã, vui vẻ với mọi người. Khi có những người muốn tìm hiểu về kỹ thuật trồng cây ăn quả, Trung biết cái gì đều chỉ đến nơi đến chốn chứ không giấu giếm. Từ một người chưa biết gì về cây cam, qua quá trình học hỏi, trực tiếp sản xuất, bây giờ Trung đã nắm được một số kinh nghiệm cơ bản về trồng, chăm sóc các loại cây có múi”.

Ngọc Định

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.