Thông tin mới liên quan dịch bệnh 'bí ẩn' ở Congo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá nguy cơ lây lan dịch bệnh lạ ở Congo là thấp tại khu vực và toàn cầu. TP.HCM đang chủ động kiểm soát các nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm từ nước ngoài xâm nhập...

Theo thông tin từ WHO và Trung tâm kiểm soát bệnh tật châu Phi (CDC châu Phi), dịch bệnh chưa rõ nguyên nhân đang bùng phát tại khu vực Panzi, tỉnh Kwango, Cộng hòa dân chủ Congo.

Tính đến ngày 12.12, ghi nhận 527 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 32 trường hợp tử vong. Các triệu chứng của bệnh bao gồm: sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau cơ. Đa phần trẻ em mắc bệnh (53% số mắc và 54,8% số tử vong dưới 5 tuổi) và tất cả các trường hợp nặng đều suy dinh dưỡng nghiêm trọng.

Theo WHO, mức độ nguy cơ tại khu vực xảy ra dịch là cao, tuy nhiên ở cấp quốc gia Cộng hòa dân chủ Congo, nguy cơ là trung bình. Ở cấp độ khu vực và toàn cầu, WHO đánh giá mức độ nguy cơ thấp và chỉ lưu ý việc giám sát tại biên giới với quốc gia láng giềng gần khu vực xảy ra dịch là Angola.

Tại TP.HCM, để chủ động, sẵn sàng ứng phó khi dịch bệnh xâm nhập, Sở Y tế TP.HCM chỉ đạo cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố (HCDC) theo dõi sát tình hình diễn biến dịch. Kết nối các đơn vị để cập nhật thông tin, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng phương án đáp ứng theo từng mức độ nguy cơ của dịch.

HCDC có bộ phận kiểm dịch y tế quốc tế túc trực 24/7 tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Cảng hàng hải TP.HCM để kiểm soát các nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm từ nước ngoài xâm nhập vào TP.HCM. Tại sân bay Tân Sơn Nhất, các kiểm dịch viên y tế giám sát liên tục hành khách nhập cảnh qua hệ thống đo thân nhiệt từ xa và quan sát các biểu hiện bất thường về sức khỏe.

Tùy theo tình hình dịch bệnh, HCDC sẽ kích hoạt hệ thống giám sát cảnh báo sớm tại các cơ sở khám chữa bệnh và trong cộng đồng thông qua mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng; tổ chức đào tạo, tập huấn cho các đội đáp ứng nhanh và các đơn vị liên quan đến hoạt động giám sát, điều tra xử lý dịch; triển khai mạng lưới thu dung, phân tuyến điều trị ngay khi phát hiện trường hợp nghi ngờ bệnh để dịch bệnh không lây lan trong cộng đồng.

Sở Y tế TP.HCM cho biết để chủ động phòng ngừa dịch bệnh, người dân không nên đến các vùng đang có dịch nếu không cần thiết. Đối với người đã từng đi qua các vùng có dịch, nếu phát hiện những triệu chứng nghi ngờ thì cần đến ngay cơ sở y tế và cung cấp thông tin về lịch trình đi lại để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, hạn chế lây nhiễm cho cộng đồng.

Theo Du Yên (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun ngày 10/1 cho biết, quy mô lây lan các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp ở Trung Quốc năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, và metapneumovirus ở người (HMPV) đã lưu hành hơn 60 năm, không phải chủng vi-rút mới.