Hội đồng xét xử khẳng định bị cáo Hoa Hữu Long giữ vai trò chủ mưu cầm đầu, có hành vi gian dối, là người đầu tiên trực tiếp đưa ra thông tin tuyên truyền không có thật.
Các bị cáo trong vụ án lừa đảo chạy việc do Hoa Hữu Long cầm đầu. (Nguồn: Báo Lao Động) |
Sau 3 ngày xét xử, chiều 20/1, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án phạt các bị cáo trong vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Bị cáo Hoa Hữu Long (sinh năm 1964, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn phát triển Long Nhật) bị tuyên phạt tù chung thân; bị cáo Cao Thị Kim Loan (sinh năm 1970, vợ bị cáo Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần dược phẩm Nhật Mỹ) bị tuyên phạt 20 năm tù về cùng tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Về cùng tội danh trên, bị cáo Trần Duy Hưng bị tuyên phạt 17 năm tù, bị cáo Nguyễn Minh Sơn 15 năm tù. Các bị cáo Lê Hồng Giang, Mạc Phúc Hải, Phạm Thế Hùng, Lê Chí Thành, Hoàng Văn Khải, Vũ Khắc Thư, Nguyễn Tân Mão, Hoa Bách Tùng bị tòa tuyên phạt từ 5 năm-13 năm tù.
Hai bị cáo Phùng Thị Thanh Huế và Ngô Tuấn Anh bị tòa án tuyên phạt 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Bản án của Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội nêu rõ trong quá trình xét xử, hầu hết các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội. Các bị cáo có lời khai cơ bản phù hợp với lời khai tại cơ quan điều tra, phù hợp giữa các bị cáo với nhau.
Hội đồng xét xử nhận định đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, hành vi của các bị cáo gây nguy hiểm cho xã hội, gây hoang mang trong nhân dân, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của lực lượng quân đội nhân dân.
Các bị cáo đã cố ý gian dối, đưa tin sai sự thật khiến nhiều bị hại tin tưởng Tập đoàn Đông Dương có thật, từ đó nộp hồ sơ và tiền cho các bị cáo, để các bị cáo chiếm đoạt số tiền, đưa cho hai bị cáo Hoa Hữu Long và Cao Thị Kim Loan.
Đánh giá vai trò của các bị cáo trong vụ án, Hội đồng xét xử khẳng định bị cáo Hoa Hữu Long giữ vai trò chủ mưu cầm đầu, có hành vi gian dối, là người đầu tiên trực tiếp đưa ra thông tin tuyên truyền không có thật.
Bị cáo Long đã đưa ra thông tin giới thiệu về bản thân và Tập đoàn S10 khiến các chi nhánh tin tưởng nộp tiền chiếm đoạt được của các bị hại, sau đó không thực hiện như đã hứa với các bị hại.
Bị cáo Cao Thị Kim Loan phụ trách tài chính đã giúp sức tích cực cho bị cáo Hoa Hữu Long trong việc thu hồ sơ, thu tiền. Ngoài ra, vợ chồng bị cáo Long và Loan còn chiếm đoạt hơn 15 tỷ đồng tiền thực hiện dự án kinh tế nhưng thực tế không có thật.
Bị cáo Lê Hồng Giang với vai trò tự phong là Phó Tư lệnh Tập đoàn Đông Dương, biết Tập đoàn Đông Dương chưa được thành lập nhưng đã giới thiệu rằng Tập đoàn đang cần tuyển nhân sự và hứa hẹn có khả năng bố trí một công việc theo cấp bậc tại đơn vị tùy theo mức tiền đóng.
Bị cáo Lê Hồng Giang đã trực tiếp hướng dẫn và thu tiền của nhiều nhân sự với tổng số tiền hơn 9,2 tỷ đồng. Ngoài ra, bị cáo Lê Hồng Giang còn cùng với bị cáo Mạc Phúc Hải chiếm đoạt hơn 23 tỷ đồng liên quan đến tiền dự án.
Tương tự, bị cáo Mạc Phúc Hải với vai trò tự phong là Phó Tư lệnh Tập đoàn Đông Dương, cấp bậc Thiếu tướng, phụ trách mảng dự án đã tuyên truyền về tập đoàn và hứa hẹn bố trí một công việc theo năng lực, trình độ tại tập đoàn để các đầu mối nhân sự và nhân sự tin tưởng nộp hồ sơ, tiền để hai vợ chồng bị cáo Hoa Hữu Long và Cao Thị Kim Loan chiếm đoạt…
Theo Kim Anh-Nguyễn Cúc (TTXVN/Vietnam+)