Thí điểm học bạ số cấp tiểu học: Hiệu quả bước đầu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau hơn 2 tháng triển khai thí điểm, việc thực hiện học bạ số cấp tiểu học đã bước đầu cho thấy kết quả khả quan. Theo đánh giá của các cơ sở giáo dục, đây chính là giải pháp tối ưu để quản lý học bạ một cách thống nhất, khoa học, đồng thời tiết kiệm chi phí và thời gian.

Đồng thuận từ cơ sở

Trường Tiểu học Ngô Mây (phường Trà Bá, TP. Pleiku) vừa hoàn tất 1.299 học bạ số cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 4 năm học 2023-2024. Thay vì phải in ra giấy và ký tay toàn bộ thì chỉ cần vài cú nhấp chuột, giáo viên chủ nhiệm và hiệu trưởng nhà trường đã hoàn thành việc ký, đóng dấu học bạ trên hệ thống mà không cần mất quá nhiều thời gian.

Thầy Nguyễn Trung Thành-Hiệu trưởng nhà trường-cho hay: Sau khi tham gia hội nghị tập huấn chung về học bạ số cấp tiểu học do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức, chúng tôi đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên theo từng tổ chuyên môn; đồng thời, hướng dẫn thực hiện thí điểm cho các lớp từ khối 1 đến khối 4 đang học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. 100% cán bộ, giáo viên trong toàn trường đều sử dụng thành thục các phần mềm giáo dục và chữ ký số cho hồ sơ điện tử nên việc triển khai học bạ số không gặp nhiều vướng mắc.

Giáo viên Trường Tiểu học và THCS Trần Hưng Đạo (xã Al Bá, huyện Chư Sê) nhập kết quả học tập của học sinh trên SMAS và đồng bộ dữ liệu trên học bạ số. Ảnh: M.T

Giáo viên Trường Tiểu học và THCS Trần Hưng Đạo (xã Al Bá, huyện Chư Sê) nhập kết quả học tập của học sinh trên SMAS và đồng bộ dữ liệu trên học bạ số. Ảnh: M.T

“Giáo viên tiến hành nhập kết quả học tập của học sinh trên phần mềm Quản lý nhà trường (SMAS) và đồng bộ dữ liệu trên học bạ số sau khi nhà trường gửi dữ liệu lên hệ thống (cấp sở), tiếp đến là chốt dữ liệu học bạ và ký số đối với kết quả học tập của học sinh. Trên cơ sở này, hiệu trưởng sẽ ký duyệt và đóng dấu học bạ. Tất cả thao tác đều được thực hiện trên hệ thống nên đảm bảo thống nhất, khoa học, chính xác; qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả điều hành, tăng tính công khai, minh bạch trong đánh giá, xếp loại học sinh cuối năm”-thầy Thành nhìn nhận.

Cô Trịnh Thị Lê-Tổ trưởng tổ 3 (khối lớp 3) chia sẻ: Mỗi năm đón thêm học sinh mới nhập học đồng nghĩa với khối lượng học bạ nhà trường lưu trữ rất lớn. Việc quản lý học bạ trước đây khá cồng kềnh, tốn thời gian và dễ thất lạc. Vì vậy, chúng tôi đều thống nhất cao với việc áp dụng học bạ số. Học bạ số có nhiều điểm thuận lợi như: lưu trữ đầy đủ, chính xác thông tin về học sinh cũng như kết quả học tập và rèn luyện của học sinh; thể hiện tính nhất quán khi phát hành học bạ; giảm áp lực sổ sách cho giáo viên, nhà trường; việc theo dõi, quản lý hồ sơ chặt chẽ, khoa học. Đặc biệt, phụ huynh có thể tra cứu kết quả học tập của con em mình một cách dễ dàng; từ đó, phối hợp tốt với giáo viên và nhà trường trong việc nhắc nhở, đôn đốc học sinh học tập hiệu quả.

Tương tự, Trường Tiểu học và THCS Trần Hưng Đạo (xã Al Bá) cũng là đơn vị tiên phong của huyện Chư Sê trong việc thí điểm học bạ số, trước khi tất cả các trường có cấp tiểu học trên địa bàn cùng đồng loạt thực hiện. Hiệu trưởng Phạm Hoàng Tùng thông tin: Để thực hiện học bạ số cho học sinh tiểu học từ lớp 1 đến lớp 4 theo kế hoạch của Sở GD-ĐT, trước khi Phòng GD-ĐT tổ chức tập huấn cho các trường, chúng tôi đã chủ động phối hợp với Viettel Gia Lai trực tiếp tập huấn, hướng dẫn; đồng thời, triển khai đăng ký chữ ký số cho tất cả cán bộ quản lý, giáo viên của trường.

“Kết thúc năm học 2023-2024, nhà trường đã cơ bản hoàn tất học bạ số cho học sinh các lớp tiểu học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Việc này vừa tiết kiệm thời gian, chi phí, vừa thuận lợi rất nhiều trong quản lý. Tuy nhiên, vẫn còn vướng mắc là một số thuật ngữ trên học bạ số chưa chuẩn theo ký hiệu quy ước tại Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT ngày 4-9-2020 của Bộ GD-ĐT về quy định đánh giá học sinh tiểu học. Chúng tôi cũng đã có ý kiến lên cấp trên để đề nghị Viettel Gia Lai điều chỉnh cho thống nhất”-thầy Tùng nói.

Bước chuẩn bị để triển khai đại trà

Ngày 1-3-2024, Bộ GD-ĐT đã ban hành Kế hoạch số 213/KH-BGDĐT về việc triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học nhằm thực hiện thử nghiệm về giải pháp kỹ thuật làm căn cứ để triển khai chính thức cho bậc học phổ thông. Trên cơ sở đó, Sở GD-ĐT đã ban hành kế hoạch về việc thí điểm học bạ số cấp tiểu học nhằm xây dựng, hoàn thiện mô hình, quy trình quản lý, sử dụng học bạ số làm cơ sở triển khai thống nhất trên toàn tỉnh. Nội dung thí điểm bao gồm: tạo lập, cập nhật học bạ số; quản lý và lưu trữ học bạ số; sử dụng học bạ số (tra cứu thông tin học bạ số, chuyển trường…); kết nối, trao đổi dữ liệu học bạ số với cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục, cơ sở dữ liệu quốc gia. Thời gian thí điểm từ tháng 4 đến tháng 6-2024.

Giáo viên bậc tiểu học năm học 2023-2024 ở các trường thí điểm đều được tập huấn, hướng dẫn sử dụng phần mềm học bạ số, đã biết cách khởi tạo học bạ và ký số. Ảnh: M.T

Giáo viên bậc tiểu học năm học 2023-2024 ở các trường thí điểm đều được tập huấn, hướng dẫn sử dụng phần mềm học bạ số, đã biết cách khởi tạo học bạ và ký số. Ảnh: M.T

Ông Nguyễn Lương Bảy-Phó Trưởng phòng GD-ĐT TP. Pleiku-cho biết: Với thuận lợi về điều kiện kinh tế-xã hội và hạ tầng công nghệ thông tin, Phòng GD-ĐT thành phố đã chỉ đạo 32/32 trường có cấp tiểu học trên địa bàn đồng loạt triển khai thí điểm học bạ số đối với khối lớp 1, 2, 3, 4 năm học 2023-2024. Các cơ sở giáo dục phải đảm bảo các điều kiện gồm: máy vi tính kết nối mạng internet; phần mềm SMAS với đầy đủ thông tin, dữ liệu về giáo viên, học sinh và kết quả học tập, rèn luyện của học sinh; có chữ ký số để giáo viên, ban giám hiệu ký và đóng dấu học bạ; có nhân sự để quản trị, sử dụng phần mềm học bạ số.

Toàn tỉnh có 209/285 cơ sở giáo dục triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học, chiếm 73,3%. Trong đó, 5 địa phương được chọn triển khai cho 100% các trường trên địa bàn gồm: TP. Pleiku, thị xã An Khê và các huyện: Chư Sê, Ia Pa, Chư Prông; các địa phương còn lại đều chọn ít nhất 50% số trường để triển khai thí điểm.

“Hiện nay, hơn 50% cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn đã triển khai cơ bản ổn định học bạ số cho học sinh. Các trường còn lại đang triển khai, dự kiến hoàn thành thí điểm trước ngày 10-6. Về phía Phòng GD-ĐT TP. Pleiku, học bạ số bước đầu mang lại nhiều lợi ích về mặt quản lý; có thể theo dõi, kiểm tra học bạ chặt chẽ, đồng bộ và mọi lúc mà không cần trực tiếp đến các trường, kể cả việc điều chỉnh sửa chữa học bạ. Đây được xem là một bước để đẩy mạnh chuyển đổi số trong toàn ngành”-ông Bảy khẳng định.

Sau hơn 2 tháng triển khai thí điểm, đến nay, toàn tỉnh có trên 115 ngàn học bạ của học sinh đã được khởi tạo trên phần mềm học bạ số. Giáo viên chủ nhiệm các khối lớp đều được tập huấn, hướng dẫn sử dụng phần mềm học bạ số, biết cách khởi tạo học bạ và ký số; cán bộ quản lý các đơn vị đã tiến hành phê duyệt, ký xác nhận học bạ số cho các lớp trong trường; bộ phận văn thư thực hiện đóng dấu số phát hành học bạ thành công.

Ông Nguyễn Văn Đông-Trưởng phòng Giáo dục Mầm non và Giáo dục Tiểu học (Sở GD-ĐT) cho hay: Vì dữ liệu về quá trình học tập của học sinh đã được kế thừa từ phần mềm Quản lý nhà trường nên công tác khởi tạo học bạ số khá thuận lợi; giáo viên không mất nhiều thời gian để nhập liệu thông tin đối với quá trình học tập của học sinh. Cùng với đó, Viettel Gia Lai cũng tích cực hỗ trợ cung cấp giải pháp học bạ số và chữ ký số cá nhân cho giáo viên, cán bộ quản lý các trường tham gia thí điểm. Tuy nhiên, trình độ công nghệ thông tin của giáo viên chưa đồng đều; một số người tiếp cận và thao tác còn chậm.

Cũng theo ông Đông, sau đợt triển khai thí điểm, Sở GD-ĐT sẽ triệu tập hội nghị để đánh giá kết quả đạt được cũng như khó khăn, tồn tại. Từ đó, Sở sẽ đề xuất Bộ GD-ĐT hướng dẫn tháo gỡ những vấn đề còn vướng mắc. Ngoài ra, Sở cũng tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị các điều kiện để triển khai đại trà học bạ số theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT trong năm học 2024-2025.

Có thể bạn quan tâm

Mô hình điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong trường học: Hiệu quả thiết thực

Mô hình điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong trường học: Hiệu quả thiết thực

(GLO)- Mô hình điểm về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trong trường học được triển khai tại Trường THPT Ya Ly (huyện Chư Păh) bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường và xây dựng môi trường giao thông an toàn, thân thiện.

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 không còn đặt ra tỷ lệ học nghề sau THCS khoảng 30% như giai đoạn trước. Thực tế cho thấy việc áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không phù hợp và nảy sinh nhiều hệ lụy.