Thấy gì qua một mùa Tết?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Một mùa Tết đã trôi qua với đầy đủ “mùi vị” vốn có của một cái Tết cổ truyền. Cùng nhìn lại những ngày này, có thể thấy Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 có rất nhiều điểm sáng đáng mừng. Để rồi từ niềm vui Xuân, người dân mang khí thế ấy bước vào năm mới trong niềm hân hoan.

1. Điểm sáng đầu tiên cần nhắc tới đó là: Theo thông tin từ Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, số vụ tai nạn giao thông trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 (từ ngày 8 đến 14-2) có tăng nhưng số người chết giảm sâu so với cùng kỳ nghỉ Tết năm ngoái.

Cụ thể, trong khoảng thời gian này, toàn quốc xảy ra 541 vụ tai nạn giao thông, làm chết 214 người và 504 người bị thương (tăng 83 vụ, giảm 69 người chết, tăng 177 người bị thương). Đặc biệt, Cảnh sát Giao thông đã phát hiện, xử lý 29.099 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (tăng 21.373 trường hợp). Nhờ vậy, theo số liệu của Bộ Y tế, số ca tử vong do tai nạn giao thông giảm 22,4%; đặc biệt, số vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn tiếp tục giảm sâu so với các năm trước.

Lực lượng Công an TP. Pleiku kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện tham gia giao thông dịp Tết. Ảnh: R'Ô Hok

Lực lượng Công an TP. Pleiku kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện tham gia giao thông dịp Tết. Ảnh: R'Ô Hok

Tương tự, tại Gia Lai, trong 7 ngày nghỉ Tết, trên địa bàn tỉnh xảy ra 7 vụ tai nạn giao thông, làm 4 người chết và 7 người bị thương. So với cùng kỳ năm ngoái, tai nạn giao thông không tăng không giảm về số vụ nhưng giảm 1 người chết, tăng 2 người bị thương. Lực lượng Cảnh sát Giao thông đã lập biên bản 1.342 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, trong đó có hơn 200 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, xử phạt 132 trường hợp với tổng số tiền gần 500 triệu đồng.

Sự mạnh tay đối với các “ma men” tham gia giao thông đã dần thiết lập, định hình một lối sống mới, văn minh, vừa thượng tôn pháp luật, vừa đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng. Có thể nói, đây là một năm đáng nhớ với nhiều người trong cái Tết gần như nói không với bia rượu. Vì lẽ đó, Tết lành mạnh và trọn vẹn hơn.

Không những đảm bảo an toàn giao thông, Tết này, công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân tiếp tục được đặt lên hàng đầu và đạt nhiều kết quả đáng hoan nghênh. Đáng nói, từ ngày 8-2 đến 12-2 (29 Tết đến mùng 3 Tết), dù chịu áp lực lớn khi số ca cấp cứu tim mạch tăng gấp đôi ngày thường song các y-bác sĩ Khoa Tim mạch-Bệnh viện Đa khoa Gia Lai đã nỗ lực can thiệp tim mạch, cứu sống 4 người bệnh. Hy sinh thời gian đón Tết bên gia đình, họ đã lặng lẽ chung tay cho một mùa vui.

2. Dạo quanh các điểm đến trên địa bàn tỉnh, có thể cảm nhận rất rõ không khí Tết đong đầy tình thân và sự ấm áp. Năm nay, rất nhiều gia đình đã cùng nhau duy trì nét truyền thống tốt đẹp của dân tộc: Cả nhà cùng diện áo dài du xuân, chụp bộ ảnh lưu niệm để lưu giữ khoảnh khắc đáng nhớ bên linh vật của năm. Chưa năm nào áo dài được chọn làm trang phục đón xuân phổ biến như năm nay. “Trend” áo dài lên ngôi với đủ các hình thức, từ truyền thống đến cách tân, đã cho thấy ý thức mạnh mẽ về bản sắc.

Du khách diện áo dài du xuân tại thắng cảnh Biển Hồ (TP. Pleiku). Ảnh: Đức Thụy

Du khách diện áo dài du xuân tại thắng cảnh Biển Hồ (TP. Pleiku). Ảnh: Đức Thụy

Trên mạng xã hội, không ít gia đình Việt đang sinh sống ở nước ngoài cũng cập nhật những status đầy hoài nhớ về Tết quê, những bức ảnh đẹp khi các thành viên đều mặc áo dài cùng nhau đi lễ chùa. Trong hành trình quảng bá để áo dài sớm được Chính phủ công nhận là quốc phục và hướng tới đề xuất UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, đây là những hình ảnh vô cùng đáng quý. Thêm vào đó, như một cách hướng về nguồn cội, họ chú trọng bài trí nhà cửa, mua bánh chưng bánh tét, củ kiệu, dưa hấu… để Tết cổ truyền thêm đậm vị ẩm thực quê nhà. Tết không chỉ được nâng niu trong tâm tưởng người xa xứ mà hiện hữu bất cứ đâu trên những vùng đất nơi cộng đồng người Việt chọn sinh sống, lập nghiệp.

“3 ngày Tết, 7 ngày xuân” trôi qua. Trên dặm dài thiên lý, dòng người lại chen chúc rời quê trở lại làm việc ở các thành phố lớn sau một mùa đoàn viên. Từng có nhiều ý kiến đề xuất bỏ Tết âm lịch, chỉ đón Tết dương lịch với lý do hòa nhập cùng xu thế chung, tiết kiệm, bớt đi lễ nghĩa… Ngược lại, không ít người đặt ra câu hỏi: Sự đồng nhất liệu có thật sự cần thiết, có khiến hòa tan? Bản sắc có bị mai một?

Chỉ thấy còn lại sau những tranh luận bất tận là một cảm xúc không đổi. Một từ “Tết” thôi mà bao xúc cảm thiêng liêng, bao bồi hồi ngẫm ngợi. Tết là dịp để dừng lại, nạp thêm năng lượng và đi tiếp. Ai có khó khăn thì cũng từ khoảnh khắc này mà gửi gắm ước vọng về ngày mai, về chặng đường mới may mắn và hanh thông hơn.

Vậy thì, có lẽ hãy cứ để Tết là Tết.

Có thể bạn quan tâm

Thông qua 40 nghị quyết quan trọng

Thông qua 40 nghị quyết quan trọng

(GLO)- Sáng 11-12, kỳ họp thứ 24 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII (nhiệm kỳ 2021-2026) bước vào ngày làm việc cuối cùng với phần chất vấn và trả lời chất vấn; đồng thời, các đại biểu đã biểu quyết thông qua 40 nghị quyết quan trọng.

Lực lượng nổi dậy Myanmar chiếm căn cứ quân sự, bắt giữ một chuẩn tướng

Lực lượng nổi dậy Myanmar chiếm căn cứ quân sự, bắt giữ một chuẩn tướng

(GLO)- Khuya 9/12, người phát ngôn lực lượng nổi dậy Quân đội Arakan (Myanmar) Khaing Thukha, tuyên bố tổ chức này đã chiếm được căn cứ quân sự lớn ở thị trấn Maungdaw (bang Rakhine), theo trang tin Mint. Chuẩn tướng quân đội Thurein Tun, chỉ huy căn cứ đã bị bắt khi đang tìm cách chạy thoát.