(GLO)- Ngày 16-4, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh (SHTP) tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao.
Lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh trao giấy chứng nhận đầu tư dự án nhà máy dược phẩm tại Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh cho lãnh đạo tập đoàn Sanofi vào cuối tháng 3-2013. Ảnh: Hoàng Liêm |
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Lê Mạnh Hà, TP. Hồ Chí Minh đã xác định phát triển công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ là ngành then chốt để đạt được những mục tiêu về tái cấu trúc kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng giai đoạn 2011-2015, nâng tỷ trọng giá trị các ngành công nghiệp lên 42% và ngành dịch vụ lên 57% GDP, gia tăng giá trị sản phẩm, dịch vụ và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt 40% GDP của thành phố vào năm 2015... Do vậy, TP. Hồ Chí Minh đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp khi tham gia chuỗi cung ứng hỗ trợ công nghệ cao trên địa bàn thành phố.
Theo đó, TP. Hồ Chí Minh sẽ ưu đãi về thuế, giá thuê đất, hỗ trợ vốn vay, thủ tục một cửa, hỗ trợ đào tạo, hỗ trợ thông tin... cho các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ như dự án đầu tư tại SHTP (kể cả đầu tư mới và đầu tư bổ sung) để sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; sản phẩm vật liệu, phụ tùng, linh kiện, phụ kiện, bán thành phẩm sản xuất để cung cấp cho khâu lắp ráp, sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh. Cụ thể, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho sản phẩm công nghệ cao được áp dụng thuế suất 10% trong thời gian 15 năm; hỗ trợ lãi suất vốn vay đến 70% tổng vốn đầu tư cố định, mức vốn vay không được quá 100 tỷ đồng/dự án, thời gian hỗ trợ không quá 7 năm; hỗ trợ từ 10% đến 30% tổng chi phí đào tạo…
TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu phấn đấu tỷ lệ nội địa hóa ở các sản phẩm công nghệ cao trong SHTP đến năm 2015 sẽ đạt 25% và đến năm 2020 là 40%, giá trị xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao trong SHTP đến năm 2015 đạt 10 tỷ USD.
Hoàng Liêm