Thanh âm phố núi Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Người ta hẳn sẽ nghĩ ngay đến sự náo nhiệt của người và xe, tiếng lao xao của chợ búa, tiếng động cơ chen lẫn với tiếng còi và vô vàn tạp âm khác tạo thành âm thanh đặc trưng của thành phố. Thành phố thường gợi người ta nghĩ đến sự ồn ào, như một mặc định.
Quảng trường Đại Đoàn Kết trong sương sớm.
Quảng trường Đại Đoàn Kết trong sương sớm. (ảnh nguồn internet)
Thành phố này không hẳn vậy!
Tôi đã từng có cảm giác bị kẹt trong một đám đông người và xe không thể nhúc nhích vào một dịp hội hè, trong một con đường nhỏ giữa trung tâm thành phố. Nhưng không ai tỏ ra vội vã, mọi người trật tự và nghiêm ngắn trong cái mớ lộn xộn người xe ấy và tuân thủ sự điều hành của Cảnh sát Giao thông. Gần như không nghe thấy một tiếng còi xe nào vang lên. Những lần, ở những thành phố lớn, chìm vào một đám đông xe cộ, thấy người ta tìm mọi cách để có thể lách lên trước, bấm còi xe inh ỏi để được nhường đường dù người đứng trước chẳng biết nhường vào đâu, tôi chỉ ước thật nhanh xong việc, để được trở về phố nhỏ yên bình của mình.
Có lần trở về nhà vào thời điểm khá khuya, trên đường Hoàng Hoa Thám, đoạn đường có rất nhiều cây xanh, chạy xe chầm chậm, bỗng dưng lọt vào tai tôi là tiếng dế, cả một dàn đồng ca át cả tiếng động cơ. Có điều gì đó vụt ngang qua ký ức, mơ hồ đến mức tôi phải dừng hẳn xe. Đâu đó ngang qua tôi là phưng phức mùi bùn non, ngọt ngào hương cỏ mật, nồng nồng vị lá mục sau vườn; cả những gương mặt nhễ nhại mồ hôi và lấm lem bùn đất, những mái tóc khét nắng vàng hoe chụm lại trước một tổ dế vẻ háo hức đợi chờ. Những con dế nhốt trong chiếc hộp diêm bé tẹo dường như đã cất tiếng gáy suốt dọc tuổi thơ tôi, và giờ đi lạc vào thành phố này.
Những buổi sáng sớm, khi sương còn chưa tan hết, ngang qua Quảng trường Đại Đoàn Kết, ta sẽ ngỡ ngàng bởi âm thanh ríu rít của chim chóc trên những vòm cây, hàng trăm thứ chim cứ lích lích lích rích, ấm áp vô cùng. Người ta bảo đất lành chim đậu, giữa chốn nhộn nhịp nhất thành phố mà chim chóc kéo về làm tổ và ríu rít thật an lành.
Còn nhớ cách đây đã rất lâu, dễ đến hơn 20 năm, đêm nào cũng nghe tiếng rao của một bà lão bán hột vịt lộn. Thị xã lúc ấy vắng vẻ và thưa thớt ánh đèn. Bà len lỏi vào tận những con hẻm nhỏ và cất tiếng rao “Ai hột vịt lộn không…”. Tiếng rao vọng lên giữa thanh vắng rồi lọt thỏm vào đêm, theo ánh đèn dầu leo lét của bà lão. Rồi chẳng biết từ khi nào, tiếng rao ấy vắng hẳn. Thi thoảng, những đêm mưa tí tách rơi bên mái hiên, tôi lại nhớ tiếng rao vọng vào những đêm xa đầy hoài niệm.
Tôi đặc biệt thích câu thơ của miên di: “Thành phố này đi vắng khỏi nhau chưa?”. Đôi khi tôi tự hỏi mình như vậy, khi chợt nhận ra có những điều cứ dần dần xa vắng khỏi thành phố, xa vắng nhau, xa vắng khỏi cuộc đời. Có những thanh âm đối với người này có thể chỉ là những tiếng kêu cất lên, khô khan vô vị. Nhưng với người khác, nó như niềm vọng về an ủi, xoa dịu, ôm ấp; như sự đánh thức, lời nhắc nhớ về một khoảng nào đó vô định trong lòng người, nhưng lại lắng sâu, vời vợi đến khôn cùng.
Đào An Duyên

Có thể bạn quan tâm

Khai thác giá trị di tích thắng cảnh Biển Hồ gắn với phát triển du lịch

Khai thác giá trị di tích thắng cảnh Biển Hồ gắn với phát triển du lịch

(GLO)- Được công nhận là di tích thắng cảnh cấp quốc gia theo Quyết định số 1288-VH/QĐ ngày 16-11-1988 của Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch), di tích thắng cảnh Biển Hồ (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) hàng năm thu hút rất đông khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan.

Gắn kết nghĩa tình, chung tay xây dựng nông thôn mới

Kết nghĩa với các buôn làng: Thắt chặt nghĩa tình, chung tay xây dựng nông thôn mới

(GLO)- Với phương châm “phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, linh hoạt tùy theo điều kiện cụ thể của từng cơ quan, đoàn thể, đơn vị”, chương trình kết nghĩa với các làng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) trên địa bàn TP. Pleiku đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Xã vùng 3 Ayun nỗ lực thoát nghèo

Xã vùng 3 Ayun nỗ lực thoát nghèo

(GLO)- Với những giải pháp cụ thể cùng nhiều nguồn lực hỗ trợ, năm 2024, xã vùng 3 Ayun (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã giảm được 65 hộ nghèo, 30 hộ cận nghèo. Tuy nhiên đến nay, hộ nghèo, cận nghèo ở xã vẫn chiếm tỷ lệ rất cao nên công tác giảm nghèo bền vững gặp nhiều khó khăn.

Kông Chro mùa gió

Kông Chro mùa gió

(GLO)- Những dãy núi cứ thế hiện ra huyền ảo trong sương sớm. Mặt trời mùa gió thắm nhẹ vén màn mưa để trải ánh vàng xuống miền đất của người Bahnar phía rừng già. Và tôi đã có những ngày mê đắm nơi vùng đất Kông Chro.

Các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã có thể gửi ý kiến về các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất thông qua hệ thống Google form. Ảnh: Hà Duy

Gia Lai: Tiếp nhận kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp qua Google form

(GLO)- Sở Kế hoạch và Đầu tư vừa có Công văn số 3260/SKHĐT-DN đề nghị các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã và các Hội nghề nghiệp triển khai tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của các nhà đầu tư, doanh nghiệp qua hệ thống Google form.

Gia Lai: Sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025”

Gia Lai: Sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025”

(GLO)- Chiều 14-11, Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Gia Lai tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) Quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh.

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

(GLO)- Sáng 6-11, tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học di tích lịch sử “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947, xã Kông Bơ La, huyện Kbang” nhằm hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền đề nghị xếp hạng di tích quốc gia.