Thăm "buôn nhà dài" của người Jrai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chiều xuống, tôi lang thang trên những con đường bê tông bằng phẳng của buôn Mlah (xã Phú Cần, huyện Krông Pa, Gia Lai), ngang qua những ngôi nhà dài truyền thống lô nhô dưới tán cây lấp lánh ánh hoàng hôn. Khung cảnh yên bình, đẹp đến nao lòng ấy khiến khách phương xa thật khó rời bước.
Gìn giữ truyền thống
Ấn tượng đầu tiên khi đặt chân đến buôn Mlah chính là những ngôi nhà dài. Kiểu nhà truyền thống ấy là “đặc sản” của người Jrai ở khu vực phía Đông Nam, nhưng hiện tại chỉ còn rải rác. Duy chỉ buôn Mlah dường như miễn nhiễm với quá trình đô thị hóa. Không theo kiểu nhà trệt hay nhà xây hiện đại, người dân trong buôn vẫn một mực trung thành và tự hào với kiểu nhà dài truyền thống. Những ngôi nhà sàn bằng gỗ chiều dài hàng chục mét nằm cạnh những vườn rau xanh mơn mởn. Màu nâu trầm của gỗ, màu xanh của cỏ cây, hoa lá hòa quyện cùng đất trời khiến từng ngôi nhà trông giản dị, yên bình và đẹp lạ.
Đặt chân lên từng bậc thang đẽo từ một thân gỗ dài, tôi vào nhà già Ksor Dú (73 tuổi) khi ông đang ngồi thổi cơm bên bếp lửa đặt gần cửa ra vào. Cạnh khung cửa sổ, vợ ông đang nhặt mớ rau bồ ngót vừa được hái từ trong khu vườn bên hông nhà. Không ngại ngần để khách lạ vào tham quan ngôi nhà, ông Dú còn thoải mái chuyện trò cùng. Ông kể, ngôi nhà dài khoảng 20 m này có lẽ được dựng nên cũng đã hơn 20 năm. Hiện đây là nơi ăn, ở, sinh hoạt của 8 nhân khẩu, trong đó có vợ chồng ông và gia đình đứa con gái út. Bên trong ngôi nhà được chia thành 3 gian và được bài trí khá đơn giản. Mỗi gian đều kê giường ngủ, vật dụng cần thiết làm là nơi sinh hoạt riêng của từng thế hệ. “Ở buôn này, ai cũng làm nhà dài như thế cả. Nhà xây có thể không có nhưng nhà dài nhất định phải có. Tùy theo điều kiện của từng gia đình mà nhà dài có quy mô, dài ngắn khác nhau. Theo quan niệm của ông bà thì nhà dài là biểu tượng cho sự giàu sang, phú quý, quyền lực”-ông Dú tâm sự. Một đỗi, ông lại khoe vườn rau xanh của gia đình: “Nhà nào cũng có vườn rau như thế này. Mỗi bữa thêm một nắm rau là đã khiến cho mâm cơm ngon lên trông thấy. Khi nào rau nhiều quá thì lại hái đem bán”. 
 Nhà dài là nét đặc trưng của buôn Mlah (xã Phú Cần, huyện Krông Pa). Ảnh: P.V
Nhà dài là nét đặc trưng của buôn Mlah (xã Phú Cần, huyện Krông Pa). Ảnh: P.V
Nhà của gia đình chị Ksor Mứ có lẽ là ngôi nhà dài nhất buôn Mlah, chừng khoảng 30 m. Chị Mứ không nhớ rõ ông bà, cha mẹ chị đã bắt đầu dựng nên ngôi nhà khi nào, chỉ biết rằng nó đã như một phần máu thịt của chị. “Sống ở nhà dài quen rồi, vừa cao ráo lại mát mẻ nên mình không thích ở nhà xây đâu”-chị Mứ bày tỏ. Có lẽ vì quan niệm đó mà buôn Mlah vẫn còn nhiều nhà dài đến vậy. Nhiều ngôi nhà đã xuống cấp, nhưng cũng có những ngôi nhà thơm mùi gỗ mới. Phần lớn những ngôi nhà dài dựng nên sau này không còn quá dài như thời trước, một phần là do gỗ ngày càng khan hiếm, phần khác do nhiều gia đình, con cháu tách ra ở riêng chứ không sinh sống cùng nhà với cha mẹ, ông bà nên nhà không có lý do để tiếp tục... dài ra. Dù vậy, chúng vẫn còn lưu giữ kiến trúc truyền thống đủ để mọi người có thể nhận ra một ngôi làng Jrai đặc trưng của vùng hạ lưu sông Ba.
Giàu tiềm năng du lịch
Ngoài kiến trúc nhà dài, hiếm có ngôi làng gần phố nào còn giữ được vẹn nguyên phong cảnh, con người và văn hóa như buôn Mlah (chỉ cách trung tâm huyện Krông Pa 1 km về hướng Bắc). Dãy núi Chư Jilin bao bọc, làm điểm tựa vững chắc cho ngôi làng đậm nét truyền thống. Con suối Mlah và sông Ba chảy quanh khiến buôn Mlah thêm trù phú và mang vẻ đẹp mềm mại. Chỉ xét riêng về khung cảnh, buôn Mlah đã xứng đáng là địa chỉ để níu chân du khách gần xa đến tham quan.
Ông Phùng Anh Kiểm, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Krông Pa, rất say sưa khi nói về buôn Mlah-ngôi làng vừa được huyện lựa chọn để xây dựng thành làng văn hóa kiểu mẫu dân tộc Jrai gắn với xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2018-2020. “Trong hơn 90 làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện thì buôn Mlah vẫn còn giữ gìn tương đối đầy đủ kết cấu của một ngôi làng Jrai truyền thống. Người dân trong buôn còn giữ thói quen sinh hoạt trên những nhà dài hàng chục mét, xung quanh nhà trồng rau xanh, nuôi gia súc, gia cầm. Các kiến trúc khác như cổng làng, nhà mồ, cây nêu cũng được bà con gìn giữ gần như nguyên vẹn. Buôn Mlah lại tựa như một bức tranh phong cảnh hữu tình có núi non, sông suối bao bọc”.
Bà con trong buôn hiện vẫn còn lưu giữ nhiều lễ cúng truyền thống như: lễ cúng Thần nước, lễ ăn lúa mới, lễ ăn lúa kho, lễ ăn lá lúa, lễ mừng nhà mới, mừng thọ… cùng các nghi lễ vòng đời như: hỏi cưới, sinh đẻ, trưởng thành, qua đời, lễ bỏ mả. “Mặc dù bến nước trong buôn không còn, nhưng bà con vẫn tổ chức lễ cúng hàng năm tại địa điểm cũ”-ông Kiểm cho biết thêm.
Trước những lợi thế ấy, cấp ủy, chính quyền xã Phú Cần, huyện Krông Pa đang nỗ lực xây dựng, bảo tồn, phát triển buôn Mlah thành làng văn hóa truyền thống toàn diện cả về văn hóa vật thể và phi vật thể sao cho đúng bản sắc văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc Jrai vùng hạ lưu sông Ba, qua đó giúp thế hệ người Jrai hiện nay và mai sau hiểu biết, giữ gìn truyền thống văn hóa quý báu của dân tộc mình. Theo Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện, việc phát triển buôn Mlah phải kết hợp hài hòa giữa bảo tồn với phát triển văn hóa, kết hợp khai thác tiềm năng du lịch sinh thái, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 13-2-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. “Vì thế, thời gian qua, chúng tôi đã lên kế hoạch và đã triển khai đầu tư nhiều hạng mục cho buôn Mlah với tổng kinh phí 275 triệu đồng”-ông Kiểm cho hay. Các hạng mục đã được đầu tư gồm: hàng rào xung quanh nhà mồ, cổng làng, sân phục hồi cúng bến nước, mua mới 1 bộ cồng chiêng, làm mới sân bê tông, khu thể thao trong buôn… Nhìn chung, các thiết chế văn hóa của buôn Mlah đã khá đầy đủ và bài bản, sẵn sàng phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân và làm du lịch.
Nói về những kế hoạch sắp tới, ông Mah Linh-Trưởng thôn Mlah-hồ hởi chia sẻ: “Được Nhà nước quan tâm đầu tư, tôi và dân làng cảm thấy rất vui mừng, phấn khởi. Tôi thường nhắc nhở bà con dân làng chăm chỉ làm ăn, luôn nghe theo Đảng, theo Nhà nước; gìn giữ phong tục, lễ hội, văn hóa của người Jrai cho con cháu sau này”.
Hoàng hôn đỏ rực trên từng nhánh cây, đổ lên vách gỗ nâu trầm khiến những ngôi nhà dài nhuộm thêm màu xưa cũ, cổ kính. Mặc cho vẻ tấp nập cạnh quốc lộ 25, cuộc sống của buôn Mlah với gần 300 hộ dân vẫn cứ trôi đi một cách nhẹ nhàng, bình dị đến lạ thường. Rời khỏi ngôi làng tuyệt đẹp, tôi cứ mường tượng một ngày Mlah được đưa vào làm du lịch. Khi đó, khách đến Mlah sẽ được trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị như cùng bà con ra sông bắt cá, lên rẫy, tối về quây quần bên bếp lửa đỏ rực trên những ngôi nhà dài để nghe già làng hát kể trường ca…
 PHƯƠNG LINH

Có thể bạn quan tâm

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

(GLO)- Quà lưu niệm từ sản phẩm văn hóa vừa là “sứ giả” du lịch, vừa góp phần đem lại thu nhập cho người dân. Việc tổ chức các cuộc thi tay nghề đan lát, dệt thổ cẩm nhằm tìm kiếm sản phẩm đặc sắc làm quà tặng đã góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển.

Chuyện một “công trình sư” Bahnar

Chuyện một “công trình sư” Bahnar

(GLO)- Sau khi hoàn tất việc cắt lúa, ông Chánh thư thái ngồi trò chuyện cùng chúng tôi bên ghè rượu. Phẩm chất nghệ sĩ của người nông dân với tư cách “công trình sư” một loạt công trình, mô hình ghi dấu bản sắc văn hóa tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) hiện diện trước mặt chúng tôi.

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

(GLO)- Sáng 6-11, tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học di tích lịch sử “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947, xã Kông Bơ La, huyện Kbang” nhằm hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền đề nghị xếp hạng di tích quốc gia.

Trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách

Trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách

(GLO)- Nằm trong khuôn khổ Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya, chiều 9-11, tại khu vực sân nhà rông làng Gri, xã Chư Đang Ya (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai), Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Chư Păh tổ chức trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống.

Các nghệ nhân làng Chuet 2 (phường Thắng Lợi) phục dựng lễ báo hiếu cha mẹ tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Thu

Lễ báo hiếu của người Jrai

(GLO)- Lễ báo hiếu cha mẹ là tập tục văn hóa truyền thống đã có từ xa xưa trong đời sống của cộng đồng người Jrai. Đây là dịp để những người con đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục và cầu mong thần linh ban sức khỏe cho cha mẹ.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.

Ngân vang giai điệu cồng chiêng

Ngân vang giai điệu cồng chiêng

(GLO)- Suốt 1 tháng qua, sau khi hoàn tất công việc gia đình, những người nông dân Jrai chân chất, mộc mạc ở tổ 6 (phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) lại say sưa luyện tập đánh cồng chiêng.