Mừng lúa mới trên cao nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau khi thu hoạch mùa vụ và đưa lúa về kho, đồng bào Jrai náo nức với lễ mừng lúa mới. Nghi lễ nông nghiệp cổ truyền độc đáo này đã được bà con duy trì từ bao đời nay.

Nhằm góp phần gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa này, sáng 28-11, Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San phối hợp với UBND huyện Chư Sê tổ chức phục dựng lễ mừng lúa mới của đồng bào Jrai ở làng Greo Pết (xã Dun).

mung-lua-moi-tren-cao-nguyen-bg.jpg
Không khí rộn rã của lễ mừng lúa mới làng Greo Pết. Ảnh: L.N

Đúng như tinh thần cố kết cộng đồng của các lễ hội từ làng, bà con tề tựu về nhà rông từ rất sớm. Dưới gầm sàn kho lúa, già làng Rmah Ker cùng những người uy tín bày biện lễ vật tươm tất gồm 1 con heo, 1 ghè rượu.

Thanh niên ngả 1 con heo to để chuẩn bị các món ăn truyền thống đãi khách; phụ nữ phân công nhau giã gạo, giã lá mì, nổi lửa chế biến thức món. Khói bếp tỏa ra bốn bề hương vị của sự ấm cúng, no đủ.

Với tâm hồn mộc mạc, bình dị, người Jrai quan niệm vạn vật hữu linh, các vị thần cũng có đời sống tình cảm như con người. Do vậy, nếu biết ơn, dâng cúng với một tấm lòng thành kính thì cộng đồng sẽ được thần linh che chở.

Từ quan niệm đó, lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Tây Nguyên được tổ chức đều đặn hàng năm, cho thấy đời sống văn hóa hết sức phong phú của cư dân bản địa.

Sau khi tiếng cồng, tiếng chiêng vang lên như một lời mời gửi đến thần linh, già làng Rmah Ker dâng lễ vật và đại diện dân làng gửi lời khấn cầu.

“Ơi Yàng! Hôm nay tôi cúng con heo lớn, rượu ghè lớn, mời Yàng về cùng với dân làng Greo Pết ăn mừng lúa mới theo lời tôi cúng, phù hộ cho dân làng cơm thịt đầy nồi, lúa bắp đầy kho. Con cháu mạnh khỏe, học hành nên người, theo lời ông cha gìn giữ phong tục, cố gắng chăm chỉ, cần cù làm ăn, người người, nhà nhà được ấm no hạnh phúc.

Ơi Yàng! Hôm nay dân làng Greo Pết gọi mời thần núi, thần nước, thần cây, thần lúa, thần bốn phương ngày mới, lúa mới, cơm mới cùng với dân làng cùng ăn mừng heo lớn, uống rượu ghè phù hộ cho dân làng được bội thu mùa màng, ấm no hạnh phúc hỡi Yàng”-già Rmah Ker trang nghiêm thực hiện nghi thức truyền thống. Vừa khấn, già Rmah Ker vừa từ từ rót bầu nước vào ghè mời thần linh.

Cùng với lễ thức trên, phụ nữ trong làng còn tái hiện công đoạn giã gạo chày đôi và sàng sảy ngay trước sân nhà rông, góp thêm nét chân thực, sống động cho lễ mừng lúa mới.

Sau nghi lễ, gái trai, già trẻ trong làng cùng hòa điệu xoang, nhịp cồng chiêng rộn rã. Ngoài men rượu ghè truyền thống đậm đà, khách phương xa còn được thết đãi các món ăn hấp dẫn, đặc trưng của đồng bào nơi đây như heo nướng xiên, cơm lam nấu bằng lúa mới dẻo thơm, lá mì xào cà đắng…

22.jpg
Già làng rót nước vào ghè rượu mời thần linh về ăn uống cùng dân làng. Ảnh: L.N

Ông Nguyễn Ngọc Long-Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San: “Lễ mừng lúa mới là nghi thức nông nghiệp cổ truyền độc đáo của đồng bào Tây Nguyên, thể hiện sự giao hòa giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên và vạn vật, tạo nên sức mạnh cộng đồng.

Đây cũng là hoạt động thiết thực nhằm góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; quảng bá Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”.

Nói về ý nghĩa của lễ mừng lúa mới, ông Lê Đình Tuyền-Chủ tịch UBND xã Dun-cho hay: Việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là vấn đề được Đảng ủy, UBND xã hết sức quan tâm.

Đây là lễ hội rất quan trọng đối với đồng bào dân tộc thiểu số xã Dun, nơi có trên 60% dân số là người Jrai.

“Vì vậy, việc phục dựng giúp bà con thấm nhuần truyền thống văn hóa của dân tộc mình, động viên thế hệ trẻ tiếp tục phát huy truyền thống quý báu của cha ông”-ông Tuyền nói.

Còn em Siu Điệp (15 tuổi, thành viên của đội xoang) chia sẻ: “Em rất vui khi được cùng dân làng tham gia lễ mừng lúa mới, được giao lưu với mọi người. Đây là dịp giúp em hiểu thêm về nét đẹp văn hóa của dân tộc mình để góp phần gìn giữ”.

Đặc biệt, buổi phục dựng lễ mừng lúa mới của làng Greo Pết còn có thêm điểm nhấn đặc sắc, đó là gian trưng bày sản phẩm đặc trưng của Hội Nông dân xã Dun với các mặt hàng hấp dẫn như: yến sào, cà phê, gạo Đài Thơm, chanh dây, rượu ghè bo bo, hoa hòe khô, nhãn Hương Chi…

Chị Hoàng Thị Trang-Chủ tịch Hội Nông dân xã-cho biết: “Nhân dịp phục dựng lễ mừng lúa mới, Hội Nông dân xã trưng bày, giới thiệu 15 sản phẩm các loại. Chúng tôi xem đây là cơ hội quảng bá sản phẩm của bà con nông dân, cũng là một cách góp phần phát triển du lịch của địa phương”.

Có thể bạn quan tâm

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản có tiềm năng khai thác kinh tế du lịch. Ảnh: Minh Châu

Những ngày làm hồ sơ “Không gian văn hóa cồng chiêng”

(GLO)- Ngày 23-3-2004, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) ban hành quyết định về việc xây dựng hồ sơ ứng cử quốc gia “Vùng văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” là di sản tiếp nối trình UNESCO công nhận là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.

Già làng Đônh (bìa phải) giới thiệu về chiếc nỏ của người Bahnar. Ảnh: R.H

Điểm tựa Kon Brung

(GLO)- Không chỉ tâm huyết với công tác hòa giải, già làng Đônh (SN 1960; làng Kon Brung, xã Ayun, huyện Mang Yang) còn rất tâm huyết với việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Với bà con, ông là điểm tựa của làng Kon Brung.

Về miền di sản

Về miền di sản

(GLO)- Những địa danh lịch sử, điểm di sản là nơi thu hút nhiều người đến tham quan, tìm hiểu. Được tận mắt chứng kiến và đặt chân lên một miền đất giàu truyền thống luôn là trải nghiệm tuyệt vời và xúc động đối với nhiều người.

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

(GLO)- Quà lưu niệm từ sản phẩm văn hóa vừa là “sứ giả” du lịch, vừa góp phần đem lại thu nhập cho người dân. Việc tổ chức các cuộc thi tay nghề đan lát, dệt thổ cẩm nhằm tìm kiếm sản phẩm đặc sắc làm quà tặng đã góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển.

Giá trị của liên hoan

Giá trị của liên hoan

Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 tổ chức tại TP Cần Thơ vừa khép lại. Bên cạnh những hồ hởi, vui vẻ, nhiều nỗi niềm của sân khấu cải lương truyền thống cũng đã bộc lộ trong mùa liên hoan năm nay.

Chuyện một “công trình sư” Bahnar

Chuyện một “công trình sư” Bahnar

(GLO)- Sau khi hoàn tất việc cắt lúa, ông Chánh thư thái ngồi trò chuyện cùng chúng tôi bên ghè rượu. Phẩm chất nghệ sĩ của người nông dân với tư cách “công trình sư” một loạt công trình, mô hình ghi dấu bản sắc văn hóa tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) hiện diện trước mặt chúng tôi.