Người Tày ở Ia Trốk giữ gìn làn điệu hát then

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đã 40 năm kể từ ngày rời quê hương Cao Bằng, Lạng Sơn vào Gia Lai lập nghiệp, nhưng những người Tày ở thôn Kơ Nia (xã Ia Trốk, huyện Ia Pa) vẫn giữ gìn làn điệu hát then của dân tộc mình như một cách lưu giữ hồn quê trên vùng đất mới.

nguoi-tay-o-ia-trok-giu-gin-lan-dieu-hat-then-dd.jpg
Bà Lâm Thị Keo (bìa phải) và bà Nông Thị Cười luyện tập hát then, đàn tính. Ảnh: V.C

Thôn Kơ Nia hiện có 210 hộ, trong đó, dân tộc Tày chiếm tới 90%. Họ là những người con từ vùng đất Cao Bằng, Lạng Sơn vào đây lập nghiệp vào những năm 80 của thế kỷ trước. Cuộc sống khó khăn nên có một khoảng thời gian, điệu hát then vắng bóng trong đời sống hàng ngày của người dân nơi đây.

Khi cuộc sống ổn định hơn, cộng đồng người Tày ở đây đã bắt tay khôi phục nét văn hóa nghệ thuật truyền thống của dân tộc mình. Những cây đàn tính, chùm sóc nhạc đặt mua từ miền Bắc gửi vào. Buổi tối, các bà, các mẹ cùng nhau tập luyện, cất lên điệu then say đắm, mượt mà, sâu lắng. Những đôi bàn tay chai sạn, rám nắng dần trở nên mềm mại, giọng ca ngân lên khúc nhạc ngọt ngào.

Ở tuổi 65, bà Lâm Thị Keo vẫn là “hạt nhân” của phong trào văn hóa-văn nghệ tại địa phương. Bà không chỉ hát then hay mà còn có ngón đàn tính điêu luyện. Bà cho hay: Theo quan niệm dân gian, “then” có nghĩa là “thiên” (trời), hát then là điệu hát của thần tiên truyền lại. Then vừa là một loại hình văn nghệ dân gian, vừa là một biểu hiện của tín ngưỡng dân gian.

Thực hành then là nghi lễ không thể thiếu trong đời sống văn hóa tâm linh của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Thái ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Vì vậy, hầu hết phụ nữ Tày ở Cao Bằng đều biết đánh đàn tính, hát then từ nhỏ. Vốn có năng khiếu âm nhạc cùng giọng hát hay, từ khi lên 10 tuổi, bà đã có thể tự tin trình diễn những làn điệu then ngọt ngào, say đắm.

Ngày ấy, hành trang đi xây dựng vùng kinh tế mới của bà Lâm Thị Keo chỉ có mấy bộ đồ và cái xoong nhỏ để nấu cháo cho con. Cuộc sống khó khăn khiến bà tạm gác đam mê để tập trung lao động kiếm sống. Khi các địa phương tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc thì ký ức về điệu hát then cùng cây đàn tính lại ùa về trong tâm trí bà.

Bà gọi điện về quê nhờ người thân đặt mua cây đàn tính và chùm sóc nhạc gửi vào. Đây là nhạc cụ không thể thiếu trong mỗi bài hát then. Đàn được làm bằng vỏ quả bầu khô, mặt đàn làm bằng gỗ vông, cán làm bằng cây dâu tằm. Tiếng hát then và đàn tính hòa quyện vào nhau, phản ánh tâm tư, tình cảm của con người, tạo nên giai điệu sâu lắng, ngọt ngào.

“Giá mỗi cây đàn tính khoảng 2 triệu đồng. Tôi dùng tiền tiết kiệm mua 3 cây đàn để tặng và dạy đàn cho chị em trong thôn. Mùa thuốc lá đến, con cháu thức đêm trông lò sấy thuốc, chúng xúm lại nài nỉ tôi đàn và hát then cho nghe.

Giữa đêm khuya tĩnh mịch, tiếng đàn tính cùng điệu then cứ thế vang vọng, gieo vào tâm trí mỗi người bao cảm xúc, làm lớn dần ý thức bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc”-bà Keo trải lòng.

2vc.jpg
Bà Lâm Thị Keo (bìa phải) và Nông Thị Cười cùng nhau trình diễn hát then-đàn tính tại hội thi văn hóa, văn nghệ phụ nữ các dân tộc huyện Ia Pa. Ảnh: Vũ Chi

Đồng hành cùng bà Keo trong các tiết mục biểu diễn hát then là bà Nông Thị Cười. Với bà Cười, việc lưu giữ làn điệu hát then được xem như một cách lưu giữ hồn quê trên vùng đất mới. Biểu diễn hát then, đàn tính trong các lễ hội cũng là một cách mà cộng đồng người Tày giới thiệu nét văn hóa của dân tộc mình đến với người dân và du khách gần xa.

Điều khiến những bậc cao niên như bà Keo, bà Cười trăn trở là sự phát triển mạnh mẽ của các dòng nhạc hiện đại khiến cho giới trẻ không còn mặn mà với văn hóa-văn nghệ truyền thống của dân tộc.

“Thôn chỉ có khoảng 10 người biết hát then, đánh đàn tính. Tất cả đều đã lớn tuổi. Vì vậy, mong ước lớn nhất của tôi là xã mở lớp dạy hát then, đàn tính cho các cháu thanh-thiếu niên. Tôi sẵn sàng đứng lớp trao truyền lại tất cả kinh nghiệm, hiểu biết của mình cho thế hệ trẻ”-bà Keo bày tỏ.

Còn chị Nông Thị Kim Cúc-Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Kơ Nia thì cho hay: Dù sinh ra và lớn lên ở Gia Lai nhưng chị luôn được nhắc nhớ vẻ đẹp văn hóa của dân tộc mình. Mỗi lần nghe hát then, đàn tính hay xem múa sạp, chị luôn phấn chấn và tự hào.

Năm 2019, thực hành then của người Tày, Nùng, Thái đã được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đây là động lực để cộng đồng dân tộc Tày ở thôn Kơ Nia tiếp tục lưu giữ và phát triển vốn di sản quý giá này.

Thời gian tới, Chi hội Phụ nữ thôn Kơ Nia có kế hoạch thành lập Câu lạc bộ Hát then, đàn tính nhằm tạo không gian sinh hoạt vui tươi, tạo sức lan tỏa, qua đó bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên quê hương thứ 2.

Trao đổi với P.V, ông Rcom Dzuy-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Trốk-cho biết: Người Tày ở thôn Kơ Nia vẫn lưu giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình, trong đó có thể kể đến lễ tảo mộ trong Tết Thanh Minh, hát then, đàn tính, múa sạp…

Hàng năm, xã luôn tạo điều kiện cho cộng đồng các dân tộc trên địa bàn giao lưu, gặp gỡ nhằm tăng cường tình đoàn kết cũng như quảng bá, giới thiệu nét đẹp văn hóa các dân tộc; qua đó làm phong phú thêm đời sống văn hóa tại địa phương, thông qua các chương trình, hội thi, hội diễn văn hóa-văn nghệ vui tươi, đặc sắc.

Có thể bạn quan tâm

Dùng mặt nạ kỹ thuật số để phục hồi tranh. (Ảnh: Franetic)

Công nghệ đột phá phục chế tranh cổ chỉ trong vài giờ

(GLO)-Với những bức tranh có niên đại hàng thế kỷ, bị hỏng nặng, việc phục chế gặp nhiều rủi ro và tiêu tốn thời gian. Một bước đột phá về công nghệ vừa được các nhà khoa học thử nghiệm thành công, đã giải quyết được khó khăn này, đó là phương pháp mặt nạ kỹ thuật số.

Đừng để giấc mơ Tây Nguyên ngủ yên trên đỉnh đồi

(GLO)- Người Tây Nguyên làm du lịch không chỉ bằng khu nghỉ dưỡng, mà còn bằng lòng hiếu khách và nghệ thuật kể chuyện. Vậy nên, đừng để giấc mơ Tây Nguyên ngủ yên trên đỉnh đồi mà hãy đánh thức nó bằng chính giọng nói của rừng, bằng bàn tay của bà con và bằng tình yêu với buôn làng của mình.

Ý nghĩa các biểu tượng trong lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui

Ý nghĩa các biểu tượng trong lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui là hiện tượng văn hóa xã hội đặc sắc của cộng đồng người Jrai ở Plei Ơi, xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai. Nghi lễ này tập hợp nhiều biểu tượng văn hóa độc đáo giúp chúng ta hiểu rõ hơn về thế giới tâm linh của cư dân bản địa.

Qua xứ trầm hương: Di sản văn hóa từ miền duyên hải Khánh Hòa - Bài 1: Di sản văn hóa từ miền duyên hải

Qua xứ trầm hương: Di sản văn hóa từ miền duyên hải Khánh Hòa - Bài 1: Di sản văn hóa từ miền duyên hải

“Khánh Hòa là xứ trầm hương/Non cao biển rộng người thương đi về” - những câu thơ của nhà nghiên cứu Quách Tấn trong biên khảo Xứ trầm hương vừa là sự khẳng định danh xưng của một miền đất, vừa như lời mời gọi lữ khách bốn phương tìm về với thủ phủ của trầm hương Việt Nam.

Kể chuyện buôn làng bằng thanh âm sáo trúc

Kể chuyện buôn làng bằng thanh âm sáo trúc

(GLO)- Ở buôn E Kia (xã Ia Rsai, huyện Krông Pa), ông Hiao Thuyên được biết đến là một nghệ nhân tài hoa khi giỏi cả sáo trúc, biểu diễn cồng chiêng, hát dân ca... Bằng những việc làm thiết thực, ông đã góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Jrai và xây dựng khối đại đoàn kết ở buôn làng.

Tây Nguyên: Nhịp sống mới dưới những nếp nhà xưa

Tây Nguyên: Nhịp sống mới dưới những nếp nhà xưa

Nhắc đến đại ngàn Tây Nguyên, có lẽ biểu tượng văn hóa “sừng sững” chính là những mái nhà rông, nhà dài truyền thống của đồng bào các dân tộc. Trong những biến chuyển của thời đại, không gian che chở các hộ gia đình và lan tỏa văn hóa cộng đồng ấy khó tránh khỏi những hư hao, nghiêng ngả.

Đa dạng lễ cúng cầu mưa của người Jrai

Đa dạng lễ cúng cầu mưa của người Jrai

(GLO)- Tuy có sự phát triển của hệ thống thủy lợi song lễ cúng cầu mưa vẫn đóng vai trò quan trọng trong đời sống cư dân vùng thung lũng Cheo Reo. Sự đa dạng trong nghi thức cúng của mỗi cộng đồng dân cư đã góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

Biểu tượng vũ trụ trên cây nêu của người Bahnar

Biểu tượng vũ trụ trên cây nêu của người Bahnar

(GLO)- Người Bahnar quan niệm rằng mọi sự vật, hiện tượng đều có sự hiện diện của thần linh và con người phải tôn trọng, thờ cúng. Vì vậy, họ có nếp sống, sinh hoạt văn hóa với hệ thống lễ hội vô cùng phong phú, gắn với vòng đời người và chu kỳ canh tác nông nghiệp.

null