Nghe đàn tính trên cao nguyên Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong suốt 30 năm định cư trên quê hương thứ 2, người Tày ở xã biên giới Ia Lâu (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) vẫn giữ gìn và phát huy nét nghệ thuật độc đáo của cây đàn tính.

Gần 30 năm trước, ông Nông Văn Đoàn (thôn Pác Pó) từ tỉnh Cao Bằng vào Gia Lai lập nghiệp. Trong hành trang của chàng trai 25 tuổi lúc ấy không thể thiếu cây đàn tính. Ông Đoàn chia sẻ: “Tôi lớn lên cùng cây đàn tính. Nó như người bạn tâm giao của mình. Xa quê mà không có nó bầu bạn sẽ rất buồn và trống vắng. Mỗi lúc nhớ quê, tôi đều mang cây đàn tính ra chơi những điệu then quen thuộc về quê hương, đất nước”. Theo ông Đoàn, cây đàn tính giữ vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người Tày. Âm thanh của đà tính vừa dẫn dắt vừa đệm cho giọng hát nghệ sĩ diễn xướng thêm du dương, sâu lắng.

 Thành viên Câu lạc bộ “Đàn tính-Hát then Bằng Lăng” biểu diễn tại Ngày hội Di sản văn hóa năm 2022. Ảnh: Trần Dung
Thành viên Câu lạc bộ “Đàn tính-Hát then Bằng Lăng” biểu diễn tại Ngày hội Di sản văn hóa năm 2022. Ảnh: Trần Dung


Ông Đoàn kể, từ nhỏ, ông đã say mê tiếng đàn tính. Được bố chỉ dạy, năm 15 tuổi, ông đã chơi thành thạo và am hiểu các công đoạn chế tác đàn tính. Phải trải qua rất nhiều công đoạn phức tạp mới tạo ra được cây đàn tính. Một cây đàn tính tốt, có tiếng đàn hay, chuẩn cần hội tụ đủ các yếu tố như: chọn bầu đàn với kích cỡ phù hợp, đục lỗ bầu và lên dây chuẩn. Đàn tính gồm các bộ phận chính là bầu đàn được làm từ nửa quả bầu khô; cần đàn làm bằng gỗ dâu, dây đàn làm bằng tơ se. “Làm đàn tính khó nhất là tìm được quả bầu có miệng tròn, chu vi 60-70 cm. Quả bầu phải già, hình dáng bên ngoài tròn đẹp, vỏ dày, gõ vào kêu đanh, như thế đàn mới có âm sắc chuẩn. Các công đoạn làm đàn tính hoàn toàn thủ công nên đòi hỏi phải tỉ mỉ và cẩn thận”-ông Đoàn cho biết.

Theo ông Đoàn, để làm được cây đàn tính chuẩn phải dựa trên kinh nghiệm và khả năng thẩm âm của người thợ đàn. Do đó, người thợ còn phải biết hát các điệu then, am hiểu nhạc lý cơ bản. Mang theo cây đàn tính và điệu then vào vùng đất mới Gia Lai, ông Đoàn cùng một số người có chung niềm đam mê thường cùng nhau tập luyện và tích cực tham gia biểu diễn tại các lễ hội ở địa phương.

Bà Nông Thị Mỹ Hiệu (thôn Pác Pó) cho hay: “Đàn tính thường có 3 dây được làm bằng tơ xe, tượng trưng cho cha, mẹ và đất nước. Khi đàn tính kết hợp cùng điệu hát then giúp thể hiện tốt nhất những tâm tư tình cảm của người chơi. Tôi có thể vừa chơi đàn tính, vừa hát then. Ngày nay, hầu hết các hoạt động văn hóa của người Tày ở Ia Lâu như: cưới xin, mừng thọ, liên hoan văn nghệ… đều có sự góp mặt của cây đàn tính với những thanh âm mượt mà, tha thiết. Ngoài những làn điệu truyền thống, chúng tôi còn tìm hiểu và cất cao tiếng đàn hòa âm các bài hát ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, ca ngợi Bác như: Suối Lênin, Trăng soi đường Bác, Việt Bắc nhớ Bác Hồ”.

Ông Nông Văn Đoàn là một trông số ít người chế tác và chơi đàn tính hay ở Ia Lâu. Ảnh: Trần Dung
Ông Nông Văn Đoàn là một trông số ít người chế tác và chơi đàn tính hay ở Ia Lâu. Ảnh: Trần Dung


Những người tâm huyết với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Tày như ông Đoàn, bà Hiệu… luôn mong mỏi thế hệ con cháu được lớn lên trong những giai điệu đẹp của đàn tính. Vậy nên, năm 2015, Câu lạc bộ “Đàn tính-Hát then Bằng Lăng” ở xã Ia Lâu được thành lập. Bà Đinh Thị Thiều-Chủ nhiệm Câu lạc bộ-thông tin: Câu lạc bộ có 18 thành viên, thường xuyên tập luyện để tham gia biểu diễn tại các sự kiện do xã, huyện, tỉnh tổ chức. “Dù xa quê vào Tây Nguyên lập nghiệp nhưng trong trái tim chúng tôi, tình yêu quê hương, bản sắc văn hóa dân tộc không bao giờ nhạt phai. Vì vậy, Câu lạc bộ là nơi kết nối những người con xã quê cùng giúp nhau trong cuộc sống và bảo tồn, phát huy âm thanh của đàn tính, điệu then. Khi đi biểu diễn ở các lễ hội, chúng tôi rất vui vì đã góp phần quảng bá bản sắc văn hóa của dân tộc mình”-bà Thiều bày tỏ. Còn nói như anh Bùi Văn Thông thì: “Dù sinh ra và lớn lên ở Ia Lâu nhưng chúng tôi vẫn được sống trong chiếc nôi văn hóa của dân tộc mình. Mỗi lần nghe tiếng đàn vang lên ở các hội thi, lễ hội, chúng tôi thấy rất tự hào”.
 

TRẦN DUNG

Có thể bạn quan tâm

Nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa ở cơ sở

Nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa ở cơ sở

(GLO)- UBND tỉnh Gia Lai ban hành QĐ số 60/2024/QĐ-UBND quy định chi tiết tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” để hướng dẫn thực hiện, bảo đảm phù hợp với đặc thù văn hóa và tình hình kinh tế-xã hội của địa phương.

Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia vừa họp, bỏ phiếu thống nhất đề xuất Thủ tướng Chính phủ công nhận Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo là di tích quốc gia đặc biệt. Ảnh: Ngọc Minh

Chuyện làm hồ sơ di tích Tây Sơn Thượng đạo

(GLO)- Cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, những người làm công tác di sản văn hóa (như cách gọi ngày nay) của tỉnh Gia Lai-Kon Tum bắt tay vào việc thu thập thông tin để làm hồ sơ di tích đề nghị xếp hạng, trong đó có hồ sơ di tích Tây Sơn Thượng đạo.

Chùa Bửu Minh (huyện Chư Păh)

Vọng tiếng chuông ngân

(GLO)- Trên địa bàn tỉnh Gia Lai có nhiều ngôi chùa bắt đầu bằng chữ Bửu như chùa Bửu Minh (huyện Chư Păh), Bửu Thắng, Bửu Nghiêm, Bửu Hải (TP. Pleiku). Riêng cái tên Bửu Tịnh được đặt cho 2 ngôi chùa, 1 ở Ayun Pa, 1 ở Krông Pa. Nhà tôi ở gần chùa Bửu Tịnh (xã Phú Cần, huyện Krông Pa).

Nhân văn lễ trưởng thành của người Jrai

Nhân văn lễ trưởng thành của người Jrai

(GLO)- Tôi thấy vô cùng hạnh phúc và đúng đắn khi quyết định gắn bó đời mình với mảnh đất Krông Pa (tỉnh Gia Lai). Không chỉ là nơi đầy nắng và gió mà Krông Pa còn có nhiều trầm tích văn hóa của người bản địa Jrai, được thể hiện rõ rệt nhất qua các lễ hội.

Một dòng huyền tích

Một dòng huyền tích

Mỗi lần đi qua cầu Đuống, tôi bất giác nhìn về phía hạ lưu, trong đầu ngân lên mấy câu thơ của Hoàng Cầm “Sông Đuống trôi đi một dòng lấp lánh, nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ”.

Theo dấu sử thi

Theo dấu sử thi

Tôi về xã Ea Tul (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) vào một dịp ngành văn hóa Đắk Lắk phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức lớp truyền dạy hát kể sử thi (khan) cho lớp trẻ.