Đất Bằng khởi sắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã Đất Bằng (huyện Krông Pa, Gia Lai) đã anh dũng, kiên cường đấu tranh để bảo vệ và che chở cho lực lượng cách mạng. Ngày nay, nối tiếp truyền thống anh hùng, người dân nơi đây đang ngày đêm chăm lo lao động, sản xuất để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Hệ thống giao thông ở xã Đất Bằng đã được bê tông hóa. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Hệ thống giao thông ở xã Đất Bằng đã được bê tông hóa. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh làng trên con đường bê tông vừa hoàn thành, già làng Kpă Djót (buôn Ama Leo) kể cho tôi nghe nhiều chuyện về sự đổi thay trên quê hương mình: “Làng mình có 120 hộ, trong đó hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số, hiện chỉ còn 20 hộ nghèo. Những năm trước, dân làng mình nghèo lắm, nhưng giờ đây nhờ các công trình thủy lợi nên bà con đã biết trồng lúa nước, chăn nuôi và trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao. Đời sống của bà con khá lên nhiều lắm”. Năm nay đã bước qua tuổi 70 nhưng già Djót vẫn rất minh mẫn. Ông kể cho chúng tôi nghe nhiều chuyện hay, từ chuyện người dân hiến đất làm đường đến chuyện con đường mới mở ra khu sản xuất mang lại nhiều lợi ích cho người dân như thế nào... Nhưng tôi ấn tượng nhất với câu nói của ông: “Người làng mình dù còn nghèo so với một số địa phương khác nhưng bà con tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, không bao giờ nghe theo kẻ xấu, không vi phạm pháp luật và luôn đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế”.

Xã Đất Bằng cách trung tâm huyện Krông Pa hơn 18 km. Trước kia, đó là một quãng đường tương đối xa; nhưng ngày nay, khoảng cách này đã được kéo gần lại vì con đường liên xã nối trung tâm huyện với trung tâm xã đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. “Xã có 9 buôn với 1.015 hộ, 98% dân số là dân tộc Jrai, thu nhập bình quân đầu người đạt 18 triệu đồng/năm. Hiện nay xã đã hoàn thành 10 tiêu chí xây dựng nông thôn mới”-ông Kpă Míp, Chủ tịch UBND xã, khái quát. Có thể nói, sự đổi thay trên mảnh đất anh hùng này khơi nguồn từ những công trình của ý Đảng, lòng dân. Một trong số đó là Thủy lợi Ia Mlah-công trình đã đưa dòng nước mát về tưới cho cánh đồng của 3 buôn trên địa bàn xã với tổng diện tích 170 ha. Để minh chứng cho hiệu quả của công trình này, Chủ tịch UBND xã Kpă Míp phân tích: “Trồng lúa nước người dân có thu nhập cao hơn 10 triệu đồng/ha so với trồng lúa rẫy. Cùng với đó, khi trồng lúa nước người dân đã biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đây là tiền đề để xã xây dựng các cánh đồng lúa lớn trong tương lai”.

Diện mạo nông thôn mới còn thể hiện qua các công trình dân sinh. Hiện nay, xã Đất Bằng có 6 khu sản xuất tập trung. Để giúp nhân dân thuận tiện trong việc thu hoạch nông sản, bằng các nguồn vốn khác nhau, xã đã làm mới 5 km đường bê tông ra tận khu sản xuất. Anh Kpă Nhieu (buôn Ma Hing) cho biết: “Trước đây, khi chưa có đường ra khu sản xuất, việc vận chuyển nông sản rất khó khăn, các thương lái cũng thừa cơ ép giá. Thế nhưng, giờ đây có con đường bê tông nên người làng mình có thể đưa các loại máy móc vào làm đất và thu hoạch, giá các loại nông sản cũng cao hơn 15% so với trước”.

Để minh chứng thêm cho sự phát triển nơi vùng đất anh hùng này, Bí thư Đảng ủy xã Kpă Lim chia sẻ: “Hiện nay công trình nước sạch cấp cho 5 buôn đã hoàn thành đường ống và kéo đồng hồ, tới đây người dân sẽ có nước sạch sử dụng mà không cần ra suối như trước đây. 100% buôn trong xã đều có đường nhựa và các máy móc phục vụ sản xuất, đi lại thuận tiện. Hiện xã có 10% hộ dân thu nhập trên 100 triệu đồng/năm”. Trong câu chuyện với chúng tôi, nhiều cán bộ xã Đất Bằng cho rằng, ngoài nguồn vốn đầu tư của cấp trên (hơn 10 tỷ đồng/năm) để xây dựng cơ sở hạ tầng, chính tinh thần đoàn kết của nhân dân trên địa bàn đã đẩy nhanh sự đổi thay ở nơi này. Điều đó thể hiện qua việc nhân dân tích cực hiến đất và góp tiền để xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2017 đến nay, người dân trong xã đã đóng góp gần 500 triệu đồng và hiến hơn 1 ha đất để xây dựng các công trình phúc lợi.

Những năm qua, hệ thống chính trị của xã cũng ngày càng được củng cố và kiện toàn. Hiện nay, Đảng bộ xã có 155 đảng viên sinh hoạt tại 14 chi bộ. Trong năm 2018, Đảng ủy đã kết nạp được 8 đảng viên; hiện 100% buôn không còn làng “trắng” đảng viên và tổ chức Đảng. Cùng với đó, các tổ chức đoàn thể trong xã hoạt động có hiệu quả, tập hợp tốt đoàn viên, hội viên, góp phần thúc đẩy các phong trào thi đua lao động sản xuất để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Chia tay Đất Bằng khi hoàng hôn dần buông xuống trên dòng Ia Mlah, đường về huyện không còn xa ngái như con đường chúng tôi đã đi cách đây 10 năm về trước. Lòng chợt ấm lên khi thấy mảnh đất anh hùng đang đổi thay từng ngày.

Vĩnh Hoàng

Có thể bạn quan tâm

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.
Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

(GLO)- Cách TP. Pleiku chừng 15 km, vườn nho Gia Lai (ở tổ dân phố 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) của anh Đặng Đại Dương đã bắt đầu cho thu hoạch những lứa quả đầu tiên và đón khách đến tham quan, trải nghiệm.