(GLO)- Sáng 4-6, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng-thiên tai đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác phòng-chống thiên tai năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021.
Ông Lê Văn Thành-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ,Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng-chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị còn có lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương. Tại điểm cầu Gia Lai, có sự tham dự của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên-Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan.
Quang cảnh cuộc họp tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Nguyễn Diệp |
Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng-chống thiên tai, trong năm 2020, thiên tai xảy ra dồn dập, khốc liệt và mang nhiều yếu tố dị thường vượt mức lịch sử tại nhiều vùng trong cả nước. Thiên tai đã làm 357 người chết và mất tích; 3.429 căn nhà bị sập; 333.084 căn nhà bị mái; 52 ngàn con gia súc và 4,1 triệu con gia cầm bị lũ cuốn trôi; 198 ngàn ha lúa nước và hoa màu bị thiệt hại… Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra hơn 39.962 tỷ đồng.
Tại Gia Lai, trong năm 2020, thiên tai gây thiệt hại hơn 667 tỷ đồng, làm 2 người chết, 1 người mất tích và 3 người bị thương; 1.895 căn nhà bị sập và tốc mái… Riêng 5 tháng đầu năm nay, thiên tai cũng đã làm 3 người chết do sét đánh, 4 người bị thương, hơn 443 ha cây trồng bị hạn; 41 căn nhà bị tốc mái… Ban Chỉ huy Phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cùng các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt trong phòng-chống thiên góp phần hạn chế thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra.
Mưa lũ năm 2020 đã gây thiệt hại nặng hệ thống giao thông nông thôn huyện Kông Chro. Ảnh: Nguyễn Diệp |
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh: Năm 2020, thiên tai diễn biến rất phức tạp, khó lường gây nhiều thiệt hại về người và tài sản. Các cấp, ngành và lực lượng từ trung ương đến địa phương đã chủ động các biện pháp ứng phó kịp thời góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Dù vậy, công tác phòng-chống thiên tai vẫn còn những hạn chế như: nguồn lực đầu tư phòng-chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn còn hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu trong điều kiện các loại hình thiên tai ngày càng khốc liệt, bất thường khó dự báo; sự lãnh đạo, chỉ đạo ở một số nơi còn lúng túng, chậm phản ứng, công tác khôi phục sản xuất sau thiên tai ở một số địa phương còn chậm...
Thời gian tới, các cấp, các ngành Trung ương và địa phương cần tập trung nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai chính xác, đầu tư trang-thiết bị cứu hộ cứu nạn hiện đại để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, nhất là trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay. Từng bước chuyển đổi nghề cho người dân sinh sống ở các khu vực thiên tai nguy hiểm. Theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến thời tiết, loại hình thiên tai để dự báo, cảnh báo sớm cho người dân chủ động phòng-chống một cách tốt nhất nhằm giảm thiệt hại về người và tài sản…
NGUYỄN DIỆP