Tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ ở Krông Pa: Hiểm họa khôn lường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dù pháp luật đã nghiêm cấm nhưng một số người dân ở huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) vẫn lén lút tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, có trường hợp dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Để ngăn chặn tình trạng này, Công an huyện đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân.

Những vụ việc thương tâm

Một ngày cuối năm 2022, ông Ksor Thuết (buôn Đoàn Kết, xã Chư Rcăm) khập khiễng ra thăm mộ con trai là anh Rơ Ô Nét (SN 1992) qua đời cách đây gần 1 năm vì nổ mìn. Đôi mắt mờ đục của người cha nhìn lên di ảnh con trai. Cái ngày Nét gặp nạn có lẽ sẽ ám ảnh tâm trí ông suốt cuộc đời. Ông Thuết buồn rầu nói: “Nó chết trẻ quá, chưa kịp có một mái ấm riêng. Có những đêm tôi tỉnh giấc, chỉ mong thấy được hình bóng con nhưng nó đã không còn nữa rồi”.      

Sự việc xảy ra vào ngày 5-2-2022 (mùng 5 Tết Nhâm Dần). Khoảng 12 giờ, anh Nét cùng 5 người khác uống rượu tại khu vực đập nước ở xã Chư Rcăm. Để đánh cá làm mồi nhậu, anh Nét đốt quả mìn tự chế nhưng chưa kịp ném xuống nước thì quả mìn phát nổ. Hậu quả, anh Nét tử vong trên đường đi cấp cứu; các anh Rơ Ô Cươi (SN 2000, em họ Nét) và Ksor Đan (SN 2000, ở cùng buôn) đứng gần cũng bị thương nặng. Theo điều tra của cơ quan Công an, trong khi đi rẫy, anh Nét nhặt được 1 quả đạn rồi lén cất giấu, cắt ra lấy thuốc nổ tự chế thành mìn để đánh cá.  

Nhắc lại chuyện buồn của gia đình, chị Rơ Ô H'Chơi kể: “Khi người ta đưa thi thể em Nét về nhà, tôi đau đớn, ám ảnh lắm. Đứa em họ đi cùng Nét hôm ấy cũng bị mù mắt. Từ sau chuyện đó, người làng không dám dùng thuốc nổ đánh bắt cá nữa”.

 Ông Hiao Tin (thứ 2 từ phải sang, buôn Du, xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa) cùng lực lượng Công an xã vận động người dân tự nguyện giao nộp súng tự chế. Ảnh: Thúy Trinh
Ông Hiao Tin (thứ 2 từ phải sang, buôn Du, xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa) cùng lực lượng Công an xã vận động người dân tự nguyện giao nộp súng tự chế. Ảnh: Thúy Trinh



Ngày 9-10-2022, một vụ việc thương tâm khác xảy ra tại xã Ia Mlah. Vào khoảng 6 giờ, Ksor Nô (SN 1963, trú tại buôn Thim, xã Phú Cần, huyện Krông Pa) đang ngồi trong chòi rẫy thì nghe tiếng gà rừng gáy liền lấy 1 khẩu súng kíp tự chế nạp đạn sẵn đi về hướng phát ra tiếng động. Đến cách vị trí này khoảng 200 m, Nô thấy vật màu đen động đậy trong bụi cây, nghĩ là gà rừng nên dùng súng bắn. Chạy đến kiểm tra, phát hiện đã bắn vào đầu anh T.A.H. (SN 1994, trú cùng xã) đang đặt bẫy gà rừng, Nô vội sơ cứu, gọi người đưa nạn nhân đến bệnh viện. Tuy nhiên, do vết thương quá nặng, anh H. đã tử vong. Cơ quan Công an đang tạm giữ Ksor Nô để điều tra về hành vi vô ý làm chết người.

Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân

Để ngăn chặn hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, Công an huyện Krông Pa đã chủ động tham mưu Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể cùng vào cuộc, huy động sức mạnh của hệ thống chính trị và sự ủng hộ, giúp đỡ của người dân trong công tác thu hồi, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ.

Ông Hiao Tin-người có uy tín buôn Du (xã Chư Rcăm) chia sẻ: “Lúc trước, nhiều người mang theo súng tự chế khi đi nương rẫy để săn bắt chim, sóc. Có trường hợp còn sử dụng bom, mìn đánh bắt cá dẫn đến vụ việc đau lòng. Vì vậy, tôi cùng lực lượng Công an xã tuyên truyền, giải thích cho bà con hiểu về hiểm họa của việc tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, bom mìn tự chế. Hiện tại, tình trạng người dân tàng trữ súng, vũ khí tự chế, bom mìn đã giảm rất nhiều”.

Tự nguyện đến giao nộp khẩu súng hơi cồn cho Công an xã Chư Rcăm, anh Ksor Gát (buôn Du) cho biết: “Súng này tôi được người khác cho, dùng săn bắn khi rảnh rỗi. Nghe kể về những vụ tai nạn chết người liên quan đến súng tự chế, tôi cũng sợ nhưng còn e ngại, chưa dám giao nộp. Được chú Tin đến nhà động viên, tôi đã hiểu và chấp hành”.

Năm 2022, Công an huyện phối hợp tổ chức nhiều buổi tuyên truyền pháp luật tại cơ sở, thu hút trên 1.000 lượt người tham dự; phát trên 4.000 tờ rơi tuyên truyền tại thôn, buôn, tổ dân phố, trường học về hiểm họa của việc tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ; các chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm. Các nội dung trên còn được tuyên truyền trên các trang fanpage của Công an huyện, Công an cấp xã, hệ thống loa truyền thanh ở các buôn làng… Trong năm, Công an huyện đã thu giữ 112 vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Đại úy Lê Xuân Vui-Đội trưởng Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an huyện) cho biết: “Trên địa bàn huyện vẫn còn sót lại số ít bom, mìn từ thời chiến tranh, có khi bà con đi làm nương rẫy vô tình nhặt được. Đa số người dân đều trình báo, giao nộp cho chính quyền nhưng cũng có trường hợp cất giấu, tháo quả nổ rồi tự chế thành mìn để đánh cá. Bên cạnh đó, một số thanh-thiếu niên vì tò mò lên mạng tìm hiểu rồi tự tạo súng tự chế, lén lút sử dụng để săn bắn. Bên cạnh công tác tuyên truyền, đối với những trường hợp chế tạo, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, lực lượng Công an có các biện pháp thuyết phục, răn đe, giáo dục kiểm điểm để họ không tái phạm”.

 

 LÊ ÁNH - THÚY TRINH

Có thể bạn quan tâm