Tàng trữ, sử dụng súng tự chế: Hiểm họa khôn lường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Một số người dân ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) vẫn giữ thói quen tàng trữ, sử dụng súng tự chế để săn bắn. Đây là hành vi vi phạm pháp luật và tiềm ẩn hậu quả khôn lường.

Để ngăn chặn tình trạng này, lực lượng Công an huyện đã nỗ lực phối hợp tuyên truyền, vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ.

Bắn người bị thương vì tưởng thú rừng

Anh Đào Văn Sinh (SN 1988, trú tại làng Mông, xã Ya Hội, huyện Đak Pơ) hiện đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP. Hồ Chí Minh. Nguyên nhân là do trong đầu anh có 1 viên đạn bi ở vị trí hiểm, nếu phẫu thuật, nguy cơ tử vong rất cao.

Trước đó, vào lúc 9 giờ ngày 15-12-2023, anh Sinh cùng Đào Văn Chinh (SN 1993) và Ninh Văn Thiên (SN 1996, cùng trú tại làng Mông) vào rừng tìm lan kim tuyến. Khi đi, Chinh lấy 1 súng tự chế giấu ở ven đường đem theo để săn thú. Đến khoảnh 5, tiểu khu 782 do Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Kông Hde quản lý (thuộc xã Sró, huyện Kông Chro), cả 3 chia nhau đi tìm lan.

Chập choạng tối, thấy có bóng đen cử động trong bụi cây, tưởng thú rừng, Chinh bắn 1 phát súng thì nghe tiếng kêu la thảm thiết. Biết đã gây họa lớn, Chinh gọi cho Thiên khẩn trương đưa anh Sinh đi cấp cứu.

Hiện trường vụ dùng súng tự chế bắn nhầm người. Ảnh: T.T

Hiện trường vụ dùng súng tự chế bắn nhầm người. Ảnh: T.T

Trung tá Đào Văn Thế-Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp (Công an huyện Kông Chro) kể: “Ngay sau khi vụ việc xảy ra, chúng tôi phối hợp khám nghiệm hiện trường. Nơi xảy ra vụ vô ý gây thương tích nằm sâu trong rừng nguyên sinh, địa hình rất hiểm trở. Mất gần 5 giờ đi bộ, chúng tôi mới tiếp cận, thu thập dấu vết để điều tra vụ án.

Kết quả ban đầu cho thấy: Khoảng cách Chinh nổ súng vào nạn nhân là 30 m. Loại súng trong vụ việc này là súng kíp tự chế bắn đạn bi sắt. Dù là súng tự chế nhưng có tầm sát thương rất cao.

Anh Sinh bị thương nặng do nhiều viên đạn bắn vào người, trong đó có 1 viên bắn vào đầu. Chúng tôi đang chờ kết luận giám định để khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Đào Văn Chinh về hành vi vô ý gây thương tích”.

Tích cực vận động người dân giao nộp súng tự chế

Việc sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng súng tự chế là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội theo Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31-12-2021 của Chính phủ, mức phạt từ 5 đến 10 triệu đồng. Các loại súng tự chế phổ biến trên địa bàn tỉnh hiện nay gồm súng bắn bằng hơi ga, hơi cồn, súng bắn đạn chì, đạn bi.

Hiện nay, bà con sinh sống ở vùng sâu, vùng xa tại huyện Kông Chro vẫn chưa từ bỏ thói quen sử dụng súng tự chế để săn bắn. Để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, có người cố ý cất giấu vũ khí ngoài nương rẫy, trong rừng. Điều này gây khó khăn trong việc rà soát đối tượng, vận động thu hồi của cơ quan Công an.

Người dân tự giác giao nộp súng tự chế tại Công an xã An Trung, huyện Kông Chro. Ảnh: Văn Huấn

Người dân tự giác giao nộp súng tự chế tại Công an xã An Trung, huyện Kông Chro. Ảnh: Văn Huấn

Để ngăn ngừa hiểm họa từ việc tàng trữ, sử dụng súng tự chế gây ra, thời gian qua, Công an huyện Kông Chro đã tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong việc vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Công an huyện phối hợp với lực lượng chức năng, cán bộ xã và già làng, trưởng thôn tuyên truyền, giúp người dân hiểu rõ tác hại của việc sử dụng súng tự chế, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ, từ đó tự giác chấp hành quy định của pháp luật, tự nguyện giao nộp.

Đem súng tự chế đến giao nộp cho Công an xã, anh Đinh Văn Kloc (làng Brò, xã An Trung) cho biết: “Được cán bộ Công an huyện tuyên truyền, tôi nhận thức rõ việc sử dụng súng tự chế là trái pháp luật và có thể gây nguy hiểm cho người khác. Vì thế, tôi tự nguyện giao nộp súng cho cơ quan chức năng”.

Từ ngày 30-8-2023 đến 28-2-2024, Công an huyện vận động thu hồi 199 khẩu súng các loại. Hiện Công an huyện đang huy động lực lượng, phương tiện tăng cường công tác tuyên truyền, tuần tra nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm về pháo, vũ khí, vật liệu nổ, nhất là xóa bỏ tình trạng chế tạo, sử dụng súng tự chế trái phép, góp phần giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.

Có thể bạn quan tâm

Tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm về vũ khí, vật liệu nổ dịp Tết Nguyên đán 2025

Tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm về vũ khí, vật liệu nổ dịp Tết Nguyên đán 2025

(GLO)- Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Rah Lan Chung vừa ký ban hành Công văn số 101/UBND-NC về việc tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí (VK), vật liệu nổ (VLN), công cụ hỗ trợ (CCHT) và pháo đảm bảo an ninh trật tự trong Tết Nguyên đán 2025.

Bác sĩ Nguyễn Quang Khôi (Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nhi tỉnh) thăm hỏi một trường hợp bị thương do tai nạn pháo nổ. Ảnh: N.N

Cảnh báo tai nạn do pháo nổ

(GLO)- Hơn 1 tháng trở lại đây, Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai tiếp nhận nhiều trường hợp cấp cứu do tai nạn pháo nổ, trong đó có bệnh nhân được đưa đến cấp cứu trong tình trạng đa chấn thương. Hầu hết các trường hợp bị thương tích là do tự chế pháo và đốt pháo.