Tăng huyết áp: “Kẻ giết người thầm lặng”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tăng huyết áp là nguy cơ hàng đầu gây ra biến cố và tử vong do các bệnh tim mạch. Tại Gia Lai, số người mắc bệnh tăng huyết áp qua sàng lọc cộng đồng hàng năm chiếm khoảng 18%/tổng số đối tượng được sàng lọc. Tuy nhiên, số bệnh nhân tiềm ẩn trong cộng đồng còn nhiều, phần lớn do ý thức chủ quan của người dân trong tầm soát bệnh dẫn đến nhiều trường hợp khi phát bệnh đã biến chứng, nguy hiểm đến sức khỏe.

Bác sĩ chuyên khoa I Trần Minh Nghĩa-Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) thông tin: Mỗi ngày, Khoa khám cho khoảng 1.000 lượt bệnh nhân, trong đó có khoảng 30% bệnh nhân liên quan đến đái tháo đường và tăng huyết áp.

“Tăng huyết áp là nguyên nhân chủ yếu gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim và các bệnh tim mạch. Đặc biệt, do chủ quan không tầm soát, kiểm tra định kỳ nên nhiều người mắc bệnh tăng huyết áp trong cộng đồng chưa được phát hiện và điều trị; khi phát hiện thì bệnh đã biến chứng gây nguy hiểm đến sức khỏe”-bác sĩ Nghĩa nói.

Nhân viên Phòng tư vấn tăng huyết áp và đái tháo đường (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) tư vấn cho người bệnh. Ảnh: N.N

Nhân viên Phòng tư vấn tăng huyết áp và đái tháo đường (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) tư vấn cho người bệnh. Ảnh: N.N

Chị Nguyễn Thị Kim Phương (thôn 5, xã An Phú, TP. Pleiku) chia sẻ: “Tôi không nghĩ là mình bị tăng huyết áp. Khi chở mẹ đến bệnh viện, tôi đo thử huyết áp thì thấy ở mức 145/90 mmHg. Bác sĩ tư vấn tôi nên uống thuốc điều trị. Trước đó, tôi không thấy triệu chứng gì bất thường, chỉ thỉnh thoảng mặt nóng bừng, hồi hộp nên cũng không chú ý lắm”.

Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã mở Phòng tư vấn tăng huyết áp và đái tháo đường tại Khoa Khám bệnh do Công ty Servier Việt Nam tài trợ. Mỗi ngày, Phòng tư vấn cho khoảng 30 bệnh nhân tăng huyết áp. Điều dưỡng viên Vũ Thị Kim Chung-nhân viên Phòng tư vấn-cho biết: Nhiều bệnh nhân tăng huyết áp còn rất trẻ, có người chỉ ngoài 20 tuổi. Qua tư vấn, chúng tôi giải thích rõ và hướng dẫn người bệnh tuân thủ điều trị, uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ và đặc biệt là không được bỏ thuốc. Bên cạnh đó, chúng tôi hướng dẫn bệnh nhân thực hiện chế độ ăn uống phù hợp, xây dựng lối sống lành mạnh.

Tăng huyết áp không chỉ là bệnh phổ biến ở người lớn tuổi mà hiện có chiều hướng gia tăng ở người trẻ. Nhiều người trẻ mắc bệnh nhưng không phát hiện điều trị kịp thời, có trường hợp nhồi máu cơ tim, nguy hiểm đến tính mạng. Theo bác sĩ chuyên khoa I Hà Quang Luân-Phó Trưởng khoa Tim mạch (Bệnh viện Đa khoa tỉnh): Tăng huyết áp là căn bệnh giết người thầm lặng. Nhiều người phát hiện bệnh đã ở giai đoạn muộn, có trường hợp nhồi máu cơ tim nguy kịch. Khoa đã từng cấp cứu một số bệnh nhân nhồi máu cơ tim ở độ tuổi dưới 40. Triệu chứng tăng huyết áp thường ít khi biểu hiện rõ ràng nhưng biến chứng gây ra rất nặng nề.

“Mọi người cần kiểm tra huyết áp ít nhất 2 lần/năm để kịp thời phát hiện và điều trị. Khi có các triệu chứng như: nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, mất ngủ nhẹ, đau nhói vùng tim, suy giảm thị lực, thở gấp, mặt đỏ bừng… thì cần đến cơ sở y tế để được thăm khám”-bác sĩ Luân khuyến cáo.

Tăng huyết áp là nguy cơ hàng đầu gây ra biến cố và tử vong do các bệnh tim mạch. Ảnh: Như Nguyện

Tăng huyết áp là nguy cơ hàng đầu gây ra biến cố và tử vong do các bệnh tim mạch. Ảnh: Như Nguyện

Tầm soát, quản lý và điều trị bệnh tăng huyết áp ngay từ cơ sở là một trong những giải pháp hiệu quả góp phần phát hiện và điều trị kịp thời bệnh nhân tăng huyết áp, đồng thời giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Bác sĩ Lê Đình Trâm-Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Phòng-chống bệnh không lây nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho hay: 110/220 xã, phường, thị trấn trong tỉnh thường xuyên khám, điều trị, quản lý bệnh nhân tăng huyết áp. Ngoài ra, tỉnh đang triển khai mô hình lồng ghép tiêm chủng mở rộng và quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm tại 32 xã thuộc 5 huyện: Chư Pưh, Chư Prông, Mang Yang, Ia Pa và Đức Cơ. Thời gian thực hiện mô hình trong 2 năm (2023-2024).

Mô hình lồng ghép tiêm chủng mở rộng và quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm tại Gia Lai do WHO hỗ trợ, Bộ Y tế quản lý, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên thực hiện và Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp thực hiện. Tỉnh Đak Lak cũng được chọn triển khai mô hình này. Mục tiêu chung của mô hình nhằm nâng cao tỷ lệ tiêm chủng và phát hiện, quản lý, điều trị tăng huyết áp và đái tháo đường nhằm hạn chế tàn tật tử vong sớm, góp phần chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Theo đó, trong các đợt tiêm chủng mở rộng, tận dụng thời điểm cha mẹ, ông bà đưa trẻ đi tiêm chủng, cán bộ tại trạm y tế kết hợp sàng lọc bệnh không lây nhiễm (trong đó có tăng huyết áp), qua đó kịp thời phát hiện sớm và điều trị hiệu quả bệnh ngay từ cơ sở.

Có thể bạn quan tâm

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun ngày 10/1 cho biết, quy mô lây lan các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp ở Trung Quốc năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, và metapneumovirus ở người (HMPV) đã lưu hành hơn 60 năm, không phải chủng vi-rút mới.

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) gây ra biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản, cơn hen suyễn hoặc bùng phát bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), suy hô hấp, viêm tiểu phế quản nặng đặc biệt là trẻ em.