Thời gian qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra, xử lý thi hành kỷ luật và đề nghị thi hành kỷ luật nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm, trong đó có cả những cán bộ cấp cao.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu tại buổi làm việc với Tổng cục Thuế. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN) |
Nhân dịp này, phóng viên báo chí đã phỏng vấn Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn về vai trò của Mặt trận, nhất là việc vận động quần chúng nhân dân trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng.
- Thưa đồng chí, thời gian qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra, xử lý thi hành kỷ luật và đề nghị thi hành kỷ luật nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm, trong đó có cả những cán bộ cấp cao. Đồng chí đánh giá như thế nào về vai trò của ngành Kiểm tra trong thời gian qua về xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên vi phạm, trong đó có công tác phòng, chống tham nhũng và sự suy thoái của một bộ phận đảng viên hiện nay?
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn: Thời gian qua, vai trò, sự vào cuộc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương là rất rõ nét, quyết liệt, trách nhiệm trong công tác kiểm tra, xử lý thi hành kỷ luật và đề nghị thi hành kỷ luật nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm; trong đó có cả những cán bộ giữ cương vị cao của Đảng, Nhà nước, đương chức và nghỉ hưu.
Tôi đánh giá cao việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chú trọng đổi mới phương pháp, sâu sát với nhiệm vụ, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị chức năng trong phòng, chống tham nhũng, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước, được đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Nổi bật, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã làm tốt vai trò tham mưu, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII; kiểm tra, giám sát đúng đối tượng, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những lĩnh vực quan trọng, nhạy cảm, có nguy cơ tham nhũng cao.
Đồng thời, Ủy ban Kiểm tra Trung ương tham gia tích cực vào việc đề xuất xây dựng, ban hành nhiều quy định, quy chế trong công tác xây dựng Đảng, nhất là các nghị quyết Trung ương 4, 5, 6 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần phòng ngừa, tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát quyền lực nhà nước; thực hiện chức năng, nhiệm vụ và hướng dẫn hệ thống cơ quan Ủy ban kiểm tra các cấp thực hiện nhiệm vụ.
- Thưa đồng chí, trong thời gian tới Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần làm gì để góp phần tích cực hơn nữa đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là sự vào cuộc của quần chúng nhân dân trong công tác phòng chống tham nhũng?
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn: Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả hơn các nội dung cơ bản sau, thực hiện hiệu quả chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII; thành lập Ban tham mưu chỉ đạo, thực hiện Chương trình; ban hành Quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, tố cáo về tham nhũng, lãng phí, về suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên.
Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tổ chức Giải báo chí toàn quốc "Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí"; tiếp tục chủ trì tổ chức giám sát các lĩnh vực đã thống nhất với Chính phủ giai đoạn 2016-2020, ưu tiên hướng dẫn, triển khai đồng bộ đến cơ sở giám sát các lĩnh vực, vấn đề đông đảo nhân dân quan tâm, bức xúc; tăng cường các chương trình giám sát thường xuyên, giám sát trực tiếp, đôn đốc các cơ quan chức năng giải quyết, trả lời các kiến nghị sau giám sát; nâng cao chất lượng, hiệu quả phản biện xã hội các dự thảo Luật, chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh ở các cấp theo Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị (khóa XI) về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng tiếp tục nâng cao chất lượng việc tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân phản ánh tại các kỳ họp Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; theo dõi, giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị chính đáng của nhân dân; thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; cải cách hành chính, nhất là trách nhiệm công khai, minh bạch của chính quyền các cấp; phối hợp giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng và hoạt động hòa giải ở cơ sở; coi trọng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu, phổ biến những mô hình mới, cách làm hay, những gương điển hình, tiêu biểu trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Từ những kinh nghiệm, kết quả đạt được trong thời gian qua, nhất là từ sau Đại hội XII của Đảng đến nay, chúng ta có cơ sở để tin rằng, công tác phòng, chống tham nhũng thời gian tới sẽ tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực, rõ rệt hơn nữa, góp phần xây dựng Đảng ta, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và niềm mong đợi của nhân dân.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí
Phúc Hằng (TTXVN/Vietnam+)