Tầm ngư trên dòng Hội Phú

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Không khó để bắt gặp những người câu cá tại khu vực bờ kè suối Hội Phú (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai). Họ có thể ngồi chênh vênh dưới chân cầu hay chọn ngồi dưới bậc thềm gần bờ suối lặng lẽ buông cần câu hàng giờ liền, tạm gác lại những ồn ào náo nhiệt của nhịp sống đô thị.

Khu vực bờ kè suối Hội Phú từ đường Sư Vạn Hạnh nối dài-đoạn chùa Minh Thành cho đến đường Nguyễn Lương Bằng có tổng chiều dài khoảng 2 km. Khu vực này không chỉ thu hút đông đảo người dân tập luyện thể dục thể thao mà còn là nơi có nhiều dư địa phát triển mảng kinh tế thương mại dịch vụ. Ở một lát cắt khác, khu vực suối Hội Phú đang là điểm câu cá thu hút nhiều cần thủ.

Một cần thủ câu cá tại khu vực bờ kè suối Hội Phú, TP. Pleiku. Ảnh: S.C

Một cần thủ câu cá tại khu vực bờ kè suối Hội Phú, TP. Pleiku. Ảnh: S.C

Hơn 7 giờ sáng, ông Nguyễn Trần Lê (tổ 6, phường Hội Thương) đã mang cần câu đến khu vực quen thuộc trên bờ kè suối Hội Phú. Một mình một cần trong yên lặng, ông thong thả mắc mồi câu và kiên nhẫn chờ đợi. Ông Lê cho hay: “Tôi là tài xế chạy xe tải nhỏ chuyên chở hàng hóa nên thường đi câu lúc sáng sớm khi chưa có khách gọi. Mỗi buổi đi câu tầm 1-2 tiếng đồng hồ. Hôm nay câu được gần 2 kg cá rô đủ cỡ. Có hôm thì về tay không. Với tôi, câu cá là thú vui tao nhã và không bị ảnh hưởng đến công việc cũng như gia đình”.

Cũng có niềm đam mê câu cá, ông Đoàn Thanh Tịnh (tổ 7, phường Thống Nhất) thường đi câu vào dịp cuối tuần. Thay vì chọn vị trí ngồi câu ở khu vực nước chảy mạnh như nhiều người khác, ông Tịnh quyết định thả bộ cần máy, cần tay ở một góc ven mặt nước yên tĩnh. Nói về lựa chọn của mình, ông Tịnh cho biết: “Đối với cần thủ, đi câu cá không chỉ để bắt cá mà còn để học tính kiên nhẫn, học cách vượt qua những khó khăn áp lực cuộc sống. Đây cũng là lý do tôi dành ra vài tiếng đồng hồ để đi câu một mình vào cuối tuần. Khu vực này đa phần là cá nhỏ, thỉnh thoảng cũng có cá lớn nhưng không nhiều. Lần trước, tôi câu được 1 con cá trê tầm 1,5 kg, đã kéo vào sát bờ nhưng bị hụt mất. Điều này thôi thúc tôi quay trở lại để tiếp tục câu, tìm lại con mồi”.

Trên dòng suối Hội Phú, tùy theo mùa nắng hay mưa, tùy theo dòng nước mà lượng cá tập trung ít hay nhiều. Theo kinh nghiệm của các cần thủ, vào mùa mưa, cá từ các ruộng lúa và từ hồ Diên Hồng thường đổ về suối Hội Phú. Nhiều nhất là cá rô, thỉnh thoảng còn có cá trê, cá lóc, cá chép hoặc cá koi do người dân phóng sinh. Do vậy, những khi mưa nhiều nước lớn, nhiều cần thủ tập trung thả câu ngay khu vực cầu Hội Phú hoặc khu vực cửa xả trên bờ kè để câu được nhiều cá hơn.

Khu vực bờ kè suối Hội Phú là điểm câu cá thú vị ngay trong lòng TP. Pleiku. Ảnh: S.C

Khu vực bờ kè suối Hội Phú là điểm câu cá thú vị ngay trong lòng TP. Pleiku. Ảnh: S.C

Còn với vợ chồng chị Ksor H'Hinh (xã Chư Á) thì tranh thủ dòng nước dâng cao trong những ngày mùa mưa, anh chị đến thả lưới bắt cá. Vừa ôm con ngồi trên bờ, chị H'Hinh vừa dõi mắt nhìn theo chồng đang ngâm mình dưới dòng nước. Chị chia sẻ: “Nhà mình có 3 đứa con, đứa nhỏ nhất 7 tháng tuổi nên vợ chồng phải địu con theo lúc đi làm. Những lúc nông nhàn, không có ai thuê mướn thì vợ chồng đi bắt cá, bắt ốc ở ruộng lúa hoặc đi thả lưới ở suối Hội Phú. Có hôm thả lưới được 2-3 kg cá rô, có hôm thì bắt được ốc, bán kiếm tiền mua thức ăn”.

Đều đặn mỗi ngày, dù nắng hay mưa, trên dòng suối Hội Phú không khó để bắt gặp những người câu cá. Có người câu cá để thư giãn. Có người thả lưới giăng câu để kiếm thêm thu nhập dù ít ỏi. Anh Hồ Văn Tân (tổ 10, phường Trà Bá) cho hay: “Khu vực suối Hội Phú là nơi mọi người đến câu cá nhỏ và câu để giải trí. Khi câu được cá, một số cần thủ hay chia sẻ cho người cùng câu hoặc cho bà con các làng quanh thành phố”.

Cùng với sự phát triển không ngừng của đô thị Pleiku, dòng suối Hội Phú là địa điểm đến cần được bảo vệ, giữ gìn. Và, nói như ông Lương Văn Bình (tổ 1, phường Phù Đổng) thì: “Chúng tôi rất mong chính quyền, các cơ quan chức năng quan tâm sớm hoàn thiện ta luy hai bên đường bờ kè suối Hội Phú. Đồng thời, đầu tư thêm cây xanh để tạo cảnh quan thiên nhiên, tập trung xử lý rác thải, khơi thông dòng suối và có biện pháp thiết thực nhằm bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái trên dòng suối Hội Phú”.

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

(GLO)- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành Quyết định số 61/2004/QĐ-UBND quy định mức tỷ lệ phần trăm (%) để tính đơn giá thuê đất, mức đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, mức đơn giá thuê đất đối với đất có mặt nước trên địa bàn tỉnh.

Những mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân Ia Rtô

Những mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân Ia Rtô

(GLO)- Hưởng ứng cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, xã Ia Rtô (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã triển khai một số mô hình hay nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức, tự lực vươn lên phát triển kinh tế.

Ia Ka đa dạng giải pháp hỗ trợ giảm nghèo

Ia Ka đa dạng giải pháp hỗ trợ giảm nghèo

(GLO)- Những năm qua, xã Ia Ka (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo.

Kông Chro mùa gió

Kông Chro mùa gió

(GLO)- Những dãy núi cứ thế hiện ra huyền ảo trong sương sớm. Mặt trời mùa gió thắm nhẹ vén màn mưa để trải ánh vàng xuống miền đất của người Bahnar phía rừng già. Và tôi đã có những ngày mê đắm nơi vùng đất Kông Chro.

Các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã có thể gửi ý kiến về các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất thông qua hệ thống Google form. Ảnh: Hà Duy

Gia Lai: Tiếp nhận kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp qua Google form

(GLO)- Sở Kế hoạch và Đầu tư vừa có Công văn số 3260/SKHĐT-DN đề nghị các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã và các Hội nghề nghiệp triển khai tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của các nhà đầu tư, doanh nghiệp qua hệ thống Google form.

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

(GLO)- Sáng 6-11, tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học di tích lịch sử “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947, xã Kông Bơ La, huyện Kbang” nhằm hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền đề nghị xếp hạng di tích quốc gia.