Sự xấu xí nhân danh tình yêu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- AFF Suzuki Cup 2018 đang diễn ra một lần nữa cho thấy tình yêu bóng đá hiếm có của người Việt Nam. Chứng kiến hình ảnh “cầu thủ số 12” của đội tuyển Việt Nam phủ đỏ các khán đài Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình hay Sân vận động Quốc gia Lào những ngày vừa qua, không ít đội bóng trong khu vực phải ước ao, ghen tị. Và thành tích 2 thắng, 1 hòa sau 3 lượt trận ở vòng bảng AFF Suzuki Cup năm nay của đội tuyển Việt Nam rõ ràng có phần đóng góp không nhỏ từ sự cổ vũ cuồng nhiệt của người hâm mộ bóng đá nước nhà.
Nhưng bên cạnh những cổ động viên chân chính đến sân với mong muốn tiếp thêm sức mạnh cho đội tuyển thì vẫn còn một số người nhân danh tình yêu để làm những điều gây phương hại đến bóng đá nước nhà. Cụ thể, đó là hành vi đốt pháo sáng trên khán đài. Cuối năm 2017 và tháng 10-2018,  Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã bị Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) 2 lần xử phạt với tổng số tiền 22.500 USD do cổ động viên Việt Nam đốt pháo sáng trên khán đài trong các trận đấu ở vòng loại Asian Cup 2019 và ASIAD 2018. Đi kèm với phạt tiền, AFC cũng cảnh cáo VFF nếu để cổ động viên Việt Nam tái phạm ở các trận đấu quốc tế sẽ bị phạt nặng hơn và đội tuyển quốc gia có thể phải thi đấu trên sân trung lập hoặc sân không có khán giả.
CĐV VN đốt pháo sáng trên SVĐ Mỹ Đình tối 16-11- Ảnh: Nguyên Khôi/TTO
CĐV VN đốt pháo sáng trên SVĐ Mỹ Đình tối 16-11 (Ảnh: Nguyên Khôi/TTO)
Để tránh phải đối mặt với án phạt này, trong trận đội tuyển Việt Nam tiếp đội tuyển Malaysia trên sân Mỹ Đình ngày 16-11 vừa qua, VFF đã tăng cường các biện pháp an ninh, kiểm soát gắt gao các khán giả vào sân. Vậy nhưng, khi trận đấu diễn ra, không hiểu từ đâu và bằng cách nào, vẫn có những quả pháo sáng được các cổ động viên Việt Nam đốt lên trên khán đài. Dù cho đến thời điểm này, chưa có án phạt nào được đưa ra nhưng chắc chắn là VFF sẽ khó tránh phải việc bị phạt tiền trong thời gian tới. Điều lo ngại hơn là đội tuyển Việt Nam có thể bị phạt phải thi đấu trên sân trung lập hoặc sân không có khán giả ngay trong những trận đấu tới tại AFF Suzuki Cup 2018.
Không chỉ đẩy VFF và đội tuyển Việt Nam vào thế khó khăn trong chặng đường sắp tới do việc đốt pháo sáng trên khán đài, nhiều cổ động viên quá khích còn đang làm xấu xí hình ảnh người hâm mộ bóng đá Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế thông qua việc tấn công cá nhân trợ lý trọng tài người Thái Lan, ông Lepkhpha Phubes, sau trận đấu với đội tuyển Myanmar ngày 20-11. Nguyên nhân là do số cổ động viên này cho rằng, ông Lepkhpha Phubes đã sai lầm khi bắt lỗi việt vị với tiền đạo Văn Toàn ở phút thứ 77, đồng nghĩa với việc “cướp mất” 1 bàn thắng của đội tuyển Việt Nam. Là người hâm mộ bóng đá, hẳn ai cũng bức xúc nếu đội nhà gặp bất lợi do các quyết định sai lầm của trọng tài. Nhưng ở tình huống này, với một góc quay không rõ ràng của truyền hình nước chủ nhà, ngay trong giới trọng tài Việt Nam cũng không thống nhất được rằng Văn Toàn có việt vị hay không thì việc vị trợ lý trọng tài người Thái Lan nếu có mắc sai lầm cũng cần được cảm thông. Hơn nữa, nếu theo dõi bóng đá thường xuyên, ai cũng biết rằng, sai lầm của trọng tài là điều không hiếm, kể cả ở các giải đấu lớn như Euro hay World Cup. Thế nhưng, nhiều cổ động viên Việt Nam thì không hiểu hay cố tình không hiểu điều này. Họ cố tình tấn công Facebook cá nhân của trợ lý trọng tài Lepkhpha Phubes khiến ông này phải đổi ảnh đại diện, đổi tên từ tiếng La-tinh sang tiếng Thái để tránh phiền toái. Chưa hả giận, nhiều cổ động viên Việt Nam còn tung ra những bình luận thô tục trên các diễn đàn bóng đá của khu vực. Đọc những bình luận của cổ động viên Việt Nam, một tài khoản Facebook tên  Aung Gyi đã phải thốt lên: “Bạn có thể thấy fan Việt Nam thô lỗ đến mức nào”. Và người này không ngần ngại gọi các cổ động viên Việt Nam là “lực lượng fan khiếm nhã nhất Đông Nam Á”. Thật đau đớn!
AFF Suzuki Cup 2018 vẫn đang diễn ra và thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo đều rất nỗ lực để giành chức vô địch nhằm thỏa mãn niềm trông đợi 10 năm của người hâm mộ bóng đá Việt Nam. Để đạt mục tiêu đó, đội tuyển Việt Nam rất cần có những “cầu thủ thứ 12” ở bên cạnh tiếp thêm sức mạnh chứ không cần những kẻ nhân danh tình yêu bóng đá đốt pháo sáng trên khán đài hay buông lời thóa mạ trên mạng xã hội. Những người này không phải hoặc không xứng đáng là cổ động viên bóng đá Việt Nam. Phải gọi họ là những kẻ phá bĩnh sự phát triển của bóng đá Việt Nam, những kẻ ném bùn vào hình ảnh đẹp mà đông đảo cổ động viên chân chính đang nỗ lực xây dựng.
Lê Hà

Có thể bạn quan tâm

Hàng năm, các giải thể dục-thể thao được địa phương tổ chức. Ảnh: K.P

Ia Nhin đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao quần chúng

(GLO)- Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Ia Nhin (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) đã quan tâm, đẩy mạnh các hoạt động thể dục thể thao, góp phần nâng cao đời sống, sức khỏe, tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư.

U80 vẫn đam mê chạy bộ

U80 vẫn đam mê chạy bộ

(GLO)- Dù tuổi cao nhưng vợ chồng ông Lê Đình Quốc (SN 1950, tổ 7, phường Thống Nhất, TP. Pleiku) và bà Lê Thị Thu (SN 1952) vẫn tham gia đều đặn các giải chạy bộ trong và ngoài tỉnh. Sức khỏe và nghị lực của cặp runner U80 này khiến nhiều người thán phục.

“Chinh phục đỉnh Pờ Yầu”: Hứa hẹn những màn tranh tài hấp dẫn

“Chinh phục đỉnh Pờ Yầu”: Hứa hẹn những màn tranh tài hấp dẫn

(GLO)- Sau 2 lần tổ chức, Giải Việt dã “Chinh phục đỉnh Pờ Yầu” đã tạo nên thương hiệu trong làng việt dã. Cuối tuần này, 550 vận động viên (VĐV) sẽ tiếp tục chinh phục cung đường lên đỉnh Pờ Yầu (làng Pờ Yầu, xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai). Giải chạy hứa hẹn những màn tranh tài hấp dẫn.

Sức sống từ thể thao đô thị

Sức sống từ thể thao đô thị

Giải Pickleball vô địch quốc gia lần thứ nhất sắp khởi tranh có đến hơn 60 câu lạc bộ (CLB) trên toàn quốc tham gia. Qua đó cho thấy tốc độ phát triển như của môn thể thao này dù mới “gia nhập” vào Việt Nam trong khoảng 5 năm gần đây.

Krông Pa “ươm mầm” tài năng bóng chuyền

Krông Pa “ươm mầm” tài năng bóng chuyền

(GLO)- Từng là “cái nôi” của bóng chuyền dân tộc thiểu số nhưng sau đó, Krông Pa rơi vào khoảng trống về tài năng. Hiện nay, những người đam mê môn thể thao này vẫn âm thầm ươm tài năng trẻ với hy vọng vực dậy phong trào bóng chuyền nơi “chảo lửa”.

Đưa tinh hoa võ Việt vươn xa

Đưa tinh hoa võ Việt vươn xa

(GLO)- Sau hơn 1 tuần tranh tài sôi nổi tại TP. Pleiku, Giải Vô địch Võ cổ truyền quốc gia lần thứ 33 đã khép lại với những dấu ấn đáng nhớ. Những đổi thay về luật thi đấu, độ tuổi, hạng cân, trang phục của vận động viên (VĐV)... được kỳ vọng sẽ tạo ra bước ngoặt để đưa tinh hoa võ Việt vươn xa.