Sôi nổi phong trào thể dục thể thao quần chúng ở Chư Păh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian qua, phong trào thể dục thể thao (TDTT) quần chúng ở huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) có sự phát triển sâu rộng. Hoạt động tập luyện TDTT góp phần không nhỏ trong việc nâng cao đời sống tinh thần, thể chất cho người dân nơi đây.
Phát triển sâu rộng
Một ngày giữa tháng 1-2021, chúng tôi có mặt tại Trường THCS Ya Ly (thị trấn Ia Ly). Tại đây, 50 võ sinh thuộc Câu lạc bộ (CLB) Karate Trung Nguyên đang hăng say tập luyện. Anh Phan Nguyên Trị-Chủ nhiệm CLB-chia sẻ: “Câu lạc bộ hiện có 7 chi nhánh trong huyện với hơn 400 học viên. Những chi nhánh này do các thành viên Ban chủ nhiệm CLB mở nhằm thúc đẩy hơn nữa phong trào tập luyện TDTT nói chung và môn karate nói riêng. Tính từ năm 2006 đến nay, chúng tôi đã dạy võ cho hơn 1.000 lượt học viên, chủ yếu là các em học sinh”.
Ở Chư Păh, ngoài CLB Karate Trung Nguyên, Trung tâm Bóng đá cộng đồng FC.VNV cũng thu hút một lượng lớn học viên theo học. Từ năm 2016 đến nay, tại 2 sân mi ni cỏ nhân tạo ở xã Nghĩa Hòa và thị trấn Phú Hòa, các huấn luyện viên của Trung tâm đã dạy kỹ năng chơi bóng cho khoảng 100 em nhỏ.
Huấn luyện viên Lê Đức Việt cho hay: “Chúng tôi mở trung tâm này nhằm mục đích chính là giúp các em có một sân chơi lành mạnh, vận động nhiều hơn để cơ thể phát triển hoàn thiện và giảm thời gian chơi game trên mạng internet. Vì vậy, rất nhiều phụ huynh cho con cái theo học”.
Huấn luyện viên CLB Karate Trung Nguyên dạy võ cho học viên tại Trường THCS Ya Ly (thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh). Ảnh: Nguyễn Tú
Huấn luyện viên CLB Karate Trung Nguyên dạy võ cho học viên tại Trường THCS Ya Ly (thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh). Ảnh: Nguyễn Tú
Ngoài các lớp dạy võ thuật và bóng đá, phong trào tập luyện TDTT của người dân huyện Chư Păh cũng diễn ra sôi nổi. Dọc con đường từ thị trấn Phú Hòa vào thị trấn Ia Ly hiện có hàng chục sân bóng đá, bóng chuyền, thu hút rất đông người chơi. Bà Lê Thị Lưu (xã Nghĩa Hòa) cho biết: “Sau mỗi trận bóng chuyền, thấy trong người vui vẻ, phấn khởi hơn nên chúng tôi chơi thường xuyên. Dân xã này mê bóng chuyền lắm, có đến chục sân để mọi người cùng chơi”.
Theo thống kê của Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Chư Păh, toàn huyện hiện có 14 sân bóng đá, 83 sân bóng chuyền, 7 sân cầu lông, 1 sân bóng rổ, 10 sân cỏ nhân tạo; có 3 CLB võ thuật với các môn Vovinam, Karate, Teakwondo và 1 trung tâm bóng đá cộng đồng. Tỷ lệ người dân thường xuyên tập luyện TDTT trong năm 2020 là 22,5%, tăng 2% so với năm 2019.
“Phong trào quần chúng tự tập luyện TDTT ở huyện Chư Păh phát triển sâu rộng khắp các buôn làng. Một số xã, thị trấn có phong trào TDTT quần chúng phát triển là Nghĩa Hòa, Ia Nhin, Hà Tây, Phú Hòa. Nếu Nghĩa Hòa, Ia Nhin mạnh về môn Karate thì Phú Hòa mạnh về bóng đá, còn Hà Tây thì mạnh các môn truyền thống như kéo co, bắn nỏ, cà kheo”-anh Nguyễn Khắc Hải-chuyên viên Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Chư Păh-thông tin.
Nhiều tài năng nảy nở
Phong trào quần chúng tự tập luyện TDTT ở huyện Chư Păh lan tỏa sâu rộng không chỉ góp phần nâng cao thể chất, đời sống tinh thần người dân mà còn giúp các nhà tuyển trạch phát hiện nhiều tài năng thể thao. Điển hình như Trung tâm Bóng đá cộng đồng FC.VNV đã tiến cử 10 tài năng trẻ từ 9 đến 15 tuổi cho các CLB bóng đá ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Thọ, Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh. Nổi bật nhất là 2 tài năng “nhí” gồm Lê Văn Ẩn (đội U11 CLB Bóng đá SHB Đà Nẵng), Nguyễn Minh Nhật (Học viện Bóng đá Juventus Việt Nam).
Các cầu thủ nhí của Trung tâm bóng đá cộng đồng FC. VNV. Ảnh: Nguyễn Tú
Các cầu thủ nhí của Trung tâm bóng đá cộng đồng FC.VNV. Ảnh: Nguyễn Tú


Trong khi đó, CLB Karate Trung Nguyên đã đóng góp 7 tài năng trẻ cho Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh. Gương mặt sáng giá nhất trong số này là Nguyễn Thị Khánh Ly. Theo thông tin mới nhất từ Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh, nữ võ sĩ này đang hoàn tất hồ sơ để chuyển vào đội tuyển trẻ tại Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tiếp tục tập luyện.

Huấn luyện viên Phan Nguyên Trị chia sẻ: “Mới đây, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh đã làm việc với CLB để tuyển chọn vận động viên cho đội Karate. Em Nguyễn Lê Thị Thúy Mai (SN 2005) đã được Trung tâm chọn. Gia đình em cũng đồng ý và đang làm các thủ tục để sau Tết Nguyên đán sẽ chuyển lên Trung tâm”.

Đối với môn cà kheo, anh Tham (làng Kon Măh, xã Hà Tây) là một trong những vận động viên có tiếng tại các hội thi thể thao dân tộc thiểu số trong và ngoài tỉnh. “Mình thường đi đấu các giải chạy cà kheo ở trong và ngoài tỉnh, giải nào cũng có huy chương cao. Tính riêng Hội thi thể thao dân tộc thiểu số toàn quốc thì mình đã tham gia 4 lần và giành 7 huy chương vàng. Giải do tỉnh và huyện tổ chức thì nhiều huy chương lắm, không nhớ hết”-anh Tham bộc bạch.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Trung Kiên-Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Chư Păh-cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tự luyện tập TDTT rèn luyện sức khỏe. Đơn vị tập trung nguồn lực để tổ chức Đại hội TDTT cấp huyện trong năm 2021, sau đó chọn lựa vận động viên và tổ chức bồi dưỡng để tham gia Đại hội TDTT tỉnh”.
THIÊN DI

Có thể bạn quan tâm

U70 đạp xe để vượt lên chính mình

U70 đạp xe để vượt lên chính mình

(GLO)- Đối với ông Hồ Sĩ Hồng (SN 1960, tổ 1, phường Phù Đổng, TP. Pleiku) thì mỗi chuyến đi xa là một cơ hội để trải nghiệm, khám phá những cung đường mới, cũng là dịp để thử thách bản thân, quyết tâm vượt lên chính mình.