'Siết' chi, lấy tiền tăng lương cơ bản lên 1,3 triệu/tháng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Không bố trí tiền cho cấp Thứ trưởng trở xuống mua xe hơi mới, cắt giảm hội họp, khánh tiết… Bộ Tài chính quyết 'siết' chi thường xuyên lấy tiền tăng lương, giảm nợ công.

Thứ trưởng trở xuống không được mua xe mới
 

 Ông Võ Thành Hưng-Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính
Ông Võ Thành Hưng-Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính


Ông Võ Thành Hưng-Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) cho biết, những giải pháp trên là một trong những mục tiêu quan trọng nằm trong báo cáo của Bộ Tài chính tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 14 về Kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 5 năm 2016-2020 và dự toán ngân sách năm 2017.

Cụ thể, kể từ 1-7-2017 Chính phủ đề xuất Quốc hội cho ý kiến về việc tăng mức lương cơ sở thêm 7% (đạt mức 1.300.000 đồng/tháng). Việc tăng lương nhằm đảm bảo đời sống của cán bộ, công chức trong bối cảnh giá cả tăng cao, đời sống gặp không ít khó khăn và mặt bằng lương cũ còn chưa đáp ứng được. Tuy nhiên, do ngân sách Trung ương năm nay tiếp tục hụt thu (dự kiến 8.000-12.000 tỷ đồng), quỹ tăng lương không được bổ sung, nên theo ông Hưng các bộ, ngành và địa phương phải tự cân đối, sắp xếp dựa trên dự toán được giao.

Trước đó, theo số liệu của Chính phủ, hiện cả nước có 8 triệu người, tương ứng 10% dân số hưởng lương từ ngân sách, trong đó có 600.000 công chức, 2,2 triệu viên chức giáo dục, 2,1 triệu cán bộ cấp xã và hưởng phụ cấp từ ngân sách, 3 triệu người hưởng lương hưu và phụ cấp người có công.

Với số lượng biên chế quá lớn trong khi ngân sách eo hẹp, giải pháp trước mắt được Bộ Tài chính đưa ra là các cơ quan, ban ngành buộc phải tiết kiệm tối đa chi thường xuyên, đặc biệt các khoản chi mua sắm xe công, đi nước ngoài, hội họp, khánh tiết… “Một số địa phương cũng cân nhắc khoán xe công, nhưng thực tế mới có Bộ Tài chính làm. Trong cách bố trí dự toán, năm nay và năm 2017, Bộ Tài chính không bố trí tiền cho các bộ mua xe cho cấp thứ trưởng trở xuống. Nếu các bộ chưa khoán được thì tự sắp xếp điều chuyển”-ông Hưng nói.

Tăng thu nội địa

Trong kế hoạch ngân sách giai đoạn 2016-2020, Bộ Tài chính đặt mục tiêu kéo bội chi bình quân mỗi năm 3,9% GDP, đổi mới toàn diện cơ chế quản lý ngân sách, phấn đấu tỷ lệ huy động vào ngân sách trên GDP bình quân khoảng 20-21%. Tuy nhiên, bộ này đang khá “đau đầu” khi hai nguồn thu gồm dầu thô và xuất nhập khẩu có xu hướng thụt giảm. Giai đoạn 2006-2010, tỷ trọng 2 khoản thu này chiếm 40% tổng thu ngân sách, nhưng đến 2015 chỉ còn dưới 25%. Đến năm 2020 dự kiến chỉ còn khoảng 14 - 15%.

 

50 địa phương sống nhờ bầu sữa ngân sách


Theo Bộ Tài chính, hiện cả nước vẫn còn 50 tỉnh, thành nhận trợ cấp từ ngân sách; 13 tỉnh còn lại có nguồn thu điều tiết được về ngân sách Trung ương.

Ông Võ Thành Hưng cho biết, việc điều tiết là nguyên lý chung về ngân sách của tất cả các nước. Tuy nhiên, việc đó phải hài hòa cho phù hợp, để các địa phương "giàu" không mất đi động lực, tỉnh nghèo thì khá lên. Riêng TP. Hồ Chí Minh được ưu tiên chi bình quân tính trên đầu người dân gấp 1,7 lần so với các địa phương khác. Ngoài ra, ngân sách Trung ương còn bổ sung trên 7.000 tỷ đồng để đầu tư một số dự án. Giai đoạn 2016-2020, cấp phát ODA trên dưới 3 tỷ USD để xây dựng hệ thống đường sắt đô thị, cấp thoát nước, xử lý môi trường…

Để đảm bảo ổn định được nguồn thu, ông Hưng cho biết, Bộ Tài chính đặt mục tiêu tăng tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu ngân sách từ 67,8% giai đoạn trước lên mức khoảng 87 - 88% vào cuối 2020. “Giải pháp căn cơ nhất là phải tháo gỡ rào cản kinh doanh, tạo môi trường đầu tư thuận lợi để doanh nghiệp phát triển. Khi tăng lên được 1 triệu doanh nghiệp, nguồn thu sẽ tăng lên và bền vững hơn”, ông Hưng tính toán và cho biết bộ sẽ rà soát lại các sắc thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt theo hướng mở rộng đối tượng thu, tăng điều tiết ngân sách. Đi kèm với đó là giảm nợ đọng thuế xuống 5% tổng thu ngân sách.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục điều chỉnh chi lương, trợ cấp người có công, hưu, cán bộ công chức; yêu cầu các đơn vị sự nghiệp tăng tính tự chủ (điều chỉnh giá phí sự nghiệp công theo lộ trình). Với bộ, ngành giảm chi khoảng 1.000 tỷ đồng, trong đó có cả y tế, giáo dục, đào tạo. Số kinh phí tiết kiệm này dành cho các đối tượng chính sách và đầu tư trở lại cho các lĩnh vực, đơn vị này”-đại diện Bộ Tài chính nói thêm.

Theo Thanhnien

Có thể bạn quan tâm

Tập huấn kiểm kê tài sản công

Tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công

(GLO)- Ngày 28 và 29-11, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai phối hợp với Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Gia Lai.