Sáng ngời phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Mặc dù mất đi một phần sức khỏe nhưng những thương-bệnh binh vẫn tiếp tục phát huy tinh thần, nghị lực kiên cường của “Bộ đội Cụ Hồ”. Họ trở thành những tấm gương tiêu biểu để thế hệ trẻ học tập, noi theo.

Nêu gương sáng

Chiều muộn song cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Đình Lạnh (SN 1957, làng Plei Mun Măk, xã Ia Ake, huyện Phú Thiện) vẫn miệt mài làm việc tại mảnh vườn sau nhà. Hết chăm sóc mấy luống ớt, cà pháo, ông lại quay sang cho heo, gà ăn. Trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống, song với tinh thần kiên cường của người lính, ông Lạnh không cho phép bản thân gục ngã.

Năm 1977, khi vừa tròn 20 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Lạnh lên đường nhập ngũ và từng có thời gian tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam. Đến năm 1991, ông xuất ngũ với thương tật 67%. Hai năm sau, ông rời quê hương Cao Bằng vào Gia Lai lập nghiệp. Làm lụng, tích góp, vợ chồng ông cũng mua được đất đai, ruộng vườn để phát triển kinh tế.

“Năm 2006, tôi bị viêm tắc động mạch, các chi đau nhức, đi lại khó khăn. Gia đình phải bán đi nhiều tài sản có giá trị để chạy chữa, chỉ giữ lại 4 sào đất vườn phía sau nhà”-ông Lạnh kể. Ông dành hơn 2 sào đất để trồng ớt, cà pháo và bắp lai; nuôi 3 con heo nái, gần 10 con heo thương phẩm cùng đàn gà gần 150 con.

Cựu chiến binh Nguyễn Đình Lạnh (giữa) chăm sóc vườn ớt. Ảnh: Phương Dung

Cựu chiến binh Nguyễn Đình Lạnh (giữa) chăm sóc vườn ớt. Ảnh: Phương Dung

Đặc biệt, trong vai trò Chi hội trưởng Chi hội CCB làng Plei Mun Măk, ông luôn nhiệt tình, trách nhiệm, tích cực tuyên truyền, vận động hội viên và người dân hưởng ứng các phong trào, cuộc vận động, góp phần xây dựng tổ chức Hội phát triển vững mạnh.

Ông Lạnh thông tin: “Chi hội có 16 hội viên, trong đó, 6 hội viên người dân tộc thiểu số. Đến nay, Chi hội không còn hội viên nghèo. Để có quỹ giúp nhau khi cần, Chi hội thống nhất mỗi hội viên đóng góp 20 ngàn đồng/tháng. Số tiền 36 triệu đồng, Chi hội đang cho hội viên Bế Văn Dũng vay phát triển kinh tế với lãi suất thấp. Tiền lãi được dùng cho các hoạt động chung của Chi hội”.

Dám nghĩ, dám làm trong phát triển kinh tế và sẵn sàng giúp đỡ đồng đội là nhận xét của nhiều CCB về CCB Phạm Ngọc Bốn (SN 1943, thôn 4, xã Trà Đa, TP. Pleiku). Quê ở huyện Cẩm Giàng (tỉnh Hải Dương), năm 1967, ông Bốn nhập ngũ và được biên chế về Đoàn 559 (Tổng cục Hậu cần) với nhiệm vụ lái xe vận chuyển vũ khí, quân trang vào chiến trường. Sau ngày giải phóng, ông Bốn làm việc tại một số đơn vị chuyên về mảng nông nghiệp ở Gia Lai. Về hưu năm 2004, ông tập trung chăm sóc 2 ha cà phê nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2010, khi xã Trà Đa có nhu cầu cho thuê mặt nước hồ thủy lợi, ông mạnh dạn thuê để đầu tư nuôi cá trắm, cá chép, cá rô rồi dần dần chuyển sang nuôi cá lăng, cá chình, cá thác lác...

Ông Phạm Ngọc Bốn là tấm gương sáng về phát triển kinh tế và hết lòng vì nghĩa tình đồng đội. Ảnh: Phan Lài

Ông Phạm Ngọc Bốn là tấm gương sáng về phát triển kinh tế và hết lòng vì nghĩa tình đồng đội. Ảnh: Phan Lài

Năm 2016, tại hội nghị giao lưu CCB sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc, ông Bốn được gặp gỡ người CCB có thu nhập tiền tỷ từ mô hình nuôi vịt trời ở tỉnh Bắc Giang. Sau khi tìm hiểu, ông Bốn mạnh dạn mở rộng quy mô kinh doanh. Điều này khiến nhiều người bất ngờ vì việc “khởi nghiệp” mô hình mới ở tuổi 73 không hề dễ dàng. Nhưng nhờ sự kiên trì, không ngại thất bại cùng với tinh thần ham học hỏi, ông đã thành công với mô hình nuôi vịt trời. Hiện tại, ông nuôi 300 con vịt đẻ và 800 con vịt thịt. Ngoài ra, ông còn sở hữu 200 cây chanh dây, 100 cây bơ đang cho thu hoạch. Mỗi năm, ông có thu nhập 150-200 triệu đồng từ trồng trọt, chăn nuôi.

Ông Bốn tâm sự: “Bắt đầu phát triển kinh tế khi tuổi đã cao, tôi không ngần ngại đi xa để học tập các mô hình hay, cách làm hiệu quả. Tôi thường kết nối với các CCB sản xuất kinh doanh giỏi ở một số tỉnh để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm nhằm áp dụng vào mô hình sản xuất của mình”.

Khi điều kiện kinh tế ổn định, ông Bốn hỗ trợ nhiều CCB khó khăn về kỹ thuật, con giống cũng như vốn sản xuất kinh doanh. Ông cũng tích cực tham gia các cuộc vận động, quyên góp để chăm lo cho các đối tượng yếu thế trên địa bàn xã; tạo việc làm cho 2 lao động là con đồng đội với mức thu nhập trên 5 triệu đồng/tháng.

Chị Vòng Thị Danh-người đang hỗ trợ ông Bốn chăm sóc vườn cây và gia cầm-chia sẻ: “Bố tôi và chú Bốn là đồng đội của nhau. Trong lần về thăm bố tôi ở Nghệ An, thấy nơi đây đất chật người đông, vất vả quá nên chú Bốn đã đưa chúng tôi vào Gia Lai và tạo việc làm ổn định”.

Tận tâm, tận lực với phong trào

Không chỉ nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, một số CCB, thương-bệnh binh còn phát huy vai trò “hạt nhân” đoàn kết ở địa phương, điển hình là ông Rơ Châm Nhil (SN 1952, làng Jrăng Krái, xã Ia Khai, huyện Ia Grai). Ông Nhil kể: Tháng 4-1972, ông lên đường nhập ngũ và được biên chế về Đại đội 31, Huyện đội Chư Păh. Ông có 2 năm sang chiến trường Campuchia giúp người dân nước bạn thoát khỏi họa diệt chủng Pol Pot. Năm 1981, ông xuất ngũ trở về địa phương. “Vợ mình qua đời, con nhỏ không có ai chăm sóc. Mình làm Xã đội phó, rồi Xã đội trưởng, Chủ tịch Hội CCB, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã và hiện tại là Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi của xã”-ông Nhil cho hay.

Với tinh thần trách nhiệm của một đảng viên, ông luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao và tích cực tham gia tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức, cải thiện đời sống, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và giữ gìn an ninh trật tự. Để dân làng tin tưởng nghe và làm theo, ông Nhil luôn tích cực lao động sản xuất, nuôi dạy con cái; đi đầu trong các phong trào, cuộc vận động tại địa phương... “Trước đây, mình trồng 10 ha điều. Sau này, các con lập gia đình, mình chia bớt, chỉ giữ lại 3 ha. Mình còn sức thì vẫn còn phải lao động”-ông Nhil nói.

Ông Nhil tự hào khoe: “Đầu tháng 5-2023, làng Jrăng Krái tổ chức lễ cúng nhà rông mới sau hơn 2 tháng xây dựng. Toàn bộ 560 triệu đồng xây dựng nhà rông do dân làng đóng góp. Ngoài ra, người dân còn đóng góp hơn 20 triệu đồng để làm lại cổng chào”. Chưa hết, ông Nhil còn tự hào khi Jrăng Krái là làng đầu tiên của xã đạt chuẩn nông thôn mới. Người dân trong làng luôn đoàn kết chung tay giữ gìn vệ sinh đường làng, ngõ xóm; tích cực phát triển kinh tế.

Từng trải qua lửa đạn chiến tranh, bị giam cầm, tra tấn dã man ở Nhà tù Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), ông Trần Văn Thu-Chi hội trưởng Chi hội CCB tổ dân phố 8 (phường Ia Kring, TP. Pleiku) đã đề ra cho mình một nhiệm vụ mới là: “Giáo dục truyền thống cách mạng, truyền lòng yêu nước cho thế hệ trẻ”.

Ông Trần Văn Thu (ở giữa)-Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh tổ dân phố 8 (phường Ia Kring, TP. Pleiku) nói chuyện truyền thống với đoàn viên, thanh niên. Ảnh: Đ.T

Ông Trần Văn Thu (ở giữa)-Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh tổ dân phố 8 (phường Ia Kring, TP. Pleiku) nói chuyện truyền thống với đoàn viên, thanh niên. Ảnh: Đ.T

Ông Thu cho biết: “Đã 48 năm trôi qua nhưng tôi vẫn nhớ như in những ngày cầm súng chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc. Năm 1966, tôi lên đường nhập ngũ và tham gia nhiều trận đánh tại chiến trường Bình Định. Không may trong một trận chiến vào năm 1968, tôi bị địch bắt rồi đưa ra giam cầm ở Nhà tù Phú Quốc. 5 năm 3 tháng ở đây, tôi và đồng đội đã bị địch tra tấn bằng nhiều hình thức ghê rợn. Sau khi Hiệp định Paris được ký, tù binh được trao trả. Tôi đã quay trở lại mặt trận Bình Định tham gia kháng chiến cho đến khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.

Ký ức trên chiến trường và những năm tháng ở Nhà tù Phú Quốc thường được ông Thu kể cho các con, cháu và đoàn viên, thanh thiếu nhi để thế hệ trẻ ghi nhớ trang sử hào hùng của thế hệ đi trước. Hàng năm, vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12), Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7)… ông Thu được các trường học mời đến kể chuyện truyền thống. Để buổi nói chuyện đạt kết quả, ông chú trọng chọn lọc sự kiện, những trận đánh ác liệt hay những câu chuyện về tình đồng chí, đồng đội trong chiến đấu. Qua buổi kể chuyện, thế hệ trẻ hiểu sâu sắc hơn về lịch sử, thành quả cách mạng của dân tộc. Ông cũng tuyên truyền, vận động thanh niên trên địa bàn chủ động đăng ký và tham gia nghĩa vụ quân sự.

Chị Vũ Thị Hoài Thanh-Bí thư Đoàn phường Ia Kring-cho hay: Thông qua những câu chuyện kể của các nhân chứng lịch sử, chúng tôi hiểu thêm về cuộc chiến tranh gian khổ, ác liệt nhưng đầy tự hào của thế hệ cha anh và trân trọng hơn nền hòa bình hôm nay. Hiểu hơn về lịch sử dân tộc, thế hệ trẻ chúng tôi luôn ý thức được trách nhiệm của mình là phải nỗ lực học tập, góp sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Nhiều CCB là tấm gương sáng về phát triển kinh tế và hết lòng vì đồng đội. Ảnh: Đ.T

Nhiều CCB là tấm gương sáng về phát triển kinh tế và hết lòng vì đồng đội. Ảnh: Đ.T

Ngót nghét tuổi 70 song bà Đinh Thị Her (thôn 2, xã Ayun, huyện Mang Yang) vẫn nhớ rất rõ những năm tháng thoát ly, làm liên lạc, cấp dưỡng ở Huyện ủy Khu 3. Rồi những ngày sau giải phóng, trong vai trò cán bộ khối Mặt trận, phụ nữ, dân vận, bà tiếp tục đi cơ sở cùng ăn, cùng ở, cùng làm để tuyên truyền, vận động người dân an tâm tư tưởng, tập trung sản xuất; đồng thời, vận động các đối tượng phản động trở về với dân làng.

Trở về địa phương, bằng kinh nghiệm thực tế cùng sự hiểu biết về phong tục tập quán, bà Her tích cực tuyên truyền, vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm, từng bước vươn lên trong cuộc sống. Trong vai trò Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Mang Yang từ năm 2014 đến nay, bà góp phần không nhỏ trong củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Bà Her chia sẻ về lý do quay trở lại tham gia công tác Mặt trận sau nhiều năm... “nghỉ hưu non” rằng nhiều cán bộ trẻ sau này có trình độ nhưng thiếu kinh nghiệm và kỹ năng, lại bất đồng ngôn ngữ nên hiệu quả công tác tuyên truyền chưa cao. Bà còn sức nên cũng muốn tham gia góp tiếng nói giúp dân làng tiếp cận khoa học kỹ thuật để cuộc sống ngày một tốt hơn.

“Mỗi lần nói chuyện với dân, tôi luôn phân tích, dẫn chứng về sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với đời sống của bà con. Từ việc bà con phải dùng sức cuốc ruộng, đi bộ lên rẫy, còng lưng gùi lúa, gùi mì... thì nhờ có sự quan tâm kịp thời của Đảng và Nhà nước, cuộc sống giờ đã sang trang khác. Muốn cuộc sống tốt đẹp hơn thế, bà con phải chăm chỉ lao động, đừng nghe theo kẻ xấu xúi giục, lừa phỉnh”- bà Her chia sẻ.

Mới đây, khi đoàn công tác do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hồ Văn Điềm đến thăm, tặng quà nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, bà Her bày tỏ: “Tôi sẽ luôn giữ vững truyền thống cách mạng, nêu gương sáng, động viên con cháu, người dân trên địa bàn chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để xây dựng thôn làng ngày càng khởi sắc”.

Có thể bạn quan tâm

Xếp bút nghiên lên đường chiến đấu

Xếp bút nghiên lên đường chiến đấu

(GLO)- Thời gian đã nhuộm màu mái tóc, song ký ức của một thời xếp bút nghiên lên đường chiến đấu vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của những người lính già. Sau 49 năm kể từ ngày thống nhất đất nước, họ vẫn nhắc nhớ về những tháng ngày gian khổ mà rất đỗi tự hào.

Pleiku xây dựng làng nông thôn mới thông minh

Pleiku xây dựng làng nông thôn mới thông minh

(GLO)- Sau hơn 6 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 13-2-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai, bộ mặt thôn làng ở TP. Pleiku đã có nhiều khởi sắc, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao.

Bình yên làng Lơ Pơ

Bình yên làng Lơ Pơ

(GLO)- Nằm sâu giữa đại ngàn Trường Sơn, làng Lơ Pơ (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn còn giữ vẻ bình yên đến lạ. Để vào được làng, du khách phải men theo nhiều đoạn đường đất uốn lượn rồi vượt qua những con đường mòn vắt vẻo giữa đồi núi quanh co.

Cả nhà bị bệnh

Cả nhà bị bệnh

(GLO)- Gần 2 năm qua, ông Đặng Chí Thành (thôn 1, xã Ia Tôr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) phải chạy vạy khắp nơi để có tiền chữa bệnh u ác tính cho vợ là bà Lê Thị Xuân Bích. Cuộc sống của gia đình càng trở nên túng quẫn khi 2 cha con ông Thành cũng bị bệnh.
Kông Chro tiếp nhận 489 đơn vị máu an toàn

Kông Chro tiếp nhận 489 đơn vị máu an toàn

(GLO)-

Ngày 26-4, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện huyện Kông Chro phối hợp với Khoa Huyết học-Truyền máu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai) tổ chức ngày hội hiến máu tình nguyện đợt 1 năm 2024.

Rác thải điện tử về đâu?

Rác thải điện tử về đâu?

(GLO)- Trong khi cả thế giới đang loay hoay với cuộc chiến chống rác thải nhựa, rác thải thời trang thì một mối nguy khác đang ập tới, đó là rác thải điện tử.
Chư Prông: Hơn 3.500 hộ nông dân đăng ký hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp

Chư Prông: Hơn 3.500 hộ nông dân đăng ký hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp

(GLO)- Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện Chư Prông chú trọng, phát động thường xuyên. Đến nay, huyện có trên 3.500 hộ nông dân đăng ký hộ sản xuất, kinh doanh giỏi năm 2024.