Săn nhum

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhum biển còn gọi cầu gai, nhím biển, là một loài nhuyễn thể, được ví như “nhân sâm của biển”, không chỉ được chế biến thành nhiều món ăn ngon, bổ mà còn được coi là bài thuốc tăng cường sức khỏe.
 
Vùng biển Sa Huỳnh, nơi có loại nhum chế biến món ăn ngon nức tiếng. Ảnh: TRANG THY
Nghề săn nhum đặc biệt ở chỗ thường phải đi cả vợ lẫn chồng. Chồng lặn xuống bắt nhum, bắt được con nào, vợ trên bờ chế biến ngay tại chỗ con đó. Ở H.Đức Phổ (Quảng Ngãi), có những cặp vợ chồng chuyên đi săn nhum như thế.
Mưu sinh trong nước lạnh
Hơn 1 giờ sáng, vợ chồng anh Nguyễn Quang Thơ ở thôn Tấn Lộc, xã Phổ Châu (H.Đức Phổ) thức dậy sau giấc ngủ mỏi mệt. Anh chị ăn vội chén cơm cùng món mắm kho nấu từ đêm trước. Anh lúi húi kiểm tra dụng cụ bắt nhum, chị cho cơm và thức ăn vào hộp đựng dành cho bữa trưa rồi cùng xe máy rời nhà trong đêm tối.
Sớm tinh mơ, vợ chồng anh đứng trước biển Nhơn Lý (TP.Quy Nhơn, Bình Định) hứng làn gió lạnh từ khơi xa thổi vào bờ. Anh đeo kính lặn và mang theo chiếc rổ nhựa gắn phao cùng chiếc móc sắt lội xuống biển rồi bơi ra xa. Chị dõi mắt theo bóng dáng chồng dần xa bờ, ngụp lặn trong làn nước lạnh.
"Sáng sớm nước biển lạnh lắm. Thấy ảnh ngụp lặn trong nước thương lắm, nhưng biết làm sao được? Để kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình nên vợ chồng động viên nhau gắng sức làm thôi!", vợ anh - chị Lê Thị Yến bộc bạch.
Những con sóng nối tiếp vờn đuổi nhau từ khơi xa vỗ vào bờ. Bóng dáng anh nhấp nhô, ẩn hiện giữa sóng nước, cách bờ chừng vài chục mét. Chiếc kính lặn giúp anh phát hiện nhum bám vào ghềnh đá đón bắt thức ăn là những loài tảo lơ lửng trong làn nước lạnh. Anh dùng móc sắt giật mạnh nhum rơi khỏi đá và nhặt lấy rồi ngoi lên bỏ vào rổ nhựa gắn phao nổi bồng bềnh trên sóng. Chiếc rổ đầy nhum được anh kéo bơi vào bờ trước nụ cười tươi của vợ.
"Sáng sớm nước biển lạnh lắm. Thấy ảnh ngụp lặn trong nước thương lắm, nhưng biết làm sao được? Để kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình nên vợ chồng động viên nhau gắng sức làm thôi!"

Chị Lê Thị Yến


Chị dùng dao bổ đôi những con nhum đầy gai nhọn để lấy phần thịt bên trong. Đôi bàn tay khéo léo tách vỏ rồi dùng mảnh tre vót mỏng khều lấy phần thịt màu vàng tựa gạch cua trông khá hấp dẫn. Chỉ cần sơ sẩy, thịt nhum sẽ lẫn với ruột và gân máu, khi chế biến món ăn rất tanh, muối mắm bị thâm đen, hư thối. Thi thoảng, chị lại "ối cha" khi bị gai nhum đâm vào tay đau buốt. “Đâu chỉ mấy ổng phải chịu khổ cực, phụ nữ chúng tôi cũng vất vả khi bổ nhum lấy thịt đấy. Nhiều người lặn giỏi nhưng không có vợ theo giúp đành phải bỏ nghề”, chị cho biết.
Chiếc xe máy tàn tạ sau những chuyến đi lặn bắt nhum của vợ chồng anh Nguyễn Trực ở thôn Vĩnh Tuy, xã Phổ Châu (H.Đức Phổ, Quảng Ngãi). Những vùng biển: Tịnh Kỳ (H.Sơn Tịnh, Quảng Ngãi), Bình Châu (H.Bình Sơn, Quảng Ngãi), Nhơn Lý (TP.Quy Nhơn) và Cát Tiến (H.Phù Cát, Bình Định) là nơi vợ chồng anh tìm đến mưu sinh. Với độ sâu 2 - 5 m, gặp phải nước đục nhìn không rõ nên bắt nhầm nhum bắn gai tê buốt cả tay.
Anh Trực tâm sự: “Nghề này cực nhọc lắm chú! Dù trời nắng chói chang nhưng lặn trong nước lạnh nên da tím tái, lên bờ hai hàm răng va vào nhau liên hồi. Sau gần cả ngày ngụp lặn, tối về cơ thể mỏi nhừ nhưng hôm sau phải gắng sức dậy sớm để đi tiếp”.
Chuyến đi - về hàng trăm cây số mỗi ngày cùng việc lặn bắt, bổ đôi lớp vỏ, lấy thịt nhum đem lại cho vợ chồng anh Thơ trên dưới 800.000 đồng. Đấy là khoản thu nhập đáng kể của người dân quê ven biển Sa Huỳnh bốn mùa lộng gió. Vậy nên dẫu lắm nhọc nhằn vẫn có nhiều cặp vợ chồng mưu sinh với nghề lặn tìm nhím biển ghềnh xa. Nhưng có nhiều bữa vượt cả chặng đường dài rồi thẫn thờ nhìn biển nổi sóng dữ dội đành trở về trong nuối tiếc.
“Vào đến biển Nhơn Lý, Cát Tiến rồi trở về cũng gần 300 cây số chứ đâu phải ít. Nhưng gặp bữa sóng lớn đành phải chịu chứ biết làm sao được? Ai có gan xuống lặn cũng không thấy nhum để bắt, vì sóng lớn gần bờ làm nước đục ngầu”, anh Thơ nói.
 
Ngư dân ngụp lặn trong làn nước lạnh để bắt nhum
Nức danh đặc sản
Vùng biển Sa Huỳnh (phía nam tỉnh Quảng Ngãi) với nguồn hải sản phong phú, nức tiếng gần xa. Trong đó, những món ăn chế biến từ nhum được nhiều du khách tìm mua và thưởng thức hay mang về làm quà cho người thân. Có giai thoại kể rằng, vua Minh Mạng ra chỉ dụ cho quan cai trị vùng đất Quảng Ngãi hằng năm phải tiến cống 12 cân mắm nhum. Dân gian còn lưu truyền câu chuyện một ông vua nhà Nguyễn thích ăn mắm nhum Sa Huỳnh. Mỗi lần kinh lý qua đây, vua ra lệnh đoàn xa giá dừng lại để quan địa phương dâng tiến vài cân mắm nhum rồi mới tiếp tục lên đường. Vì thế, mắm nhum còn được gọi là mắm tiến vua.
Nhum còn được chế biến nhiều món ăn ngon và bổ dưỡng: nấu cháo, xào, nướng, tráng với trứng, thịt nhum tươi vắt tí nước cốt chanh ăn kèm với rau thơm..., đặc biệt là nhum ngâm rượu. Nhum bạc để nguyên con cho vào hũ rượu ngâm 2 - 3 ngày rồi thay rượu mạnh vào hũ. Thế là đã có được loại rượu cánh mày râu thường rỉ tai nhau là “ông uống bà khen”.
Chừng 20 năm về trước, biển Sa Huỳnh có khá nhiều nhum bám vào ghềnh đá gần bờ. Khi ấy, mỗi ngày anh Thơ lặn bắt trên dưới 8 kg nhum thịt, sau khi đã bổ đôi lớp vỏ. Thịt nhum được mẹ anh muối mắm rồi lội bộ gánh rong hàng chục cây số vào tận các huyện phía bắc tỉnh Bình Định đổi lương thực lót dạ qua ngày. Mỗi chén mắm nhum đổi được một lon gạo hoặc ít khoai lang hay củ mì. Giờ thì nhum ở vùng biển Sa Huỳnh thành thương hiệu đắt hàng đối với thực khách sành ăn. Thay vì đổi gạo như thuở trước, mỗi ký thịt nhum bán với giá 250.000 - 350.000 đồng, tùy từng thời điểm.
 
Nhum vừa được vớt lên từ biển
Anh Thơ cho biết: “Thời vụ lặn bắt nhum ở đây kéo dài từ tháng 2 - 8 âm lịch, cao điểm là tháng 3 - 6. Tuy vất vả nhưng đây là nguồn thu đáng kể để trang trải cuộc sống gia đình. Nhưng lượng nhum ở đây giờ giảm hẳn so với trước, ráng sức và may mắn lắm mỗi ngày cũng chỉ được 1 - 1,5 kg nhum thịt. Vậy nên tôi và nhiều người đến nơi khác để bắt được nhiều hơn, dù giá bán thấp hơn nhum ở biển Sa Huỳnh”.
Mắm nhum tiến vua thuở trước giờ theo chân Việt kiều và du khách đến tận phương trời xa. Do không đủ đáp ứng nhu cầu của “thượng đế” nên nhiều tiểu thương mua nhum bắt ở nơi khác rồi muối bán cho du khách. Loại mắm này đặc sánh và có màu vàng rất bắt mắt so với mắm nhum Sa Huỳnh với màu đỏ gạch và loãng. Dẫu sắc màu dân dã nhưng mắm nhum Sa Huỳnh đậm đà hương vị với giá bán mỗi lít 350.000 đồng.
“Không nên muối mắm nhum Sa Huỳnh lẫn với nhum nơi khác. Vì nếu muối chung mắm sẽ bị hư. Lúc bán, tôi luôn giới thiệu từng loại mắm cụ thể để khách lựa chọn chứ không lẫn lộn nên họ tin tưởng. Dẫu mỗi lít mắm nhum Sa Huỳnh giá cao hơn gần 100.000 đồng nhưng họ vẫn chọn mua. Dân ở đây nghèo thiệt chứ buôn bán đàng hoàng lắm để còn giữ uy tín làm ăn lâu dài”, bà Võ Thị Tuyết Mai (chủ quán Minh Mai) tâm sự.
Ông Nguyễn Hoành Sơn (chủ quán Biển Xanh) chỉ thu mua thịt nhum bắt từ vùng biển Sa Huỳnh "vì thơm ngon hơn hẳn nơi khác". Vậy nên, mỗi năm ông chỉ mua được hơn 200 kg nhum thịt để đáp ứng nhu cầu của thực khách và muối mắm bán dần.
Trang Thy (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.