Săn mây trên đỉnh Chư Nâm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ở độ cao gần 1.500 m, vào mùa mưa, đỉnh Chư Nâm (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) ngập trong mây trời dày đặc khiến ai một lần lên núi cũng đem về biết bao xúc cảm.

Tôi vừa đón bạn từ Hà Nội vào chơi, tha thiết muốn chạm vào tảng đá triệu năm tuổi trên miệng núi lửa Chư Đang Ya. Thấy trời hửng nắng, chúng tôi chạy xe vào đây. Mùa này, hoa dong riềng nở đỏ thắm cả sườn đồi. Chư Đang Ya toàn hoa là hoa. Ngày nắng, lớp lớp dã quỳ vàng rực bên núi. Ngày mưa, hoa dong riềng miên man thắp lửa. Dừng chân dưới chân núi, bạn tôi không ngớt lời trầm trồ, xuýt xoa khen ngợi. Chỉ tay sang dãy núi sừng sững bên cạnh, bạn cười bảo tôi: “Biết bao giờ mình mới được lên đỉnh núi bên cạnh mà chạm tay tới đám mây đang lượn bay kia nhỉ”. Tôi cũng cười rồi trả lời thành thật: “Dù đã chinh phục Chư Nâm 5 lần nhưng đường lên đỉnh núi hơi khó, mùa mưa rất hiếm người đi nên tôi chưa bao giờ dám thử. Nhưng nếu mai, tiết trời đẹp thì mình sẽ tìm cách lên núi săn mây”.

  Du khách chụp ảnh lưu niệm trên núi Chư Nâm. Ảnh: Tạ Ngọc Điệp
Du khách chụp ảnh lưu niệm trên núi Chư Nâm. Ảnh: Tạ Ngọc Điệp


Đã chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ thì tầm 4 giờ sáng, Pleiku bất ngờ đổ mưa như trút. Nhưng đã trót hẹn người dẫn đường nên chúng tôi vẫn quyết tâm đi. Sau cơn mưa sớm mai, trời quang tạnh, mây nhẹ vờn bay cùng hoa nắng. Từ độ cao hơn 1.000 m nhìn về Pleiku thấy nắng ươm vàng, đều khắp không gian. Từng thửa ruộng loang loáng nước, Biển Hồ như tấm gương xinh xắn. Từng dải mây trắng bay ngang qua thành phố đem đến vẻ tươi mới, thanh sạch. Trời cao và xanh vời vợi. Tôi nhủ thầm: “Có khi hôm nay nắng to không săn được mây”.

Vậy nhưng, đi thêm khoảng 200 m nữa, mây từ đâu ùn ùn kéo về. Đầu tiên, mây bay là là ở sau lưng, băng qua khe núi rồi chẳng mấy chốc đã đuổi kịp chúng tôi. Chúng tôi cùng vẫy tay, đồng thanh reo vang: “Chào bạn mây, chào bạn mây!”. Đang hào hứng thì mây bắt đầu ùa xuống. Từng hạt nước li ti mang theo hơi lạnh, cái lạnh của mây rất khác, mang đến cảm giác thanh sạch cho những ai chạm vào. Mây ùa xuống dày hơn là khi chúng tôi phải lấy áo mưa ra để không bị ướt.

Mây kín lối, chúng tôi bắt đầu không nhìn thấy nhau từ khoảng cách gần như chạm được. Đường lên núi gập ghềnh, mùa mưa, rêu bám trượt trên đá. Những người mới đi núi vài lần phải hạ thấp trọng tâm, bò từng chút, từng chút một để có thể bám chắc trên những vách đá và theo kịp đoàn. Người dẫn đường liên tục nhắc nhở việc bám đoàn bởi lẽ có nhiều người đã bị lạc khi trước mặt mịt mờ, đá núi, cây xanh, đường đi đều bị chắn lối bởi màn mây dày đặc. Từ đó cho đến khi chạm mốc 1.472 m của đỉnh Chư Nâm, chỉ thấy mây chen mây tầng tầng, lớp lớp.

Chinh phục đỉnh Chư Nâm (huyện Chư Păh)-nóc nhà phía Tây tỉnh Gia Lai. Ảnh: Thanh Phạm
Chinh phục đỉnh Chư Nâm (huyện Chư Păh)-nóc nhà phía Tây tỉnh Gia Lai. Ảnh: Thanh Phạm


Trong đoàn chúng tôi đi hôm ấy có người đã chinh phục đỉnh Chư Nâm hơn 10 lần, nhưng đây là lần đầu tiên anh được chứng kiến cảnh mây núi trập trùng. Trên đỉnh núi, chúng tôi dùng bữa trưa nhẹ rồi nhanh chóng quay xuống vì trời tối sầm sập và hun hút gió. Gió thổi mạnh kèm với những đám mây tích điện trên cao có tiếng sấm đì đoàng. Mây vẫn che kín lối về dù đang là ban trưa. Bầu trời ướt sượt, sũng nước nhưng càng bước xuống thì hạt nước của mây càng nhỏ dần. Từ những hạt như đầu tăm bám vào kính mắt, mây nhỏ lại chỉ còn lay phay đủ để cảm nhận hơi nước thật gần, rồi xuống thêm vài chục mét nữa thì trời trong xanh quang tạnh. Hồ nước bên đập Tân Sơn hiện ra, từ cánh đồng Ngô Sơn, nắng vàng rực rỡ.

Theo kinh nghiệm của một số nhiếp ảnh gia, săn mây đẹp nhất trên đỉnh Chư Nâm là dịp cuối năm, khi trời đất giao mùa, trời hanh hao cao lên, nhiều gió, hết mưa, nắng đẹp. Đó là khi mây từng thảm trắng xốp lượn lờ nơi khe núi. Mây kết lại thành từng chùm, từng khối rồi dạo chơi ở bìa rừng, ngọn cây. Chúng tôi sẽ chờ đến ngày ấy để lại được hòa mình với thiên nhiên trong một chuyến đi đầy thú vị. Và, chúng tôi vẫn mong, 5, 10 năm nữa, khi còn đủ sức lội bộ ngắm mây trên đỉnh núi thì nhớ bóng cây mà mình đã mong ngóng, gieo trồng. Ở đó mùa khô, cây tỏa bóng hát vi vu giao hòa cùng mây gió để mưa về cây giữ nước thượng nguồn, cho những vầng mây náo nức rong chơi để du khách ghé qua được đắm mình trong mây buổi sớm trên đỉnh Chư Nâm.

 

 TẠ NGỌC ĐIỆP

Có thể bạn quan tâm

Sức sống mới ở làng tái định cư

Sức sống mới ở làng tái định cư

(GLO)- Sau gần 30 năm chuyển về nơi ở mới, cuộc sống của người dân 5 làng tái định cư thuộc xã Đăk Trôi (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) đã thay đổi tích cực. Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững, từng bước xây dựng cuộc sống no đầy.
Tặng mái ấm cho học sinh nghèo xã Pờ Tó

Tặng mái ấm cho học sinh nghèo xã Pờ Tó

(GLO)- Sáng 25-4, thầy giáo Vũ Văn Tùng-đại diện “Tủ bánh mì 0 đồng” phối hợp với Hội Chữ thập đỏ huyện Ia Pa tặng ngôi nhà cho gia đình em Nay H'Lại (lớp 6, Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp, xã Pờ Tó).
Phú An chuyển mình

Phú An chuyển mình

(GLO)- Từ vùng quê nghèo đói ngày nào, Phú An trở thành một trong những xã đầu tiên của huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) “về đích” nông thôn mới.
Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.