Sân khấu hóa tác phẩm văn học: Đưa văn chương đến gần hơn với học sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Việc sân khấu hóa tác phẩm văn học giúp học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương phát huy tính chủ động, sáng tạo và năng lực của bản thân; đồng thời tạo cơ hội để các em “thẩm thấu” văn chương một cách tự nhiên, gần gũi nhất.

Đầu tháng 5 vừa qua, Tổ Ngữ văn Trường THPT chuyên Hùng Vương tổ chức ngoại khóa cho học sinh lớp 10 với chủ đề “Sân khấu hóa tác phẩm văn học”.

Chương trình có sự góp mặt của 9 tiết mục của 9 lớp. Những tác phẩm văn học như: Tấm Cám, Con rồng cháu tiên, Mị Châu-Trọng Thủy, Chí Phèo (Nam Cao), Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành), Chuyện người con gái Nam Xương (Nguyễn Dữ), Những ngôi sao xa xôi (Lê Minh Khuê), Hồi trống Cổ thành (trích Tam quốc diễn nghĩa, La Quán Trung), Làng (Kim Lân)… đã được những diễn viên không chuyên tái hiện trên sân khấu.

Tác phẩm Làng của nhà văn Kim Lân được học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương tái hiện trên sân khấu (ảnh đơn vị cung cấp).

Tác phẩm Làng của nhà văn Kim Lân được học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương tái hiện trên sân khấu (ảnh đơn vị cung cấp).

Với lối diễn xuất tự nhiên nhưng không kém phần chuyên nghiệp, tiết mục sân khấu hóa tác phẩm “Chí Phèo” của các em học sinh lớp 10C6 (chuyên Sinh) đã xuất sắc đạt giải nhất.

Theo Lớp trưởng Phạm Hoàng Việt, trước đó, các thành viên trong lớp đã chia thành 4 nhóm để chuẩn bị cho chuyên đề học tập này dưới sự hướng dẫn của giáo viên Ngữ văn. Mỗi nhóm lựa chọn 1 tác phẩm khác nhau và tự lên ý tưởng kịch bản sao cho hay nhưng vẫn phải đảm bảo nguyên tác; tiếp đó là dàn dựng bối cảnh, phân vai tập luyện.

“Nhận vai diễn Bá Kiến, em đã cố gắng hóa thân vào nhân vật một cách tốt nhất. Sau vòng sơ tuyển tại lớp, chúng em rất vui khi tiết mục của nhóm đã được chọn để tham gia ngoại khóa cấp trường và càng vui hơn khi tiếp tục giành được giải cao nhất.

Em rất thích chuyên đề sân khấu hóa tác phẩm văn học khi được tiếp cận những tác phẩm kinh điển nhưng ở một hình thức khác vô cùng dễ hiểu. Qua đây, em nhận thấy mình yêu văn chương hơn”-Việt chia sẻ.

Còn với những học sinh chuyên Văn, việc được tham gia vào hoạt động sân khấu hóa tác phẩm văn học không chỉ góp phần bồi đắp thêm tình yêu văn chương mà còn giúp các em thỏa sức sáng tạo.

“Em rất hứng thú với cơ hội được “học bằng chơi” như sân khấu hóa tác phẩm văn học. Lớp em đã tái hiện tác phẩm “Rừng xà nu” trên sân khấu. Qua chuyên đề học tập này, em và các bạn có cơ hội phát huy trí tưởng tượng, không bị gò bó hay giới hạn trong phạm vi nào; được thử nghiệm diễn xuất và hiểu hơn về ý nghĩa sâu xa cũng như giá trị mà tác phẩm văn học ấy truyền tải. Nhờ đó, việc tiếp thu kiến thức trở nên hiệu quả, đa góc nhìn”-em Lê Gia Khánh Tâm (lớp 10C1) bày tỏ.

Được biết, sân khấu hóa tác phẩm văn học là 1 trong 3 chuyên đề học tập của môn Ngữ văn lớp 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đây là hoạt động giáo dục được thực hiện bằng cách dàn dựng lại một bài thơ, câu chuyện thành một vở kịch, một tiết mục ca nhạc... nhưng vẫn phải đảm bảo nguyên tác. Học sinh có thể chọn sân khấu hóa toàn bộ tác phẩm hoặc một trích đoạn đặc sắc nhất của tác phẩm đó.

Lớp 10C1 chọn sân khấu hóa tác phẩm “Rừng xà nu” của nhà văn Nguyễn Trung Thành (ảnh ĐVCC).

Lớp 10C1 chọn sân khấu hóa tác phẩm “Rừng xà nu” của nhà văn Nguyễn Trung Thành (ảnh ĐVCC).

Với kinh nghiệm gần 30 năm giảng dạy môn Ngữ văn, cô Trần Thu Hằng nhìn nhận: Khi học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh có nhiều cơ hội để phát huy tối đa phẩm chất, năng lực của bản thân và chuyên đề sân khấu hóa tác phẩm văn học là một điển hình.

Các em được lựa chọn tác phẩm văn học yêu thích không chỉ trong phạm vi sách giáo khoa để sân khấu hóa (có sự thẩm định của giáo viên); được tiếp cận tác phẩm văn học từ nhiều góc độ và phương diện khác nhau; không còn phụ thuộc vào định hướng, dẫn dắt của giáo viên mà phát huy được tính chủ động, sáng tạo, cảm nhận đối với tác phẩm cũng sâu sắc hơn.

Đồng quan điểm, cô Mai Thị Huyền cho biết: “Mặc dù mất nhiều thời gian để tập luyện nhưng học sinh vô cùng hứng thú với chuyên đề sân khấu hóa tác phẩm văn học. Không chỉ tiếp cận kiến thức một cách dễ dàng mà các em biết vận dụng kiến thức được học để chuyển tải tư tưởng của tác phẩm, lột tả tính cách lẫn nội tâm nhân vật. Đây là điều khó có thể đạt được nếu chỉ dạy và học theo cách truyền thống. Tất cả các tiết mục đều đảm bảo tính giáo dục, tính thẩm mỹ, có sự dàn dựng kịch bản sáng tạo dựa trên tinh thần tôn trọng nguyên tác và ý đồ của tác giả”.

Trao đổi với P.V, cô Lê Thị Thu-Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hùng Vương-cho hay: Dựa trên kế hoạch bài học và chuyên đề học tập, Tổ Ngữ văn đã xây dựng kế hoạch về việc tổ chức ngoại khóa “Sân khấu hóa tác phẩm văn học” cho khối 10.

Thay vì tổ chức theo nội bộ lớp như năm học trước, năm nay, nhà trường tạo điều kiện về cơ sở vật chất, thời gian cũng như hỗ trợ kinh phí để hoạt động học tập chuyên đề này được tổ chức đồng bộ, chuyên nghiệp và lan tỏa hơn; có cả xếp loại và trao thưởng cho những tiết mục xuất sắc.

“Hiện tại, việc sân khấu hóa tác phẩm văn học chỉ triển khai cho học sinh khối 10. Dự kiến năm học tới, nhà trường sẽ xây dựng kế hoạch chung, do Tổ Ngữ văn chủ trì và mời các đơn vị trường học trong cụm chuyên môn cùng tham gia nhằm giao lưu, học hỏi kinh nghiệm về tổ chức chuyên đề sân khấu hóa tác phẩm văn học; qua đó, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018”-cô Thu thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm

Chuyện về “đại sứ văn hóa đọc” Bùi Phạm Thùy Linh

Chuyện về “đại sứ văn hóa đọc” Bùi Phạm Thùy Linh

(GLO)- Cuối tháng 10 vừa qua, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức lễ tổng kết và trao giải Đại sứ văn hóa đọc năm 2024. em Bùi Phạm Thùy Linh-Học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Kim Đồng (thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) đã đạt giải nhì toàn quốc và giải “Truyện ngắn khuyến đọc hay nhất”.

Thầy giáo 'Idol'

Thầy giáo 'Idol'

Ở Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, học sinh gọi thầy giáo Phùng Văn Tráng, SN 1990, Bí thư Đoàn trường, là Idol (thần tượng). Không chỉ dạy giỏi, thầy luôn “sống cho đi”, giản dị.

Nhà vệ sinh bẩn trong trường học: Nhiều hệ lụy

Nhà vệ sinh bẩn trong trường học, nhiều hệ lụy

(GLO)- Những bức tường bám đầy rong rêu, thiết bị vệ sinh bám bẩn ố vàng, bốc mùi khó chịu, quá tải… là hiện trạng chung đang diễn ra tại không ít trường học đứng chân trên địa bàn các xã ở tỉnh Gia Lai. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy về sức khỏe, tâm lý của học sinh lẫn mỹ quan học đường.

'Bà giáo' khó đứng lớp mầm non

'Bà giáo' khó đứng lớp mầm non

Giáo viên mầm non là nghề đặc thù, đòi hỏi có sức khỏe, sự dẻo dai, linh hoạt để đảm bảo an toàn cho trẻ trong quá trình chăm sóc, dạy dỗ. Do đó, nhiều nhà giáo ủng hộ đề xuất cho nhà giáo ở bậc học này nghỉ hưu ở tuổi 55.